Bảo đảm nhân quyền ở Việt Nam là không thể phủ nhận
– Ngày 8/1, kênh tiếng Việt, Đài RFA đăng bài: “Đối thoại nhân quyền Việt – Mỹ thứ 28: “Cần giám sát các cam kết cụ thể của Việt Nam””, trong đó đăng tải ý kiến không đáng tin cậy của một số phần tử phản động, có thâm thù với Nhà nước, chế độ về kết quả của cuộc đối thoại nhân quyền lần này.
Trước hết, cần khẳng định rằng, Đối thoại Nhân quyền Việt Nam - Hoa Kỳ là hoạt động thường niên, được chính phủ hai nước rất quan tâm, nhằm đánh giá những kết quả của mỗi bên về việc thực thi, bảo đảm nhân quyền. Tại cuộc Đối thoại Nhân quyền Việt Nam - Hoa Kỳ lần thứ 28 mới đây, hai bên đã thảo luận về nhiều vấn đề nhân quyền, bao gồm việc thực hiện các khuyến nghị được đưa ra trong Đánh giá Định kỳ Phổ quát (UPR) của Liên Hiệp quốc về Việt Nam và đạt được những kết quả quan trọng. Ngay sau đối thoại, phía Mỹ ra thông cáo cho biết cả hai nước cam kết tăng cường hợp tác thông qua các cuộc đối thoại và trao đổi có hiệu quả.
Bên cạnh đó, tháng 9/2024 vừa qua, Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc đã thông qua kết quả rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ IV đối với Việt Nam. Trong đó, Việt Nam thông báo đến Hội đồng Nhân quyền quyết định chấp thuận 271 trên tổng số 320 khuyến nghị các nước đưa ra tại Phiên đối thoại về báo cáo quốc gia vào tháng 5/2024, đạt tỷ lệ 84,7%, cao nhất trong 4 chu kỳ. Việt Nam tái khẳng định cam kết và chính sách nhất quán về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người và sự coi trọng đối với Cơ chế UPR và Hội đồng Nhân quyền. Đồng thời, tiếp tục tăng cường khuôn khổ pháp luật về quyền con người, thông qua ban hành, sửa đổi một số văn bản luật quan trọng liên quan đến quyền con người, quyền công dân. Các tiến bộ mọi mặt của Việt Nam về hoàn thiện thể chế, pháp luật về quyền con người, phát triển kinh tế-xã hội, đổi mới sáng tạo, giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội và quyền các nhóm dễ bị tổn thương... đã được các đại biểu ghi nhận. Nhiều nước hoan nghênh khuyến khích những nỗ lực và thành tựu ấn tượng của Việt Nam trong bảo vệ, thúc đẩy quyền con người, đặc biệt trong bối cảnh phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức từ dịch bệnh, biến đổi khí hậu, thiên tai. Một số tổ chức phi chính phủ nhấn mạnh đã được tạo điều kiện tham gia đóng góp vào tiến trình UPR ở Việt Nam và chia sẻ thông qua tham gia UPR đã có nhiều đề xuất của mình được Chính phủ tiếp thu, triển khai trên thực tiễn, nhất là trong bảo đảm bình đẳng giới, trao quyền cho phụ nữ, thúc đẩy phát triển bền vững, v.v.
Thực tế đó đã minh chứng cho quan điểm, đường lối, chính sách nhất quán, đúng đắn của Đảng, Nhà nước, Chính phủ cùng những thành tựu to lớn trong thực thi, bảo đảm nhân quyền của Việt Nam hoàn toàn là sự thật, không thể phủ nhận. Song, Đài RFA vẫn “lo bò trắng răng” khi đăng tải những ý kiến lo những chuyện không đâu, hoàn toàn phi lý. Việc bà Hoàng Thị Minh Hồng - người đã vi phạm pháp luật Việt Nam, bị các cơ quan chức năng kết án ba năm tù giam về tội danh “trốn thuế” liên quan đến các dự án môi trường phát biểu rằng: “... cần giám sát và hỗ trợ để Việt Nam hoàn thành các cam kết cụ thể” hay ý kiến của một người tự xưng là nhà hoạt động nhân quyền ở Hà Nội cho rằng: “những đối thoại nhân quyền cần đi vào thiết thực hơn, có những chế tài răn đe nhất định nếu Việt Nam không thực hiện” đã cho thấy sự cố tình xuyên tạc, suy diễn tình hình nhân quyền ở Việt Nam và không đáng tin cậy./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét