Phạm Trần lại “dở” thói bóp méo thực tiễn
– Vẫn với cái sự hằn học, Phạm Trần gần đây lại “đăng đàn” trên “Doithoaionline” bằng bài viết “Có dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam không?”. Trong bài viết, y cho rằng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân Việt Nam mất quyền dân chủ trên tất cả các mặt chính trị, kinh tế, dân tộc, tôn giáo, báo chí, v.v. Đây là sự xuyên tạc trắng trợn, bất chấp thực tiễn sinh động về tình hình dân chủ ở Việt Nam của Phạm Trần.
Tre Việt xin khẳng định: cả trong đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và trong thực tiễn, quyền dân chủ của nhân dân luôn được bảo đảm thực thi và mở rộng, thể hiện trên tất cả các lĩnh vực. Về chính trị, quyền dân chủ được Hiến định rõ trong các bản Hiến pháp: “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước của dân, do dân, vì dân”. Như vậy, quyền lực nhà nước thuộc về toàn dân chứ không hề nằm trong tay một tổ chức, một nhóm hay một cá nhân nào. Nhân dân có quyền tố cáo, khiếu nại những người có hành vi vi phạm pháp luật và được cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Mọi đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước đều vì lợi ích của nhân dân, có sự tham gia ý kiến của nhân dân. Nhân dân lao động là chủ thể mọi quyền lực; quyền lợi và nghĩa vụ, quyền hạn và trách nhiệm, cống hiến và hưởng thụ gắn bó chặt chẽ với nhau. Mọi người dân đều trực tiếp hay gián tiếp đề đạt nguyện vọng và đóng góp ý kiến của mình cho các cơ quan trong hệ thống chính trị. Việc bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của nhân dân ngày càng được mở rộng và hoạt động hiệu quả thông qua các kênh; được công khai, nhất là trên các phương tiện thông tin. Và, việc “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” trở thành quy chế, thiết chế dân chủ trong xã hội; là phương châm hành động của người dân trong xây dựng hệ thống chính trị; là yêu cầu ứng xử của cán bộ các cấp trong tiếp xúc, quan hệ với nhân dân và quan tâm chăm no mọi mặt tới đời sống cho nhân dân.
Tre Việt xin nêu một vài ví dụ để minh chứng: trong các cuộc bầu cử Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp ở Việt Nam, tỷ lệ cử tri đi bầu rất cao. Tỷ lệ đại biểu là nữ, người dân tộc thiểu số, chức sắc tôn giáo trong Quốc hội ngày càng cao (tỷ lệ đại biểu là nữ trong Quốc hội đứng thứ hai trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương, đứng thứ 9/135 nước trên thế giới). Việc truyền hình trực tiếp các phiên chất vấn của Quốc hội; việc thực hiện đối thoại trực tuyến của Thủ tướng Chính phủ, các bộ trưởng,… với nhân dân; những cuộc tiếp xúc của các đại biểu Quốc hội với cử tri; việc lấy ý kiến rộng rãi trong các tầng lớp nhân dân về Dự thảo Hiến pháp năm 2013, Dự thảo Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII, XIII của Đảng,… đã tạo điều kiện cho người dân thực hiện quyền làm chủ, thực thi quyền kiểm tra, giám sát các hoạt động của Nhà nước và đề đạt nguyện vọng, thể hiện chính kiến của mình trong xây dựng nhà nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Về kinh tế, quyền dân chủ của nhân dân thể hiện qua cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Cơ chế đã tạo điều kiện cho mọi công dân phát huy quyền tự do, tự chủ của mình trong sản xuất, kinh doanh. Mọi công dân có quyền lao động và hưởng thụ thành quả lao động theo năng lực và sự đóng góp của mình, có quyền tự do kinh doanh, sản xuất, đầu tư,... theo qui định của pháp luật. Ngoài ra, Nhà nước còn có nhiều chính sách thiết thực để khuyến khích người dân phát triển kinh tế, “lợi nhà, ích nước”, làm cho dân giàu, nước mạnh.
Cùng với đó, dân chủ ở Việt Nam còn thể hiện ở quyền tự do tôn giáo, tự do ngôn luận, tự do báo chí, v.v. Trong lĩnh vực tôn giáo, nhân dân có quyền tự do tín ngưỡng cao. Hiện nay, có khoảng 16 tôn giáo với 55.870 chức sắc, 145.561 chức việc trong các tổ chức tôn giáo đang hoạt động tại hơn 30.000 cơ sở thờ tự trên cả nước; có hơn 30 triệu người theo tôn giáo. Quyền tự do báo chí, được thực hiện theo quy định của pháp luật. Đến năm 2024, cả nước có 127 cơ quan báo chí, 670 cơ quan tạp chí; 72 cơ quan đài phát thanh, truyền hình; có 47 đơn vị hoạt động truyền hình cáp, 9 đơn vị truyền dẫn tín hiệu truyền hình cáp, sản xuất 62 kênh truyền hình trả tiền, v.v. Số người làm việc trong lĩnh vực báo chí là 41.000 người với 19.365 người được cấp thẻ nhà báo. Về quyền tự do internet, sử dụng mạng xã hội, theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, ở Việt Nam có hạ tầng 3G/4G đã phủ 99,8% dân cư và internet cáp quang đã truyền đến 98% số phường, xã; số người dùng internet là 72,1 triệu người, chiếm 73,2% dân số cả nước, đứng thứ 12 thế giới, thứ 6 Châu Á. Số người dùng mạng xã hội là hơn 70 triệu, bằng 89% dân số từ 18 tuổi trở lên, v.v.
Sự thực trên là minh chứng không thể bác bỏ. Điều này, không chỉ thể hiện rõ ràng và sinh động về quyền làm chủ của nhân dân; thể hiện sâu sắc bản chất tốt đẹp, ưu việt của chế độ dân chủ ở Việt Nam, mà còn bác bỏ những luận điệu bóp méo, xuyên tạc sự thật của Phạm Trần về tình hình dân chủ ở Việt Nam, nhằm mục đích xấu xa là phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với xã hội./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét