Thứ Tư, 20 tháng 11, 2024

KHÔNG THỂ PHỦ NHẬN THÀNH TỰU GIÁO DỤC CỦA VIỆT NAM

 

Kể từ khi ra đời và trong suốt tiến trình đấu tranh cách mạng, Đảng ta luôn chú trọng đến công tác giáo dục, đào tạo và coi đây là, “Quốc sách hàng đầu”. Tuy nhiên, mới đây, lợi dụng trường hợp Thượng tọa Thích Chân Quang – thế danh Vương Tấn Việt, trên trang voatiengviet, Thiên Hạ Luận, đã quy chụp thiếu khách quan về nền giáo dục của Việt Nam, khi nói rằng “Vì sao nhỏ không học lớn lên thành … tiến sĩ”.  Y còn xuyên tạc rằng “Ông Vương Tấn Việt không phải là người đầu tiên có bằng tiến sĩ như vậy” hòng xuyên tạc phủ nhận thành tựu giáo dục, đào tạo của nước ta.

  1. Đảng và Nhà nước ta luôn tích cực, chủ động, quan tâm sâu sắc đến công tác giáo dục, đào tạo

Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII Đảng ta khẳng định: “Sắp xếp lại hệ thống trường học; phát triển hài hòa giữa giáo dục công lập và ngoài công lập, giữa các vùng, miền, ưu tiên các vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo và các đối tượng chính sách. Đa dạng hóa các loại hình đào tạo, hoàn thiện chính sách phát triển các cơ sở đào tạo ngoài công lập, thực hiện cơ chế tự chủ đối với đào tạo bậc đại học phù hợp với xu thế chung của thế giới, chuyển đổi trường đại học công lập kém hiệu quả sang mô hình hợp tác công – tư. Quy hoạch, sắp xếp lại các trường đại học, cao đẳng; có cơ chế hỗ trợ xây dựng một số trường đại học lớn và đại học sư phạm trở thành những trung tâm đào tạo có uy tín trong khu vực và thế giới”[1]. Chú trọng giáo dục phẩm chất, năng lực sáng tạo và các giá trị cốt lõi, nhất là giáo dục tinh thần yêu nước, tự hào, tự tôn dân tộc, khơi dậy khát vọng phát triển, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tiếp tục đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao. Phát triển đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành. Chú ý phát hiện, bồi dưỡng, đãi ngộ, thu hút nhân tài cho phát triển kinh tế – xã hội. “Xây dựng hệ thống giáo dục mở, học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập; thực hiện đào tạo theo nhu cầu của lao động. Đặc biệt, chú ý phát hiện, bồi dưỡng, đãi ngộ, thu hút nhân tài cho phát triển kinh tế – xã hội. Nâng cao chất lượng, hiệu quả dạy và học ngoại ngữ, coi trọng dạy, học và sử dụng tiếng Anh. Phấn đấu đến năm 2030, nền giáo dục Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu vực”[2]. Tạo chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả giáo dục, đào tạo. Chuyển mạnh quá trình giáo dục từ học chủ yếu trên lớp sang tổ chức hình thức học tập đa dạng, chú ý dạy và học trực tuyến, qua Internet, truyền hình, các hoạt động xã hội, ngoại khoá, nghiên cứu khoa học; giáo dục nhà trường kết hợp với giáo dục gia đình và giáo dục xã hội để nền giáo dục Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu vực. Điều đó khẳng định tính kế thừa, sự nhất quán trong quan điểm của Đảng ta, luôn coi giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu để Việt Nam phát triển nhanh và bền vững, thực hiện khát vọng phát triển đất nước ở thời đại mới; thể hiện sự nhanh nhạy của Đảng, Nhà nước Việt Nam, thích ứng với xu thế thời đại, tiếp thu những tinh hoa của nhân loại, thành tựu của giáo dục và đào tạo trên thế giới, phù hợp với thực tiễn Việt Nam.

Thực tiễn công tác giáo dục, đào tạo ở nước ta trong những năm qua cho thấy, chất lượng giáo dục, đào tạo cả đại trà và mũi nhọn đều được nâng lên, được quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Theo báo cáo năm 2020 của Ngân hàng Thế giới về vốn nhân lực, thành phần kết quả giáo dục của Việt Nam đứng thứ 15, tương đương với các nước như Hà Lan, New Zealand, Thụy Điển. Nhiều chỉ số về Giáo dục của Việt Nam được đánh giá cao trong khu vực, như: tỷ lệ học sinh đi học và hoàn thành Chương trình tiểu học sau 5 năm đạt 92,08%, đứng ở tốp đầu của khối ASEAN; Chương trình Đánh giá kết quả học tập của học sinh tiểu học các nước Đông Nam Á (SEA PLM) cho thấy chất lượng giáo dục tiểu học của Việt Nam đứng vào tốp đầu của các nước ASEAN. Trong các đợt đánh giá PISA, Việt Nam có kết quả vượt trội so với trung bình của các nước trong khối OECD trong khi mức đầu tư cho giáo dục thấp hơn hẳn. Kết quả thi Olympic của học sinh Việt Nam những năm vừa qua có bước tiến bộ vượt bậc với “49 huy chương Vàng trong giai đoạn 2016 – 2020 so với 27 huy chương Vàng trong giai đoạn 2011 – 2015; nhiều học sinh Việt Nam đạt điểm số cao nhất ở các nội dung thi. Lần đầu tiên, Việt Nam có 4 cơ sở giáo dục đại học được vào top 1.000 trường đại học tốt nhất thế giới; có 11 cơ sở giáo dục đại học Việt Nam nằm trong danh sách 500 trường đại học hàng đầu Châu Á”[3]… kết quả trên cho thấy quan điểm của Đảng và nhà nước ta xem giáo dục, đào tạo là quốc sách hàng đầu là hoàn toàn đúng đắn phù hợp với thực tiễn Việt Nam.

  1. Trường hợp Thượng tọa Thích Chân Quang  thế danh Vương Tấn Việt đã được các cơ quan chức năng xử lý kịp thời, đúng quy định của pháp luật

Đối với trường hợp ông Vương Tấn Việt, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố kết quả xác minh ông Vương Tấn Việt đã sử dụng bằng cấp 3 bổ túc văn hóa (bằng tốt nghiệp THPT) không hợp pháp và ông Việt cũng đã thừa nhận việc này.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng có yêu cầu các cơ sở giáo dục đại học có liên quan khẩn trương thu hồi các văn bằng đã cấp cho ông Việt. Đồng thời, yêu cầu các trường tiến hành rà soát lại quy trình đào tạo và cấp bằng để ngăn chặn tình trạng tương tự. Ngay sau thông tin của Bộ Giáo dục – Đào tạo, Trường Đại học Hà Nội đã thực hiện thủ tục thu hồi bằng cử nhân ngoại ngữ, ngành tiếng Anh hệ đào tạo từ xa đã cấp cho ông Vương Tấn Việt. Ông Việt đã tự nộp lại hai bằng cử nhân và một bằng tiến sĩ. Điều đó cho thấy tính tự giác nghiêm minh trong ngành giáo dục, đào tạo của Việt Nam và cũng khẳng định sự việc lấy một cá nhân để quy chụp cho ngành giáo dục, đào tạo không nghiêm túc của Thiên Hạ Luận là siêu hình, xuyên tạc và phản động.

Từ những vấn đề trên cho thấy, chất lượng giáo dục, đào tạo ở Việt Nam đã có nhiều đổi mới, đạt được nhiều thành tựu to lớn cả trong nước và quốc tế. Đó là gam màu tươi sáng thể hiện bức tranh giáo dục, đào tạo của Việt Nam đang trên đà khỏi sắc chứ không phải là ý kiến trái chiều, thiếu khách quan của Thiên Hạ Luận và đồng bọn./.

Không có nhận xét nào: