Thứ Tư, 15 tháng 1, 2025

PHẢN BÁC LUẬN ĐIỆU XUYÊN TẠC “VIỆT NAM ĐÃ QUYẾT ĐỊNH “CHỌN PHE”

 

PHẢN BÁC LUẬN ĐIỆU XUYÊN TẠC “VIỆT NAM ĐÃ QUYẾT ĐỊNH “CHỌN PHE”

Mới đây, trên trang “Baotiengdan, Trương Nhân Tuấn” loan tin: “Việt Nam đã quyết định “chọn phe” rồi”; “Việt Nam theo phe Trung Quốc”. Đây là luận điệu phản động, lợi dụng các vấn đề, các sự kiện, xuyên tạc, làm sai lệch bản chất về chính sách đối ngoại của Việt Nam, cổ xúy cho cái gọi là “chọn phe”. Thực chất nhằm mục tiêu gây mất ổn định an ninh chính trị, trật tự xã hội, cản trở việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, hạ thấp vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, xa hơn là đòi xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng, chống phá con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta.

Thứ nhất, Việt Nam không chọn bên, không chọn phe, mà chọn chính nghĩa, lẽ phải, hòa bình và phát triển.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: Độc lập nghĩa là chúng tôi điều khiển lấy mọi công việc của chúng tôi, không có sự can thiệp từ ngoài vào. Tư tưởng độc lập, tự chủ đó đã trở thành “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt và định hình các hoạt động đối ngoại của Việt Nam, được phát huy cao độ trong quá trình đấu tranh cách mạng, góp phần đưa cuộc kháng chiến của nhân dân ta đi đến thắng lợi cuối cùng. Với đại thắng mùa Xuân năm 1975, đường lối ngoại giao độc lập, tự chủ của Việt Nam đã đạt tới đỉnh cao, mở ra một thời kỳ mới trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Hiện nay, Việt Nam luôn nhất quán quan điểm không chọn bên, không chọn phe. Khẳng định, đường lối đối ngoại xuyên suốt là: Độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại; bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia – dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế. Đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, kiên trì về nguyên tắc, linh hoạt về sách lược, “dĩ bất biến ứng vạn biến”, không phụ thuộc vào bất cứ quốc gia nào khác.

Thứ hai, hợp tác vẫn là dòng chảy chính trong quan hệ Việt Nam – Trung Quốc

Năm 2024 đánh dấu 25 năm ký kết Hiệp ước biên giới trên đất liền Việt Nam – Trung Quốc và 15 năm ký 3 văn kiện pháp lý về biên giới trên đất liền Việt Nam – Trung Quốc. Việc ký kết Hiệp ước đã giải quyết triệt để vấn đề phân định biên giới trên đất liền hai nước về mặt pháp luật, thể hiện ý chí và quyết tâm kiên định mà hai bên nỗ lực vì hòa bình, hữu nghị và hợp tác. Khu vực biên giới Việt Nam – Trung Quốc đã trở thành khu vực biên giới hòa bình, ổn định, giao lưu thương mại, đi lại sôi nổi. Hợp tác quốc phòng tiếp tục là một trong những trụ cột quan trọng của quan hệ Việt Nam-Trung Quốc, được cả hai bên quan tâm thúc đẩy, đạt nhiều kết quả nổi bật trên các lĩnh vực: Trao đổi đoàn, nhất là đoàn cấp cao; đào tạo; giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới; giao lưu giữa các lực lượng (biên phòng, sĩ quan trẻ, quân khu, tuần tra chung)… Đồng thời, lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, du lịch, giáo dục, hợp tác địa phương, giao lưu nhân dân, giao lưu thanh niên và một số hoạt động khác, có nhiều khởi sắc.

Trong gần 75 năm qua kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao (18-01-1950/18-01-2024), hợp tác vẫn là dòng chảy chính trong quan hệ Việt Nam – Trung Quốc. Việt Nam duy trì vị trí là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN, đối tác thương mại lớn thứ 5 của Trung Quốc trên thế giới. Chỉ riêng trong 6 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất, nhập khẩu đã tăng 24,1% so với cùng kỳ năm 2023; Trung Quốc tiếp tục đứng đầu về số lượng dự án cấp mới tại Việt Nam. Bên cạnh đó, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cùng các lãnh đạo bộ, ngành, địa phương hai nước đã trao đổi về các nội dung, cơ chế hợp tác mới trong thời gian tới và những biện pháp để thực hiện Tuyên bố chung năm 2023, nhằm thực hiện “6 hơn”: Đó là 6 phương hướng hợp tác lớn, bao gồm: Tin cậy chính trị cao hơn; hợp tác quốc phòng, an ninh thực chất hơn; hợp tác thực chất sâu sắc hơn; nền tảng xã hội vững chắc hơn; phối hợp đa phương chặt chẽ hơn; bất đồng được kiểm soát và giải quyết tốt hơn.

Như vậy khẳng định rằng, quan hệ Việt Nam – Trung Quốc: Hợp tác sâu sắc, toàn diện, thực chất, “vừa là đồng chí, vừa là anh em”, không phải là Việt Nam theo phe Trung Quốc như Trương Nhân Tuấn đã loan tin, chúng ta cần nêu cao tinh thần cảnh giác và kiên quyết đấu tranh, bác bỏ những luận điệu sai trái đó./.

 

Không có nhận xét nào: