SỰ “THỪA NHẬN” SAI LỆCH CỦA PHẠM HỒNG GIANG VỀ VĂN HÓA VIỆT NAM
Vừa qua, bằng giọng điệu “ôn nghèo gợi khổ” đầy vụn vặt “hoài niệm”, Phan Hồng Giang tung bài viết: “Làm sao ngăn được đà suy thoái về văn hóa?” trên trang Vietstudies để “thừa nhận” rằng văn hóa Việt Nam suy thoái. Nội dung bài viết là sự khuyếch đại về văn hóa, con người Việt Nam với 4 biểu hiện tầm thường nhằm mục đích phủ nhận những phẩm chất tốt đẹp của con người và thành tựu văn hóa đã đạt được của Đảng Cộng sản Việt Nam trong gần 40 năm đổi mới. Sự nhìn nhận, đánh giá sai lệch của Y thật đáng lên án và cần đấu tranh, khẳng định một số vấn đề như sau:
Thứ nhất, phẩm chất con người, giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam luôn được phát huy, lan tỏa và được bạn bè quốc tế đánh giá cao.
Các thế hệ con người Việt Nam luôn được thừa hưởng, di truyền những giá trị văn hóa và phẩm chất người từ dòng chảy văn hóa Việt Nam đầy tính nhân văn cao cả; từ truyền thống giữ nước và dựng nước của dân tộc Việt Nam. Càng trong thử thách của chiến tranh, bệnh dịch hay bão táp, nét đẹp văn hóa được hun đúc từ hàng ngàn năm lịch sử như tinh thần đoàn kết, truyền thống nhường cơm sẻ áo, lá lành đùm lá rách, tương thân tương ái của người Việt Nam lại càng sáng lên, trở thành động lực, sức mạnh giúp cả dân tộc Việt Nam vượt qua mọi khó khăn, gian lao. Đặc biệt, trong chống chọi với đại dịch Covid-19 và chỉ mới đây, khi Bão số 3 – tên quốc tế là Yagi tràn tới, bên cạnh sự chỉ đạo, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước Việt Nam khắc phục hậu quả mưa lũ, sạt lở đất, thì dù ở bất cứ đâu, cũng thấy người dân chung tay sát cánh, đùm bọc, che chở lẫn nhau.
Không chỉ ca ngợi giá trị văn hóa tốt đẹp, bạn bè quốc tế còn khẳng định con người Việt Nam đôn hậu, thân thiện, họ đã chia sẻ những ấn tượng về văn hóa, con người Việt Nam, nổi bật là: “Khi tôi sang Việt Nam, tôi bị quên điện thoại trên xe taxi, lúc xuống tôi mới nhớ ra, vậy mà 2 tiếng sau, anh lái taxi đã tìm được tôi và trả lại điện thoại trong khi tôi đang lúng túng chưa biết làm thế nào”;“Khi tai nạn xảy ra trên đường, mọi người đều xuống xe và giúp đỡ nhau, và tôi thấy mọi người giúp đỡ nhau trong những khó khăn khác như trên xe buýt hoặc trên đường phố.” (Thái Sơn – Huy Văn tổng hợp đăng trên vovgiaothong.vn qua bài “Việt Nam 2022 trong mắt du khách quốc tế” – Chủ nhật 01/01/2023). Thực tế này đã chứng minh quan điểm con người “vô cảm trước tình cảnh hiểm nghèo của Đất nước”; thấy tai nạn “không dừng lại cứu giúp, coi như không thấy” của Phan Hồng Giang là sai lệch, không đúng sự thật!
Thứ hai, thành tựu về kinh tế, chính trị, xã hội trong công cuộc đổi mới là minh chứng khẳng định văn hóa Việt Nam đang vững chắc phát triển.
Với đường lối lãnh đạo, chính sách văn hóa đúng đắn của Đảng, Nhà nước Việt Nam qua gần 40 năm đổi mới, cho thấy văn hóa, xã hội đang phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện ngày càng cao. Các chủ trương, mục tiêu xây dựng văn hóa, con người của Đảng luôn được hiện thực hóa vào đời sống xã hội với nhiều cách làm sáng tạo, phong trào thi đua đã khơi dậy mạnh mẽ truyền thống văn hóa dân tộc. Chính bản thân Phan Hồng Giang cũng thừa nhận: “Không phải tôi không nhìn thấy những “việc tử tế” trong đời sống chúng ta hiện nay”, nhưng Y lại chỉ “tạm” đưa ra 4 biểu hiện để khẳng định tình trạng suy thoái của văn hóa Việt Nam. Nếu theo những lập luận tiêu cực, góc nhìn trong bóng tối và sự mạo muội của Y thì sẽ không thể thấy được hai tấm gương: Thiếu tá Trần Quốc Hoàng và Đại úy Nguyễn Đình Khiêm đã hy sinh trong phòng, chống cơn bão Yagi là tiêu biểu của truyền thống văn hóa, vừa là sự thể hiện phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam trong thời đại hiện nay.
Thực tiễn phát triển của văn hóa, con người Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản là không thể phủ nhận! Kết quả gần 40 năm đổi mới trên các lĩnh vực không phải là trí tưởng tượng, cũng không phải để “chinh phục lòng người giữa Giả dối và Sự thật”, bởi bản thân nó đã là một sự thật về tình đoàn kết, chung lòng, chung sức, dân chủ thật sự – giá trị văn hóa, con người Việt Nam. Mọi người dân Việt Nam cần nâng cao cảnh giác và tích cực đấu tranh chống các luận điệu lệch lạc, phủ nhận về văn hóa, con người Việt Nam.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét