Thứ Hai, 18 tháng 11, 2024

Vạch mặt mưu đồ của những kẻ “gia cát dự”

 

Vạch mặt mưu đồ của những kẻ “gia cát dự”

      - Như đã biết, tại Hội nghị lần thứ mười (khóa XIII), Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã thống nhất chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam và hiện Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đang được Bộ Giao thông vận tải hoàn tất, chuẩn bị trình tự, hồ sơ thủ tục để trình Quốc hội xem xét cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Những vấn đề này đều được đưa tin trên các phương tiện thông tin đại chúng. Song, lợi dụng vấn đề này, một số kẻ thi nhau trổ tài “gia cát dự”; trong đó đáng chú ý, chúng cho rằng: “nếu giao toàn bộ việc thiết kế và xây dựng đường sắt Bắc Nam cho Trung Quốc, thì đó là trao “nỏ thần” cho “đối tượng”. Đây là luận điệu sai trái, xuyên tạc mối quan hệ Việt Nam – Trung Quốc, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta.

          Cần khẳng định rõ: Dự án đường sắt cao tốc Bắc-Nam đã được bắt đầu nghiên cứu từ năm 2006, đến năm 2010 được trình ra Quốc hội, nhưng Quốc hội chưa quyết định. Đến nay là 14 năm (kể từ khi được nghiên cứu, đề xuất), chúng ta đã có đầy đủ các yếu tố để triển khai Dự án quan trọng này. Bởi, thực tiễn đất nước và trên thế giới cho thấy, sự phát triển của giao thông vận tải đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội. Để đáp ứng nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa bằng đường sắt giữa hai miền Bắc, Nam, việc xây dựng đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam là rất cần thiết, góp phần rút ngắn thời gian di chuyển giữa Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh; giảm tải hệ thống giao thông đường bộ vốn đang quá tải hiện nay; thúc đẩy phát triển kinh tế các vùng, tạo cơ hội cho các địa phương thu hút đầu tư, du lịch; tăng cường kết nối và hội nhập về kinh tế – xã hội giữa các vùng miền đất nước; từng bước hiện đại hóa cơ sở hạ tầng giao thông quốc gia, tạo tiền đề cho phát triển bền vững.

          Đây là Dự án có ý nghĩa rất quan trọng đối với phát triển đất nước, nhưng còn phải chờ Quốc hội đánh giá, quyết định. Yêu cầu đặt ra, cần chú ý đến khâu tổ chức thực hiện, lựa chọn nhà thầu và giám sát của các cơ quan liên quan. Và, các nhà thầu có năng lực thực sự và đủ uy tín đều được tham gia đấu thầu thực hiện dự án trong đó có các doanh nghiệp trong nước và các doanh nghiệp nước ngoài. Được biết, cho đến hiện nay, vẫn chưa có bất kỳ thỏa thuận hay quyết định nào liên quan đến việc lựa chọn nhà thầu. Vì vậy việc: chỉ vì có thông tin nhà thầu Trung Quốc muốn tham gia đầu tư vào Dự án này mà các nhà “gia cát dự” đã thi nhau nổ, vội vàng phản đối và xuyên tạc rằng: “nếu giao toàn bộ việc thiết kế và xây dựng đường sắt Bắc Nam cho Trung Quốc, thì đó là trao “nỏ thần” cho “đối tượng” là không đúng sự thật. Tre Việt xin nêu một ví dụ để các nhà “gia cát dự” biết: Dự án này có rất nhiều nước quan tâm theo dõi và mong muốn tham gia đấu thầu xây dựng. Gần đây nhất, sáng 9/11/2024, tại lễ vận hành thương mại đoạn trên cao tuyến đường sắt đô thị số 3 Nhổn - ga Hà Nội đã diễn ra tại ga S8 (ga Cầu Giấy), với sự tham dự của lãnh đạo Hà Nội cùng một số bộ, ngành. Bên lề buổi lễ, Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet nhận được nhiều câu hỏi từ báo chí về sự quan tâm của Pháp đối với Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Trả lời về vấn đề này, ông Brochet nhắc lại việc trong chuyến thăm Pháp gần đây của Tổng Bí thư Tô Lâm, Việt Nam và Pháp đã trở thành Đối tác chiến lược toàn diện. Trong đó, vấn đề phát triển bền vững, bao gồm phát triển giao thông bền vững, là một trong những ưu tiên. Chúng tôi đặc biệt quan tâm, theo dõi rất sát sao Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam mà Quốc hội Việt Nam đang xem xét về chủ trương đầu tư. Trên cơ sở quyết định đó, chúng tôi sẽ xem xét Pháp có thể đáp ứng theo cách tốt nhất như thế nào cho Dự án.

          Như vậy, việc các nhà “gia cát dự” đưa ra luận điệu: “nếu giao toàn bộ việc thiết kế và xây dựng đường sắt Bắc Nam cho Trung Quốc, thì đó là trao “nỏ thần” cho “đối tượng” là sự hồ đồ, quy chụp. Rõ ràng, đây là luận điệu sai trái, hòng kích động mọi người hình thành tâm lý bài xích Trung Quốc, chia rẽ mối quan hệ Việt Nam – Trung Quốc; đồng thời phá hoại các dự án phát triển kinh tế – xã hội của đất nước; gây nghi kỵ, mâu thuẫn giữa nhân dân với Đảng và Nhà nước. Vì thế, chúng ta cần nêu cao tinh thần cảnh giác, tỉnh táo, sàng lọc thông tin và tích cực đấu tranh với các luận điệu sai trái này./.

Không có nhận xét nào: