Thứ Hai, 11 tháng 11, 2024

CẢNH GIÁC ÂM MƯU CHỐNG PHÁ MỐI QUAN HỆ VIỆT NAM – TRUNG QUỐC

 

CẢNH GIÁC ÂM MƯU CHỐNG PHÁ MỐI QUAN HỆ VIỆT NAM – TRUNG QUỐC

Với sự nỗ lực của Đảng, Chính phủ và nhân dân hai nước, quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Trung Quốc những năm qua luôn được duy trì trên đà phát triển tích cực, đạt được những thành quả đáng khích lệ, đóng góp tích cực cho sự nghiệp phát triển, nâng cao vị thế của mỗi nước và hòa bình, ổn định, thịnh vượng chung của khu vực và trên thế giới. Tuy nhiên, các thế lực thù địch, phản động cố tình xuyên tạc đường lối đối ngoại của mỗi nước, phủ nhận thành quả trong quan hệ giữa hai nước, hòng chia rẽ mối quan hệ truyền thống tốt đẹp giữa Viêt Nam và Trung Quốc, hạ thấp uy tín, vị thế của Việt Nam. Trên các trang mạng xã hội, với góc nhìn chủ quan, phiến diện, suy diễn lệch lạc, ác ý, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị đã xuyên tạc rằng: “Bắc Kinh tiếp tục biến Việt Nam thành quân bài trên “Con đường tơ lụa mới”, “nếu giao toàn bộ việc thiết kế và xây dựng đường sắt Bắc Nam cho Trung Quốc, thì đó là trao “nỏ thần” cho “đối tượng”… Đây là những luận điệu sai trái, xuyên tạc mối quan hệ Việt Nam – Trung Quốc, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta.

          Thứ nhất, quan hệ Việt Nam – Trung Quốc là vì lợi ích quốc gia, dân tộc và hạnh phúc của nhân dân hai nước, vì sự nghiệp hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực và thế giới.

Sau hơn 30 năm bình thường hóa quan hệ, đặc biệt là gần 20 năm từ khi xác lập quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, quan hệ giữa hai Đảng, hai nước Việt Nam – Trung Quốc không ngừng được mở rộng và đi vào chiều sâu, hợp tác trên các lĩnh vực đạt được nhiều tiến triển tích cực và toàn diện. Trên cơ sở mối quan hệ truyền thống, láng giềng hữu nghị “mối tình thắm thiết Việt – Hoa, vừa là đồng chí, vừa là anh em”, căn cứ vào điều kiện, tình hình, đặc thù của mỗi nước và tình hình thế giới, hai bên đã nhất trí tiếp tục làm sâu sắc và nâng tầm hơn nữa quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam – Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược”. Hai bên nhất trí nỗ lực vì hạnh phúc của nhân dân hai nước và đất nước giàu mạnh, vì sự hòa bình và tiến bộ của nhân loại.

Đồng thời, hai bên nhất trí, phát triển quan hệ hai nước cần tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế và chuẩn mực cơ bản của quan hệ quốc tế, kiên trì tôn trọng lẫn nhau, bình đẳng, cùng có lợi, hợp tác cùng thắng, tôn trọng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của nhau, kiên trì giải quyết các bất đồng thông qua biện pháp hòa bình.

Đây cũng là tương lai chung mà hai bên chia sẻ và hướng đến, phù hợp với lợi ích của hai nước, vì hạnh phúc, nguyện vọng của nhân dân mỗi nước, góp phần vào xu hướng hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển của khu vực, cũng như trên thế giới. Điều này cho thấy, quan hệ Việt Nam – Trung Quốc là phù hợp với lợi ích của cả hai nước trên tinh thần tôn trọng lẫn nhau, bình đẳng, cùng có lợi, chứ hoàn toàn không phải là “Bắc Kinh tiếp tục biến Việt Nam thành quân bài trên “Con đường tơ lụa mới” như sự xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị.

Thứ hai, việc triển khai xây dựng đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam là cần thiết, nhưng Việt Nam chưa quyết định lựa chọn nhà thầu cho dự án này.

Thực tiễn đất nước và trên thế giới cho thấy, sự phát triển của giao thông vận tải đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội. Để đáp ứng nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa bằng đường sắt giữa hai miền Bắc, Nam, việc xây dựng đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam là rất cần thiết, góp phần rút ngắn thời gian di chuyển giữa Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh; giảm tải hệ thống giao thông đường bộ vốn đang quá tải hiện nay; thúc đẩy phát triển kinh tế các vùng, tạo cơ hội cho các địa phương thu hút đầu tư, du lịch; tăng cường kết nối và hội nhập về kinh tế – xã hội giữa các vùng miền đất nước; từng bước hiện đại hóa cơ sở hạ tầng giao thông quốc gia, tạo tiền đề cho phát triển bền vững.

Do vậy, tại Hội nghị lần thứ mười, khóa XIII, Trung ương đã thống nhất chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam và hiện Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đang được Bộ Giao thông vận tải hoàn tất, chuẩn bị trình tự, hồ sơ thủ tục để trình Quốc hội xem xét cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoa XV.

Đây là dự án có ý nghĩa rất quan trọng đối với phát triển đất nước, nhưng còn phải chờ Quốc hội đánh giá, quyết định. Yêu cầu đặt ra, cần chú ý đến khâu tổ chức thực hiện, lựa chọn nhà thầu và giám sát của các cơ quan liên quan. Hiện, chưa có bất kỳ thỏa thuận hay quyết định nào liên quan đến việc lựa chọn nhà thầu; các nhà thầu có năng lực thực sự và đủ uy tín đều được tham gia đấu thầu thực hiện dự án trong đó có các doanh nghiệp trong nước và các doanh nghiệp nước ngoài. Chỉ vì có thông tin nhà thầu Trung Quốc muốn tham gia đầu tư vào dự án này mà các thế lực thù địch, phản động đã vội vàng phản đối và xuyên tạc rằng “nếu giao toàn bộ việc thiết kế và xây dựng đường sắt Bắc Nam cho Trung Quốc, thì đó là trao “nỏ thần” cho “đối tượng”. Rõ ràng, đây là luận điệu sai trái, hòng kích động mọi người hình thành tâm lý bài xích Trung Quốc, chia rẽ mối quan hệ Việt Nam – Trung Quốc; đồng thời phá hoại các dự án phát triển kinh tế – xã hội của đất nước; gây nghi kỵ, mâu thuẫn giữa nhân dân với Đảng và Nhà nước.

Để thực hiện thắng lợi đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước góp phần xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ vững chắc Tổ quốc. Bên cạnh nhận thức và thực hiện nghiêm đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa của Đảng, mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân cần nêu cao tinh thần cảnh giác, tỉnh táo, sàng lọc thông tin. Tuyệt đối không nghe, không tin vào những luận điệu xuyên tạc đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước, nhất là mối quan hệ Việt Nam – Trung Quốc; phá hoại các dự án phát triển kinh tế – xã hội của nước ta; đồng thời tích cực đấu tranh với các luận điệu sai trái này./.

Không có nhận xét nào: