Thứ Ba, 22 tháng 10, 2024

Sự quy chụp thiên kiến của HRW về tình hình nhân quyền ở Việt Nam

 

Sự quy chụp thiên kiến của HRW về tình hình nhân quyền ở Việt Nam

        Ngày 10/10, trong bài phát biểu tại Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp quốc, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền quốc tế (HRW) lại quen thói “quy chụp” rằng: việc Việt Nam cam kết cải thiện nhân quyền vẫn chỉ là “những lời hứa suông”.

Cần khẳng định ngay rằng, sự quy chụp hồ đồ trên của HRW lần nữa phản ánh những định kiến lâu nay của tổ chức này đối với những nỗ lực và cam kết của Việt Nam trong bảo vệ và thúc đẩy quyền con người theo cơ chế Rà soát định kỳ phổ quát (UPR) của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc.

Như đã biết, ngày 07/5/2024 tại Trụ sở Liên hợp quốc (Geneva, Thụy Sỹ), Đoàn đại biểu Việt Nam do Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt dẫn đầu đã tham gia Phiên đối thoại về Báo cáo quốc gia của Việt Nam theo Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ IV của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc. Báo cáo quốc gia UPR chu kỳ IV đề cập một cách tổng thể việc bảo vệ và thúc đẩy quyền con người ở Việt Nam trên các lĩnh vực kể từ lần rà soát trước và rà soát việc thực hiện những khuyến nghị mà Việt Nam đã chấp thuận tại chu kỳ III. Tính đến tháng 01/2024, trong số 241 khuyến nghị mà Việt Nam chấp thuận tại chu kỳ III, Việt Nam đã thực hiện có kết quả 209 khuyến nghị (chiếm 86,7%), thực hiện một phần 30 khuyến nghị (12,4%), và 02 khuyến nghị còn lại đang được xem xét thực hiện vào thời điểm phù hợp. Đây là tỷ lệ chấp thuận cao nhất của ta trong 4 chu kỳ. Điều này thể hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam đối với tiến trình UPR, cũng như khẳng định mong muốn và quyết tâm của Việt Nam trong bảo vệ và thúc đẩy quyền con người. 

Phát biểu khai mạc và trình bày báo cáo quốc gia của Việt Nam, Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt, khẳng định: chính sách nhất quán của Việt Nam về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người. Với chủ trương coi con người là trung tâm, là mục tiêu và động lực của quá trình đổi mới, phát triển đất nước, Việt Nam đã vươn lên từ một nước nghèo để trở thành một trong những nước có nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất trên thế giới, hội nhập quốc tế sâu rộng. Kể từ lần rà soát UPR chu kỳ III vào năm 2019, Việt Nam đã tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách về quyền con người và đạt được nhiều thành tựu trên thực tế. Các quyền y tế, giáo dục, bảo đảm an sinh xã hội, tự do tôn giáo, tín ngưỡng, tự do báo chí, internet, bình đẳng giới đều đạt những tiến bộ rõ rệt. Các chỉ số về phát triển con người (HDI), bình đẳng giới (GEI) của Việt Nam do các cơ quan Liên hợp quốc xếp hạng liên tục được cải thiện. Chính phủ đã có nhiều chính sách, biện pháp để bảo vệ sức khỏe người dân, phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch Covid-19, tích cực thúc đẩy chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, kinh tế số và thực hiện các cam kết của Việt Nam theo các điều ước quốc tế về quyền con người.

Phiên rà soát UPR về Việt Nam được các nước quan tâm cao, với hơn 130 nước tham gia đối thoại và phát biểu trong không khí cởi mở, thẳng thắn và thực chất. Đa số các nước đánh giá Báo cáo quốc gia của Việt Nam có chất lượng, cung cấp thông tin đầy đủ, toàn diện về tình hình đảm bảo quyền con người ở Việt Nam, hoan nghênh cách tiếp cận hợp tác và đối thoại cởi mở, toàn diện, minh bạch trong phần trình bày đối thoại của đoàn Việt Nam. Các nước ghi nhận các chính sách, nỗ lực và thành tựu trong bảo đảm quyền con người, đánh giá cao cam kết mạnh mẽ và sự nghiêm túc của Việt Nam trong thực hiện các khuyến nghị UPR cũng như vai trò và đóng góp của Việt Nam tại các diễn đàn đa phương về quyền con người trong đó có Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc. Các nước đánh giá cao thành tựu của Việt Nam về: phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo; bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ; đẩy mạnh giáo dục quyền con người, nâng cao nhận thức về quyền con người, thúc đẩy quyền của các nhóm dễ bị tổn thương như trẻ em, người khuyết tật, chống phân biệt đối xử với người đồng tính, song tính và chuyển giới; có kế hoạch tổng thể thực hiện các khuyến nghị UPR chu kỳ III với sự tham gia đóng góp của đa dạng các bên liên quan; cải cách khuôn khổ thể chế bảo đảm quyền con người, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; (vi) thúc đẩy các hoạt động kinh doanh có trách nhiệm; hoan nghênh sáng kiến của Việt Nam về thúc đẩy Hội đồng Nhân quyền thông qua Nghị quyết kỷ niệm 75 năm Tuyên ngôn Nhân quyền quốc tế; ban hành kế hoạch hành động quốc gia về phụ nữ, hòa bình và an ninh, v.v.

Ngoài ra,  có một số nước nêu bình luận và khuyến nghị liên quan đến những vấn đề dựa trên thông tin chưa được kiểm chứng, song đoàn Việt Nam đã có những trao đổi tương tác chủ động theo hướng nhấn mạnh hòa bình, an ninh quốc gia và ổn định đất nước là các yếu tố tiên quyết để Việt Nam đạt được kết quả như hiện nay. Việt Nam sẵn sàng lắng nghe những ý kiến đóng góp xây dựng; đồng thời, sẽ không khoan nhượng đối với các hành động kích động, đe dọa an ninh quốc gia và sự ổn định của đất nước.

Như vậy, những kết quả đạt được tại Phiên đối thoại về Báo cáo quốc gia của Việt Nam theo Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ IV của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, cùng những nỗ lực của Việt Nam trong thúc đẩy và bảo đảm quyền con người trong thời gian qua chính là minh chứng bác bỏ sự quy chụp đầy thiên kiến của HRW khi cho rằng: Việt Nam cam kết cải thiện nhân quyền vẫn chỉ là “những lời hứa suông”. Hành động này của HRW cần kịch liệt lên án, đấu tranh bác bỏ./.

Không có nhận xét nào: