Thứ Tư, 20 tháng 11, 2024

Sự “ngáo ngôn” của Lê Anh Hùng và Huỳnh Ngọc Chênh

 

Sự “ngáo ngôn” của Lê Anh Hùng và Huỳnh Ngọc Chênh

    – Lợi dụng việc Tổng Bí thư Tô Lâm có ý kiến chỉ đạo Ban Tuyên giáo Trung ương, một số phần tử cơ hội, bất mãn chính trị đã có các bài viết, bình luận suy diễn, xuyên tạc về công tác tuyên giáo của Đảng trên nền tảng mạng xã hội và phương tiện truyền thông nước ngoài. Đáng chú ý là, ngày 01/11, kênh tiếng Việt, Đài VOA đăng bài: “Hai nhà hoạt động: Tuyên giáo không còn hợp thời, nên dẹp; cần cổ súy xã hội dân sự”. Theo bài viết, Lê Anh Hùng, Huỳnh Ngọc Chênh tự xưng là nhà hoạt động cho “dân chủ”, “nhân quyền” lý giải cho rằng: “lợi ích của nó đối với đất nước bằng không hoặc âm”; “Ít ai quan tâm nói tới Marx-Lenin, đấu tranh giai cấp. Thời đại này thông tin qua truyền thông, mạng xã hội nhiều rồi. Người dân thích cái gì, người ta tìm đến cái đó”. Đây là sự “ngáo ngôn”, suy diễn, xuyên tạc, phủ nhận, “ru ngủ” dư luận về vai trò công tác tuyên giáo của Đảng và Ban Tuyên giáo Trung ương, cần bị vạch trần, lên án, đấu tranh.

Công tác tuyên giáo là hoạt động lãnh đạo của Đảng trên các lĩnh vực, như: tư tưởng, văn hóa và khoa giáo; việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ thông qua hệ thống cơ quan tuyên giáo từ Trung ương tới địa phương. Trong đó, Ban Tuyên giáo Trung ương là cơ quan tham mưu, giúp việc của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, trực tiếp và thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức; về chủ trương, đường lối của Đảng trong các lĩnh vực: tuyên truyền, lý luận chính trị, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, lịch sử Đảng, báo chí, xuất bản, văn hóa, văn nghệ, thông tin đối ngoại, khoa học, công nghệ, môi trường, giáo dục, đào tạo, dạy nghề, y tế, thể dục, thể thao, dân số, gia đình, trẻ em...; đồng thời, là cơ quan chuyên môn - nghiệp vụ về công tác tuyên giáo của Đảng.

Thực tiễn, hơn 94 năm hoạt động, ngành Tuyên giáo và công tác tuyên giáo đã trở thành bộ phận không thể tách rời, luôn gắn bó sâu sắc với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, góp phần xây dựng nền tảng chính trị của chế độ, nền tảng tinh thần của xã hội, hoạch định hệ thống quan điểm lý luận, cương lĩnh, đường lối lãnh đạo đúng đắn của Đảng đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Với vai trò “đi trước mở đường, đi cùng thực hiện, đi sau tổng kết”, Tuyên giáo đã trở thành niềm tự hào của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân khi tiếp tục đảm nhận vai trò tiên phong trên mặt trận tư tưởng, văn hóa của Đảng, góp phần bảo vệ vững chắc, bổ sung, vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động trong Đảng và xã hội, củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, khơi dậy ý chí, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Những đóng góp to lớn của ngành Tuyên giáo và công tác Tuyên giáo trong sự nghiệp cách mạng của Đảng là không thể phủ nhận; đồng thời, đang và sẽ tiếp tục đóng góp quan trọng trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng, phát triển và bảo vệ vững chắc Tổ quốc. Bởi, Đảng, Nhà nước, Nhân dân Việt Nam đã lựa chọn và kiên định với mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; lấy chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động. Và, để thực hiện thắng lợi mục tiêu đó thì không thể thiếu sự đồng hành cùng đất nước, dân tộc của công tác tuyên giáo.

Vì thế, việc Lê Anh Hùng, Huỳnh Ngọc Chênh tự xưng “nhà hoạt động” rồi cho rằng: Tuyên giáo không còn hợp thời, nên dẹp; cần cổ súy xã hội dân sự là sự “ngáo ngôn”, với âm mưu, dụng ý xấu, độc nhằm chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ. Hành động này cần bị vạch mặt, đấu tranh bác bỏ./. 

 

Không có nhận xét nào: