Giúp Cuba làm điện mặt trời - tại sao không?
– Vừa qua, theo chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm, Bộ Công thương Việt Nam đã cử đoàn chuyên gia sang giúp Cuba phát triển điện mặt trời, góp phần giúp Cuba không thiếu điện. Nhưng trên Facebook Việt tân ngày 12/01 có bài nhắc đến: các dự án sai phạm, nhiều quan chức bị kỷ luật, các bế tắc trong sử dụng điện mặt trời,... để cho đây là “việc nhà thì nhác, việc chú bác thì siêng”. Thực tế, trong bối cảnh toàn cầu hóa và hợp tác quốc tế ngày càng được thúc đẩy, việc Việt Nam cử đoàn chuyên gia sang hỗ trợ Cuba phát triển điện năng lượng mặt trời là một hành động đúng, dựa trên qua ba cơ sở chính sau.
Một là, Việt Nam có kinh nghiệm và năng lực trong phát triển năng lượng mặt trời. Mặc dù Việt Nam vẫn đang đối mặt với một số vấn đề trong việc triển khai và quản lý các dự án năng lượng mặt trời, nhưng không vì thế mà phủ nhận nhiều thành tựu đã đạt được trong lĩnh vực này. Trong vòng một thập kỷ qua, Việt Nam đã triển khai 140 dự án điện năng lượng mặt trời trên khắp cả nước với trên 20 dự án dự án lớn, có công suất từ 50 MWp trở lên được triển khai thành công; vươn lên trở thành một trong những quốc gia dẫn đầu khu vực Đông Nam Á về công suất lắp đặt điện mặt trời. Việc Việt Nam có những sai phạm và thách thức trong quá trình phát triển là điều khó tránh khỏi; đặc biệt khi lĩnh vực này còn khá mới mẻ và phát triển nhanh chóng. Tuy nhiên, những sai lầm này cũng mang lại nhiều bài học, kinh nghiệm quý báu, giúp Việt Nam không chỉ hoàn thiện hệ thống quản lý mà còn có thể chia sẻ kinh nghiệm với các quốc gia khác, bao gồm Cuba.
Hai là, Hợp tác quốc tế không chỉ là hỗ trợ mà còn là cơ hội học hỏi lẫn nhau. Hỗ trợ Cuba không có nghĩa là Việt Nam đang “dạy” Cuba từ vị trí vượt trội, mà là một quá trình hợp tác đôi bên cùng có lợi. Cuba là một quốc gia có lịch sử phát triển năng lượng tái tạo, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng sinh khối và điện gió. Trong qua trình này, Cuba không chỉ hợp tác riêng với Việt Nam mà còn hợp tác với nhiều quốc gia khác có trình độ công nghệ, kinh nghiệm quản lý cao hơn chúng ta. Do đó Việt Nam và Cuba hợp tác trong lĩnh vực năng lượng mặt trời không chỉ giúp Cuba tiếp cận với công nghệ và kinh nghiệm của Việt Nam mà còn mở ra cơ hội để Việt Nam học hỏi từ những thế mạnh và cách tiếp cận độc đáo của Cuba và các đối tác khác. Ngoài ra, việc tham gia vào các dự án quốc tế giúp Việt Nam khẳng định vị thế và uy tín trên trường quốc tế, đồng thời thúc đẩy quan hệ hợp tác bền chặt với Cuba – một đối tác truyền thống và lâu năm của Việt Nam.
Ba là, nâng cao trách nhiệm quốc tế và tinh thần đoàn kết giữa các quốc gia. Việt Nam và Cuba có mối quan hệ hữu nghị truyền thống lâu đời, được xây dựng trên nền tảng của sự tương trợ và chia sẻ; nhất là trong chiến tranh chống đế quốc Mỹ, chúng ta đã được Cuba giúp đỡ đặc biệt về chính trị, tinh thần, vũ khí, trang bị vượt trên cả thông lệ quốc tế. Ngày nay, trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với các thách thức toàn cầu về biến đổi khí hậu, việc hỗ trợ nhau phát triển năng lượng sạch là trách nhiệm không chỉ của một quốc gia mà còn là của cộng đồng quốc tế. Do đó, việc Việt Nam đóng góp kiến thức, kinh nghiệm để giúp đỡ một quốc gia khác là hành động thể hiện tinh thần trách nhiệm và đạo lý “uống nước nhớ nguồn”.
Thực tế, hành động này không chỉ phản ánh tinh thần đoàn kết, trách nhiệm quốc tế mà còn là cơ hội để Việt Nam học hỏi, nâng cao năng lực và khẳng định vị thế của mình. Những khó khăn trong nước không nên là lý do để ngăn cản Việt Nam đóng góp vào sự phát triển chung của nhân loại. Chính từ những thử thách, Việt Nam sẽ càng có thêm động lực để hoàn thiện mình và lan tỏa giá trị tích cực ra thế giới. Vì thế, quan điểm cho rằng Việt Nam không nên hỗ trợ Cuba phát triển năng lượng mặt trời vì còn nhiều vấn đề nội tại là một cái nhìn phiến diện và thiếu cơ sở./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét