Thứ Năm, 12 tháng 9, 2024

Có tật giật mình

 

Có tật giật mình

  – Trang facebook Đài RFA ngày 23/8 đăng bài: “An ninh mạng ở 63 tỉnh, thành: Gia tăng đàn áp?”, trong đó đăng tải một số ý kiến của những người tự xưng là “hoạt động xã hội, nhân quyền” cho rằng: “Công an phải tìm mọi cách triệt tiêu quyền tự do ngôn luận”; “lời tuyên chiến với quyền tự do ngôn luận của người dân”. Đây là thông tin hoàn toàn không chính xác, cố tình vu cáo Việt Nam vi phạm tự do ngôn luận, cần đấu tranh, bác bỏ.

Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn quan tâm đến việc bảo đảm các quyền cơ bản của con người, của công dân; trong đó có quyền tự do ngôn luận. Điều này được quy định ngay trong Hiến pháp cũng như các văn bản pháp luật hiện hành và thường xuyên được bổ sung, hoàn thiện. Qua đó, tạo cơ sở hành lang pháp lý để mọi người dân được tự do ngôn luận theo đúng quy định của pháp luật. Trên thực tế, ở Việt Nam hiện nay có hệ thống các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể,... từ Trung ương đến địa phương là nơi lắng nghe, tiếp thu, giải đáp những ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân. Bên cạnh đó, với 6 cơ quan truyền thông đa phương tiện chủ lực, 127 cơ quan báo, 671 cơ quan tạp chí (trong đó có 319 tạp chí khoa học, 72 tạp chí văn học nghệ thuật), 72 cơ quan Đài phát thanh, truyền hình đang hoạt động trên cả nước chính là diễn đàn, cơ quan ngôn luận, là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân; thể hiện ý chí, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân.

Với việc người dân được tự do sử dụng internet, mạng xã hội nên đã đưa Việt Nam trở thành quốc gia có số lượng người truy cập internet, sử dụng mạng xã hội cao trên thế giới. Theo Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, đến đầu năm 2024, Việt Nam có 78,44 triệu người sử dụng internet, tỉ lệ tiếp cận internet đạt 79,1%; có 72,70 triệu người sử dụng mạng xã hội, tương đương 73,3% tổng dân số. Tại thời điểm đầu năm 2024, Việt Nam có tổng cộng 168,5 triệu kết nối di động, tương đương 169,8% tổng dân số. Nhờ đó, đã góp phần quan trọng thúc đẩy đất nước phát triển toàn diện cả về kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, v.v. Đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện, nâng cao. Đây là thành tựu thực tế không thể phủ nhận.

Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích mang lại thì việc truy cập internet, sử dụng mạng xã hội đang đặt ra những thách thức, bất cập, khó khăn đối với công tác quản lý nhà nước. Các thế lực thù địch, phần tử phản động triệt để lợi dụng mạng xã hội, coi đây là “mảnh đất màu mỡ” để đăng tải, chia sẻ thông tin, bài viết, tài liệu chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ, nhất là dịp đất nước diễn ra các sự kiện chính trị lớn, như: đại hội Đảng, bầu cử Quốc hội, các kỳ họp của Ban Chấp hành Trung ương, Quốc hội,... thì cường độ, số lượng càng nhiều, nở rộ như “nấm mọc sau mưa”. Điều đó, buộc các cơ quan chức năng của Việt Nam phải yêu cầu Google, Facebook gỡ bỏ, vô hiệu hóa hàng nghìn video clip, bài viết, tài khoản cá nhân và fanpage có nội dung thông tin xấu độc, chống phá chế độ. Bên cạnh đó, bọn tội phạm còn lợi dụng không gian mạng để lừa đảo chiếm đoạt tiền của người dân. Theo số liệu của Bộ Công an, số tiền người dân bị các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt trên mạng trong năm 2023 tăng gấp rưỡi năm 2022, (tăng từ 8.000 lên 10.000 nghìn tỉ đồng) và số lượng các vụ án đã bị khởi tố vì tội lừa đảo trên không gian mạng gia tăng, lên đến 1.500 vụ.

Thực trạng này đã cho thấy việc kiểm soát, bảo đảm không gian mạng an toàn, lành mạnh cho người dân là cần thiết, tất yếu khách quan. Đã có đông đảo cử tri ý kiến cho rằng: Chính phủ cần tổ chức một lực lượng chống tội phạm trên không gian mạng nhiều hơn, bài bản, đầy đủ hơn để đủ sức ngăn chặn tội phạm này. Và, trong phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết đang đẩy mạnh việc thực hiện các biện pháp để chống tội phạm công nghệ cao; trong đó đã triển khai lực lượng an ninh mạng ở tất cả 63 tỉnh thành trong cả nước. Đây là biện pháp phù hợp, xuất phát từ thực tiễn để tăng cường bảo đảm an toàn cho công dân trên môi trường không gian mạng, được dư luận nhân dân đồng tình ủng hộ.

Vậy nhưng, các thế lực thù địch, phần tử phản động bấy lâu nay vẫn rình rập, lợi dụng không gian mạng để chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ lại “có tật giật mình”. Chúng sợ rằng “đất diễn” lâu nay sẽ bị hạn chế, kiểm soát chặt chẽ nên lại diễn trò lu loa, vu cáo Việt Nam vi phạm nhân quyền, ngăn chặn quyền tự do ngôn luận. Thật nực cười!

Không có nhận xét nào: