PHẢN BÁC LUẬN ĐIỆU “CÂY XANH GÃY ĐỔ DO BÃO CÓ SỰ GÓP CÔNG CỦA CÁN BỘ THAM NHŨNG”
Mới đây, cơn bão số 3, năm 2024 có tên là Yagi đổ bộ vào miền Bắc nước ta, để lại những hậu quả nghiêm trọng với nhiều mất mát, đau thương về con người, nhà cửa, các cơ sở vật chất, kết cấu hạ tầng, nhất là những thiệt hại về nông nghiệp như: hoa màu và cây ăn quả, cây xanh,…trên đường phó, đường quốc lộ, tỉnh lộ, mọi nẻo đường thôn quê, nông thôn, miền núi…đều có cây xanh gãy đổ. Lợi dụng vào vấn đề này trên trang Vietnamthoibao, Minh Hải có bài viết với tiêu đề “25.000 cây xanh ngã đổ nhờ công của cán bộ tham nhũng”, nội dung phản ánh về Hà Nội có hàng vạn cây xanh ngã đổ, nhiều thương tiếc và cũng nhiều khó khăn bởi sự thật đã chứng minh cây gãy đổ có một phần “góp công” không nhỏ từ những cán bộ tham nhũng,… Những lời lẽ vu khống, bôi nhọ trên đã khơi dậy sự hoài nghi của nhân dân và tạo dư luận không tốt về công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cơ quan có thẩm quyền trong vấn đề trồng cây xanh, để tạo cảnh quan môi trường xanh – sạch – đẹp ở các khu đô thị.
Chúng ta phải hiểu rằng, cây xanh đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong cuộc sống của chúng ta. Từ thời xa xưa cho đến ngày nay, mối liên kết giữa loài người và thiên nhiên luôn vững mạnh và không thể tách rời. Khi chúng ta đối diện với các yếu tố tự nhiên như nước, cây cỏ, hoa lá, núi non, tâm hồn của chúng ta thường trở nên nhẹ nhàng và thư thái, như khi chúng ta tìm thấy một khu vườn yên bình sau những thời gian bận rộn và hối hả của cuộc sống.
Hiện nay, đất nước chúng ta đang trải qua quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa, với sự gia tăng không ngừng của các nhà máy, cơ quan, xí nghiệp, và các cơ sở sản xuất cũng như sự đô thị hóa nhanh. Vấn đề ô nhiễm môi trường trở nên không thể tránh khỏi. Dưới sự tác động và phát triển của con người, các yếu tố thiên nhiên và tự nhiên đang dần biến mất. Khí hậu biến đổi, thời tiết bất thường, cùng với nhiều nguồn ô nhiễm như nguồn nước bị ô nhiễm, rác thải, khói bụi, và tiếng ồn đang gây ra nhiều vấn đề về sức khỏe, đặc biệt là về tinh thần cho con người.
Hà Nội trái tim của cả nước, cũng không nằm ngoài quy luật của quá trình đô thị hóa như đã nêu trên và chủ trương trồng cây xanh tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp trên các tuyến phố của Thủ đô đã được triển khai đồng bộ với quá trình xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển kinh tế, xã hội. Nhưng sau khi siêu bão Yagi đổ bộ vào Việt Nam với sức gió giật lên đến cấp 10, cấp 11 đã làm cho hệ thống cây xanh của Thủ đô gãy, đổ, nhiều cây xanh gãy, đổ thuộc các loài lát, bàng, sấu, bằng lăng, keo…, vốn là cây trồng phù hợp lấy bóng mát ở đô thị, có sức chịu gió tốt . Tuy nhiên, “siêu bão” số 3 khi vào đến Hà Nội với sức gió giật rất mạnh nên những cây có chiều cao lớn, hoặc mới trồng, rễ chưa kịp cắm sâu sẽ không thể chống chịu. Không chỉ ở thành phố mà mọi nơi bão đi qua đều để lại hậu quả nghiêm trọng, cây xanh gãy, đổ hàng loạt kể cả cây lâu năm, cây cổ thụ.
Tại Việt Nam, Nghị định số 64/2010/NĐ-CP về quản lý cây xanh đô thị đã quy định rất rõ vai trò và trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc đảm bảo sự phát triển bền vững và an toàn của hệ thống cây xanh. Theo đó, các cơ quan liên quan có nhiệm vụ đảm bảo việc trồng, bảo dưỡng, và quản lý cây xanh theo các tiêu chuẩn kỹ thuật cụ thể. Cũng trong Luật Xây dựng 2014, quy hoạch cây xanh được coi là một phần quan trọng trong quy hoạch phát triển đô thị, nhằm đảm bảo cảnh quan và môi trường sống cho người dân.
Tuy nhiên, những trường hợp thiên tai như bão Yagi khiến cây xanh ngã đổ hàng loạt tại Hà Nội và nhiều địa phương khác là vấn đề không thể tránh khỏi, và nó cũng không chỉ xảy ra tại Việt Nam. Khi cơn bão Yagi đổ bộ vào tỉnh Hải Nam, Trung Quốc cũng để lại hậu quả nghiêm trọng, theo thống kế của Chính quyền tỉnh Hải Nam, Trung Quốc, ngày 8/9 cho biết bão Yagi đã khiến 4 người thiệt mạng, 95 người bị thương và gây ảnh hưởng tới hơn 526.000 người. Bão gây thiệt hại 11,9 tỷ Nhân dân tệ (khoảng 1,67 tỷ USD) cho ngành nông, ngư nghiệp tỉnh Hải Nam, trong đó hơn nửa là thiệt hại về ngành đánh bắt cá. Yagi còn gây thiệt hại mùa màng với phạm vi khoảng 94.200 ha. Để nhanh chóng khôi phục trật tự sau bão, 61.000 công nhân vệ sinh và 6.300 xe chở rác đã được huy động để dọn dẹp trên khắp Hải Nam. 14.000 tấn rác do bão gây ra đã được dọn sạch, khoảng 142.000 cây đổ trên toàn tỉnh đã được di dời. Điều này cho thấy rằng việc cây xanh ngã đổ trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt không phải là vấn đề riêng của Việt Nam, mà là một thách thức chung của các đô thị trên toàn thế giới.
Việc trồng và chăm sóc cây xanh tại Việt Nam được thực hiện dựa trên các tiêu chuẩn kỹ thuật chi tiết. Tiêu chuẩn xây dựng Việt Nam 362:2005 quy định rất rõ về việc chọn giống cây, kỹ thuật trồng, khoảng cách cây và bảo dưỡng cây xanh đô thị. Những tiêu chuẩn này đảm bảo rằng cây xanh không chỉ phát triển tốt về mặt sinh thái mà còn đảm bảo an toàn trong quá trình đô thị hóa.
Việc cây xanh bị ngã đổ trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt như bão là điều không thể tránh khỏi, ngay cả khi tuân thủ đầy đủ các tiêu chuẩn kỹ thuật. Như vậy, có một số quan điểm cho rằng việc trồng cây xanh tại các đô thị ở Việt Nam là làm lấy lệ, không tuân thủ các tiêu chuẩn kỹ thuật và dẫn đến cây ngã đổ hàng loạt. Đây là quan điểm phiến diện và thiếu sự hiểu biết về các quy định và tiêu chuẩn kỹ thuật tại Việt Nam. Trước tất cả những lợi ích này, chúng ta cần đoàn kết để bảo vệ cây xanh và chúng ta cần xây dựng một kế hoạch trồng cây hệ thống và đảm bảo sự giám sát chặt chẽ từ các cơ quan chức năng.
Trước những luận điệu xuyên tạc, vu khống cán bộ lợi dụng vấn đề trồng cây xanh đô thị để tham nhũng là những lời lẽ thâm độc của các thế lực thù địch, phản động. Chúng lợi dụng vào những vấn đề này để vu khống, dựng chuyện “biến không thành có”, “biến có thành không”. Do vậy, chúng ta cần nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, không dao động tư tưởng, kiên quyết đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, phản động./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét