CẢNH GIÁC TRƯỚC LUẬN ĐIỆU NHAM HIỂM CỦA ÂU DƯƠNG TUỆ
Mượn cớ luận bàn, “đánh giá” về di sản của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, bài viết “Gia tài” Nguyễn Phú Trọng của Âu Dương Tuệ đã lớn tiếng kêu gọi Việt Nam hãy từ bỏ ý thức hệ Mác – Lênin, tiến lên theo con đường dân chủ đa nguyên. Việc phát tán rộng rãi bài viết này trên nhiều diễn đàn mạng xã hội đã và đang ảnh hưởng tiêu cực đến nhận thức, tư tưởng của một bộ phận quần chúng nhân dân, cần có biện pháp đấu tranh vạch trần, xử lý kịp thời.
1. Không thể xuyên tạc thân thế, sự nghiệp cùng di sản vẻ vang của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một nhà lãnh đạo suốt đời tận tụy vì nước, vì dân, người cộng sản kiên trung, chân chính, liêm khiết; một nhà lãnh đạo đặc biệt xuất sắc của Đảng, tấm gương sáng ngời về đạo đạo đức cách mạng, “chí công vô tư”. Cuộc đời, sự nghiệp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được cán bộ, đảng viên và nhân dân kính trọng, bạn bè quốc tế trân trọng và đánh giá cao. Nhớ đến cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, người dân nhớ đến hình ảnh một nhà lãnh đạo mẫu mực, nói đi đôi với làm, có cơ sở khoa học và thực tiễn, luôn vì lợi ích quốc gia dân tộc, vì những điều tốt đẹp nhất cho người dân; nhưng cũng không khoan nhượng, dung thứ cho những việc làm sai trái, nhất là sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Chính kết quả công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực những năm gần đây để lại dấu ấn sâu đậm, là cơ sở củng cố niềm tin, nhân lên sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc. Những kết quả ấy gắn liền với tên tuổi, công sức của Tổng Bí thư. Ngay khi biết tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần, nhiều nguyên thủ các quốc gia đã gửi điện chia buồn như: Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Nga Putin, Tổng thống Mỹ Joe Biden… Các hãng thông tấn lớn trên thế giới như: Xinhua, Granma, AP, Reuters, New York Times, Al Jazeera, Yonhap, DW, BBC, NHK, Fox News, CNBC… đồng loạt đưa thông tin Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng từ trần và điểm lại những dấu ấn trong cuộc đời, sự nghiệp, nhấn mạnh công lao to lớn của Tổng Bí thư đối với công cuộc xây dựng, phát triển đất nước và đường lối “ngoại giao cây tre”, giúp nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.
Sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để lại sự tiếc thương hụt hẫng trong lòng các tầng lớp nhân dân. Lời căn dặn của Tổng bí thư: “Tiền bạc lắm để làm gì, chết có mang theo được đâu. Danh dự mới là điều thiêng liêng, cao quý nhất” đã trở thành lẽ sống, phương châm sống của nhiều người dân đất Việt. Cuộc đời, sự nghiệp của Tổng bí thư là tấm gương sáng cho cán bộ, đảng viên noi theo, luôn tự tự soi, tự sửa, giữ gìn phẩm chất đạo đức, một lòng sắt son theo Đảng quang vinh, Bác Hồ vĩ đại. Di sản của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ sống mãi trong lịch sử Việt Nam, được kế thừa và phát huy hơn nữa trong công cuộc đổi mới đất nước. Những luận điệu xuyên tạc của Âu Dương Tuệ và các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị không thể phủ nhận được sự thật đó!
2. Đa nguyên chính trị không bao giờ là lựa chọn của Việt Nam. Kêu gọi Việt Nam đi theo con đường đa nguyên, đa đảng là luận điệu quen thuộc của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị. Những luận điệu này thường mượn danh, núp bóng dưới những lời lẽ hoa mĩ, mị dân, đánh tráo khái niệm dẫn đến những nhận thức sai lầm ở một bộ phận quần chúng nhân dân. Tuy nhiên, cần nhận rõ bản chất, đa nguyên, đa đảng không bao giờ là sự lựa chọn lý tưởng. Con đường này đã và đang gây tổn hại cho nhân dân tiến bộ ở các quốc gia trên thế giới. Thực tiễn ở Mỹ cho thấy, đa nguyên, đa đảng đã ngăn cản những lực lượng tiến bộ trong quốc hội Mỹ; dẫn đến những luật lệ bảo vệ các tập đoàn kinh tế, củng cố quyền lực người giàu luôn được thông qua dễ dàng không có phiếu chống; trong khi những luật bảo vệ người dân khỏi những tác động tiêu cực của các tập đoàn kinh tế thường bị bác bỏ. Người dân không thực sự được hưởng đầy đủ các quyền tự do, dân chủ như những gì Âu Dương Tuệ và các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị vẫn rêu rao.
Ở nước ta, sự lãnh đạo duy nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam là nhân tố quyết định bảo đảm sự ổn định và phát triển, tiến tới một xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Mọi người dân đều có thể trực tiếp hay gián tiếp (thông qua người đại diện của mình) đề đạt nguyện vọng và đóng góp ý kiến cho các cơ quan công quyền. Các kênh bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của nhân dân ngày càng được mở rộng và hoạt động có hiệu quả. “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” trở thành quy chế, thiết chế dân chủ trong các tổ chức chính trị – xã hội, các hoạt động của xã hội; phương châm hành động của người dân trong xây dựng hệ thống chính trị; là yêu cầu ứng xử của cán bộ trong tiếp xúc, quan hệ với dân và chăm lo đến dân. Nhân dân Việt Nam là chủ thể mọi quyền lực; quyền lợi và nghĩa vụ, quyền hạn và trách nhiệm, cống hiến và hưởng thụ luôn gắn bó chặt chẽ với nhau.
Vấn đề đặt ra đối với chúng ta hiện nay không phải là lựa chọn một đảng hay đa đảng, mà tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa quyền lãnh đạo duy nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với xã hội. Cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân cần thống nhất nhận thức, hành động, thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm góp phần xây dựng Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức; luôn đoàn kết nhất trí cao, gắn bó mật thiết với nhân dân, có phương thức lãnh đạo khoa học, có đội ngũ cán bộ đảng viên đủ phẩm chất và năng lực ngang tầm với yêu cầu nhiệm vụ cách mạng thời kỳ mới. Đồng thời, nêu cao cảnh giác cách mạng, kiên quyết đấu tranh làm thất bại những âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” chống phá cách mạng nước ta của các thế lực thù địch, cơ hội chính trị, phản động./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét