Thứ Năm, 12 tháng 9, 2024

VIỆT NAM LUÔN TÔN TRỌNG, BẢO ĐẢM, BẢO VỆ QUYỀN CON NGƯỜI, QUYỀN CÔNG DÂN

VIỆT NAM LUÔN TÔN TRỌNG, BẢO ĐẢM, BẢO VỆ QUYỀN CON NGƯỜI, QUYỀN CÔNG DÂN

Thời gian gần đây, một số đối tượng có tư tưởng thù địch với Việt Nam ráo riết tìm mọi cách xuyên tạc, tung những thông tin sai lệch, phiến diện, bóp méo sự thật về tình hình nhân quyền tại Việt Nam. Mới đây, trên trang “Vietnamthoibao”, Khánh An cho rằng: “Chính phủ Việt Nam đã thực hiện cuộc đàn áp dữ dội nhất đối với những người chỉ trích trong nhiều thập niên, bỏ tù hàng loạt nhà hoạt động, luật sư và nhà báo và đẩy nhiều người hơn nữa vào cảnh lưu vong…”, “Việt Nam vi phạm nhân quyền”. Y lấy nguồn tin không chính thống, đưa ra những cáo buộc vô căn cứ về tình hình nhân quyền tại Việt Nam, cho  rằng “Việt Nam thiếu tự do, hạn chế quyền của công dân”. Sự thật không như những lời Khánh An đã viết.

1. Việt Nam không hành hạ, trấn áp người dân, không “gia tăng giam giữ và lưu đày những người chỉ trích Chính phủ”.

Quyền tự do ngôn luận là một trong những quyền cơ bản của công dân Việt Nam, được Hiến pháp, pháp luật Việt Nam ghi nhận, bảo đảm và bảo vệ, được thực thi trong cuộc sống. Những người bất đồng chính kiến có thể do nhận thức còn hạn chế, thiếu thông tin, do ngộ nhận hoặc chịu ảnh hưởng nhất định của những thông tin xấu độc, bị tác động của những quan điểm sai trái. Chính vì vậy, những cá nhân bất đồng chính kiến cần được trao đổi, đối thoại trực tiếp về những vấn đề còn có quan điểm, nhận thức khác nhau để đi đến thống nhất về những vấn đề các bên cùng quan tâm. Trong đối thoại, trao đổi trực tiếp với các cá nhân bất đồng chính kiến, lãnh đạo cấp ủy, chính quyền các cấp đã thực hiện trên tinh thần: cầu thị, khách quan, bình đẳng, dân chủ, cởi mở, tôn trọng sự khác biệt, biết lắng nghe, kể cả những điều “nghịch nhĩ”, không định kiến với cá nhân, tạo tâm lý tích cực và xử lý những phản ánh, kiến nghị của nhân dân ngay từ cơ sở. Trao đổi, đối thoại là cách ứng xử của chính quyền với những người bất đồng chính kiến. Những người bị bắt, truy tố, xét xử đều là những tội phạm hình sự đã hoạt động tuyên truyền chống Nhà nước, kích động lật đổ chính quyền. Những đối tượng này trước kia có người từng là cán bộ, đảng viên, văn nghệ sĩ, nhà khoa học, cán bộ hưu trí, có người có tầm ảnh hưởng trong xã hội, nhưng do suy thoái, biến chất, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, bất mãn, “sám hối”, “trở cờ”, đã quay lưng lại với Đảng, với dân tộc và nhân dân. Không có chuyện bắt giam, bỏ tù những người bất đồng chính kiến như luận điệu xuyên tạc của Khánh An trên Vietnamthoibao.

2. Mục đích của các thế lực thù địch là xuyên tạc về nhân quyền ở Việt Nam, kêu gọi thúc đẩy “Xã hội dân sự”

Do tính chất nhạy cảm về chính trị – xã hội, một số tổ chức đã trượt khỏi bản chất, hình ảnh tích cực của xã hội dân sự đích thực, trở thành công cụ để các thế lực thù địch lợi dụng chống phá chế độ. Các tổ chức núp bóng “xã hội dân sự” thường trá hình dưới danh nghĩa bảo vệ “dân chủ”, “nhân quyền”, nhằm hướng lái vào phê phán vai trò lãnh đạo của Đảng, họ cho rằng: chế độ độc đảng là “độc tài toàn trị”, là nguyên nhân dẫn đến tham nhũng, sai lầm, v.v. Các thế lực thù địch còn tìm cách thao túng, lôi kéo, chi phối tổ chức “xã hội dân sự” cho mục tiêu của mình. Nhìn chung, các hoạt động chống phá dựa trên công cụ là tổ chức “xã hội dân sự” trá hình mà họ thường sử dụng, tập trung vào các thủ đoạn chủ yếu sau: đề cao vai trò “phản biện xã hội” của các tổ chức giả danh “xã hội dân sự”, hướng lái hoạt động của các tổ chức này dần đối lập về tư tưởng chính trị với Nhà nước ta; thúc đẩy xu hướng thoát ly sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, các cơ quan chức năng và chính quyền các cấp; lợi dụng chiêu bài “dân chủ”, “nhân quyền” để hướng lái các tổ chức “xã hội dân sự” vào các hoạt động trái với tôn chỉ, mục đích, vi phạm pháp luật; gia tăng các hoạt động móc nối, liên kết, hậu thuẫn cho những người “bất đồng chính kiến” trong nước hoạt động theo khuynh hướng “độc lập”, hình thành “xã hội dân sự” trái pháp luật, chống Nhà nước, tạo tiền đề cho sự ra đời của các tổ chức chính trị đối lập, thiết lập chế độ đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập nhằm tiến tới mục tiêu thay đổi chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Cùng với đó, họ mượn cớ “phản biện xã hội”, “kiểm soát quyền lực”, nhân danh “dân chủ”, “nhân quyền” để mị dân bằng các hoạt động xây dựng quan hệ thương mại và phát triển… gây phương hại đến an ninh quốc gia.

Với chiêu bài cổ súy, bảo vệ cho những hành vi xem thường luật pháp, gây rối trật tự xã hội, xâm phạm an ninh quốc gia, chống phá chế độ, các đối tượng chống đối trong nước móc ngoặc với các thế lực thù địch bên ngoài tìm mọi cơ hội để lan truyền những thông tin ngụy tạo, sai sự thật hòng đánh lừa dư luận về những sai lầm khuyết điểm của các tổ chức cá nhân, lên án “sự yếu kém của chế độ”, xuyên tạc chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. Mục đích mà các đối tượng hướng đến là nhằm gây mất ổn định tình hình an ninh, trật tự; hạ thấp uy tín, vị thế của Việt Nam; kích động chia rẽ làm mất niềm tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước phục vụ cho chiến lược “diễn biến hòa bình” và đích cuối cùng là nhằm chuyển hóa chế độ xã hội chủ nghĩa tại Việt Nam.

  1. Việt Nam cam kết và luôn thúc đẩy, bảo vệ quyền con người

Tôn trọng, bảo đảm quyền con người là quan điểm, chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước Việt Nam; được quy định trong Hiến pháp và pháp luật. Đảng và Nhà nước ta luôn đề ra những chủ trương đúng đắn về bảo đảm quyền con người. Điển hình là Chỉ thị số 12-CT/TƯ ngày 12-7-1992 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa VII) “Về vấn đề quyền con người và quan điểm, chủ trương của Đảng ta”. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011) nhấn mạnh: “Con người là trung tâm của chiến lược phát triển, đồng thời là chủ thể phát triển. Tôn trọng và bảo vệ quyền con người, gắn quyền con người với quyền và lợi ích của dân tộc, đất nước và quyền làm chủ của nhân dân”.

Hiến pháp năm 2013 khẳng định sự nhất quán về nội dung quyền con người, quyền công dân trong các Hiến pháp năm 1946, 1959, 1980, 1992; đồng thời, bổ sung nhận thức mới, đầy đủ, sâu sắc và toàn diện hơn trong việc thể chế hóa quan điểm của Đảng về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, phù hợp với thực tiễn Việt Nam và chuẩn mực quốc tế về quyền con người mà Việt Nam đã tham gia. Nhà nước chú trọng nâng cao chất lượng xây dựng, hoàn thiện pháp luật về quyền con người. Từ khi Hiến pháp năm 2013 đến nay, công tác cải cách pháp luật, hoàn thiện thể chế, chính sách được đẩy mạnh với hơn 100 luật, bộ luật có liên quan đến quyền con người được ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung. Việc xây dựng các đạo luật theo nguyên tắc tôn trọng và bảo đảm quyền con người, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của văn bản quy phạm pháp luật trong hệ thống pháp luật được tiến hành công khai, minh bạch, dân chủ.

Trong quy trình xây dựng pháp luật, các dự thảo luật đều được công bố rộng rãi, lấy ý kiến đóng góp của nhân dân và được chỉnh lý trên cơ sở các ý kiến đóng góp của nhân dân. Những thành tựu đạt được trong việc xây dựng và hoàn thiện pháp luật về quyền con người đáp ứng được đòi hỏi của thực tiễn phát triển đất nước; tạo cơ sở pháp lý quan trọng để mọi người có cơ hội và điều kiện thuận lợi thụ hưởng quyền con người. Do vậy, những luận điệu xuyên tạc về việc “Việt Nam vi phạm nhân quyền”, “Việt Nam vi phạm quyền tự do, dân chủ của công dân”… là hoàn toàn không đúng sự thật. Bởi vậy, chúng ta phải luôn nêu cao cảnh giác và kiên quyết lên án, đấu tranh với những luận điệu xuyên tạc, thù địch nhằm chống phá Đảng, Nhà nước, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc./.

Không có nhận xét nào: