Thứ Năm, 31 tháng 10, 2024

Freedom House suy diễn, quy chụp vô căn cứ

 

Freedom House suy diễn, quy chụp vô căn cứ

    - Ngày 16/10, Đài VOA tiếng Việt đăng bài: “Freedom House: Việt Nam tiếp tục xiết chặt không gian mạng”. Theo bài viết, trong Báo cáo mới đây của Freedom House đã liệt Việt Nam vào nhóm các nước không có tự do internet. Lý do mà họ đưa ra là do Việt Nam định danh người dùng, kiểm duyệt nội dung, yêu cầu các nhà mạng xóa bài, v.v. Đây là sự suy diễn, quy chụp vô căn cứ của Freedom House với dụng ý xấu. Bởi vì:

Thực tế, Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn quan tâm, nỗ lực bảo đảm đầy đủ các quyền cơ bản của công dân, như: quyền sống, tự do đi lại, tự do ngôn luận, tự do tín ngưỡng tôn giáo, v.v. Minh chứng là hệ thống pháp luật thường xuyên được bổ sung, hoàn thiện, tạo hành lanh pháp lý để người dân thụ hưởng, thực hiện các quyền của mình theo quy định của Hiến pháp và pháp luật. Đặc biệt, quyền tiếp cận internet ở Việt Nam luôn được bảo đảm tốt. Mặc dù, tháng 11/1997 internet mới chính thức vào Việt Nam, nhưng tính đến tháng 01/2024, Việt Nam đã có 78,44 triệu người sử dụng internet, tỷ lệ tiếp cận internet đạt 79,1%; có 72,70 triệu người sử dụng mạng xã hội, tương đương với 73,3% tổng dân số. Điều này đưa Việt Nam trở thành một trong những nước có tỷ lệ dân số truy cập internet nằm trong top đầu thế giới.

Không thể phủ nhận sử dụng internet, mạng xã hội là một trong những giải pháp công nghệ hữu hiệu, tất yếu trong quá trình phát triển xã hội, góp phần phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, nâng cao dân trí, v.v. Tuy nhiên, thời gian gần đây, tình trạng lừa đảo trực tuyến thông qua internet, tài khoản mạng xã hội ngày càng gia tăng. Bên cạnh đó, những hành xử kém văn minh trên không gian mạng, các hoạt động quảng cáo xuyên biên giới, mua bán hàng online tại nước ta diễn biến phức tạp. Ngoài việc dùng tài khoản ảo, ăn cắp tài khoản của người khác để lừa đảo, không ít cá nhân còn sử dụng để livestream các nội dung xuyên tạc, chửi bới, xúc phạm người khác. Nhiều vụ việc xuất phát từ mạng xã hội mà phổ biến, lan truyền theo hướng tiêu cực, tác động xấu đến xã hội. Thậm chí, có một số đối tượng cơ hội chính trị, bất mãn với chế độ đã lợi dụng mạng xã hội để thực hiện các hoạt động tuyên truyền, chống phá Đảng, Nhà nước, chính quyền các cấp; xâm phạm lợi ích của cá nhân, tổ chức; vi phạm pháp luật. Do đó, việc xác thực, định danh tài khoản mạng xã hội là rất cần thiết, giúp bảo vệ tất cả mọi người khi tham gia hoạt động trên môi trường internet, mạng xã hội. Cùng với đó, việc kiểm duyệt nội dung trên internet, mạng xã hội là nhằm xây dựng, tạo môi trường không gian mạng lành mạnh, an toàn.

Trong báo cáo của Freedom House còn rêu rao rằng: nội dung các bài đăng bị xóa ở mức đáng báo động do Việt Nam gây áp lực cho các công ty truyền thông xã hội tuân thủ các yêu cầu xóa nội dung đó. Đây là việc làm hoàn toàn bình thường của các cơ quan chức năng trong quá trình thực thi pháp luật, theo Luật An ninh mạng. Thực tiễn cho thấy, các nội dung bị xóa đều là nội dung không phù hợp, vi phạm các quy định của pháp luật. Bản thân các công ty truyền thông, tập đoàn công nghệ chủ quản các trang mạng xã hội cũng nhận thấy những nội dung, thông tin phía Việt Nam yêu cầu xóa là không phù hợp quy định chung của cộng đồng, là vi phạm pháp luật,... nên họ phải hành động để ngăn chặn. Ngược lại, nếu nội dung đăng trên mạng xã hội là phù hợp với tiêu chuẩn chung của cộng đồng thì cơ quan chức năng Việt Nam có yêu cầu thì họ cũng không xóa.

Vì thế, việc Freedom House dựa vào những thông tin phiến diện, thiếu cơ sở rồi suy diễn, quy chụp cho rằng Việt Nam xiết chặt không gian mạng, không có tự do internet là hoàn toàn vô căn cứ, cần lên án, bác bỏ./.

Không có nhận xét nào: