Không thể bóp méo việc sắp xếp, tinh giản bộ máy của Đảng, Nhà nước ta
- Lợi dụng việc Bộ Chính trị, Ban Bí thư quyết tâm đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về việc “Đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”, các thế lực thù địch, phản động đã đưa ra nhiều luận điệu xuyên tạc cho rằng: “... là cơ hội để các phe phái chính trị tái bố trí nhân sự theo hướng có lợi cho họ”.
Đây là luận điệu vu cáo, cố tình bóp méo sự thật, gây hoang mang, hoài nghi trong dư luận, chống phá chủ trương của Đảng, Nhà nước, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc,... cần bị vạch trần, lên án, đấu tranh bác bỏ. Bởi vì:
Thứ nhất, trong suốt quá trình lãnh đạo sự nghiệp cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhất quán, nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác cán bộ: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “Muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”. Quán triệt, vận dụng tư tưởng đó, Đảng ta luôn quan tâm đến công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ. Trong các văn kiện của Đảng đã xác định: “Cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng, gắn liền với vận mệnh của Đảng, của đất nước và chế độ, là khâu then chốt trong công tác xây dựng Đảng”. Đặc biệt, trong công cuộc đổi mới đất nước, Đảng ta đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, kết luận để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực hiệu quả, xây dựng cơ cấu đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực ngang tầm nhiệm vụ, mà Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) là minh chứng điển hình.
Thứ hai, thực tiễn qua các giai đoạn cách mạng, Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm đổi mới công tác cán bộ, kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và coi trọng nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền, sức chiến đấu của Đảng; tăng cường hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị. Những năm gần đây, việc tinh giản biên chế, sắp xếp lại tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị đã được Đảng, Nhà nước triển khai đồng bộ, mạnh mẽ và thu được một số kết quả quan trọng, bước đầu tạo chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập, như: tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị còn cồng kềnh; hiệu lực, hiệu quả hoạt động còn chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn nhiều cơ quan, bộ phận còn trùng lắp, chồng chéo; việc tinh giản biên chế mới tập trung giảm số lượng chưa gắn với nâng cao chất lượng; ngân sách chi vận hành bộ máy còn quá lớn (chiếm tới 70% tổng ngân sách chi tiêu thường xuyên của Nhà nước), v.v. Đây là nguyên nhân dẫn đến thất thoát, lãng phí rất lớn nguồn lực xã hội, giảm nguồn lực đầu tư cho phát triển. Do đó, những hạn chế, bất cập này nếu không giải quyết triệt để sẽ là lực cản kìm hãm quá trình đổi mới, phát triển đất nước.
Thứ ba, cả lý luận và thực tiễn đều cho thấy việc sắp xếp, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị bảo đảm “tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả” không phải là chủ trương mới của Đảng, mà là phương thức tiến hành mới trên cơ sở tổng kết, kế thừa, bổ sung, phát triển quan điểm của các kỳ Đại hội Đảng trước đây cho phù hợp với thực tiễn sự phát triểnnhằm thực hiện mục tiêu nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, giảm chi phí nuôi bộ máy, ưu tiên nguồn lực cho phát triển đất nước, phục vụ nhân dân, xây dựng nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vững bước tiến vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.
Như vậy, hoàn toàn không có chuyện Đảng, Nhà nước ta quyết tâm đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) “là cơ hội để các phe phái chính trị tái bố trí nhân sự theo hướng có lợi cho họ” như các thế lực thù địch, phản động đang rêu rao./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét