THANH NIÊN ĐẤU TRANH CHỐNG LUẬN ĐIỆU SAI
TRÁI, THÙ ĐỊCH
Thanh niên là rường cột của nước nhà,
là người chủ tương lai của quốc gia, là thế mạnh trong chiến lược phát triển
đất nước. Nhưng, đây cũng là đối tượng chính mà các thế lực thù địch, phản động
nhắm tới ru ngủ, mua chuộc, lôi kéo, kích động bằng vô số chiêu trò giăng bẫy
trên mạng xã hội, nhằm chống phá sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta.
Để không bị cuốn theo thông tin sai lệch, dẫn đến mơ hồ, mất cảnh giác, ảo
tưởng, nhầm lẫn, thậm chí sa ngã, các bạn đoàn viên, thanh niên cần nhạy bén
nhận diện và tăng cường “sức đề kháng” trước những đòn tấn công âm thầm mà thâm
hiểm, dai dẳng của kẻ địch.
Gần 80% trong số hơn 32 triệu người thường xuyên dùng mạng xã hội ở Việt Nam hiện nay trong độ tuổi thanh niên, từ 18 đến 35 tuổi. Riêng Facebook, thống kê gần đây cho thấy, nước ta xếp thứ bảy về số lượng người dùng trên toàn thế giới với 64 triệu tài khoản. Những con số đó phản ánh, nhu cầu tìm kiếm thông tin qua mạng xã hội của các bạn trẻ là rất cao. Một kết quả khảo sát khoa học ghi nhận, xu hướng phụ thuộc vào mạng xã hội đang lấn lướt trong đời sống thanh niên; thậm chí khá nhiều người trẻ xem smart phone như một chất “gây nghiện”, không thể tách rời. Đáng nói, mạng xã hội là “con dao hai lưỡi”. Giữa ma trận thông tin có cả những loại được ví như thuốc độc, rất có hại nếu thanh niên không được trang bị kỹ năng sống tích cực. Hậu quả xấu dễ nhận thấy nhất là đẩy tới tình trạng một bộ phận người trẻ nhạt Đảng, khô Đoàn, xa rời chính trị. Nhắm vào đặc điểm tâm lý nhạy cảm, chuộng tiếp cận cái mới lạ, thích tự do, ham tự khẳng định mình, song trải nghiệm thực tiễn, vốn sống còn ít của tầng lớp thanh niên, các thế lực thù địch đã triệt để lợi dụng mạng xã hội, ra sức bủa vây thông tin xấu độc, đặc biệt nhồi nhét tư tưởng vào đầu những đối tượng non nớt bản lĩnh chính trị hoặc kích động những kẻ cơ hội có quan điểm chống đối cực đoan, nhằm rắp tâm thực hiện lâu dài mưu đồ nham hiểm chống phá sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của Đảng và Nhân dân ta; thúc đẩy quá trình “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ Đảng ta, tiến tới xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng và chế độ. Những kẻ tâm địa xấu xa thường trưng ra thủ đoạn dùng luận điệu giả nhân giả nghĩa, núp bóng “chân lý”, “lẽ phải” nhưng thực chất hoàn toàn phản khoa học, phi lịch sử. Chúng bịa đặt, dựng chuyện theo cách nhìn sai trái, quy kết, chụp mũ, hướng tới mục đích đen tối và tiêm nhiễm lớp trẻ bằng cả vật chất, lối sống thực dụng lẫn thứ văn hóa ngoại lai tầm thường. Chúng lập ra ngày càng nhiều diễn đàn, trang thông tin mạng, fanpage… để bôi nhọ, cổ súy xuyên tạc về Đảng, quân đội, công an Việt Nam; đưa nhiều nội dung thật - giả lẫn lộn trên không gian mạng, làm nhiễu loạn thông tin về các vấn đề dân tộc, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền, vu cáo nhiều chuyện không hay cho Việt Nam, qua đó gieo rắc sự hoài nghi, bi quan, chán nản, dẫn đến mất phương hướng chính trị, giảm sút lòng tin vào Đảng, vào chế độ của một bộ phận người trẻ. Để chống phá nhanh hơn, mạnh hơn, chúng không quên giở trò sử dụng chính danh tính của người dùng bị tấn công và chia sẻ thông tin mà chúng dựng lên cho bạn bè của người đó. Đáng chú ý, từ năm 2010 đến nay, số trang web, blog, địa chỉ mạng xã hội chứa những nội dung xấu độc, phản động được Bộ Công an ngăn chặn đã lên tới con số 2.700. Kịch bản của những kẻ chống đối chính trị rất rõ ràng, nhưng nhiều thanh niên vẫn nhận thức sơ sài, không phân biệt được đúng-sai, cộng thêm tâm lý hiếu thắng, do đó, dễ dàng mắc lừa, bị dụ dỗ, dẫn dắt. Thời gian qua, đã có những đối tượng bị tác động phân tâm, hoang mang, mất phương hướng, lung lay lập trường chính trị, thiếu tin tưởng vào vai trò lãnh đạo của Đảng, thậm chí lầm đường lạc lối, có hành vi quá khích, gây mất an ninh trật tự và thực tế đã bị pháp luật xử lý. Chúng ta có thể tìm thấy hàng loạt câu chuyện đau lòng trường hợp bạn trẻ “dính bẫy” các thế lực thù địch, phản động trên mạng xã hội. Mới đây nhất là có số ít bạn trẻ tham gia gây mất an ninh trật tự ở những địa bàn nhạy cảm trước những diễn biến phức tạp trên Biển Đông, sự cố ô nhiễm môi trường ở địa bàn ven biển miền Trung,… do bị các đối tượng xấu xúi giục. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà, nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh một phần do các thanh niên”. 89 năm qua, Đảng ta luôn đặt thanh niên ở vị trí trung tâm trong chiến lược bồi dưỡng, phát huy nhân tố và nguồn lực con người. Phần lớn thanh niên Việt Nam có bản lĩnh, khát vọng, phấn đấu theo mục tiêu, lý tưởng của Đảng. Nhiều đoàn viên, thanh niên chủ động, thẳng thắn đấu tranh với những luận điệu sai trái, phê phán mọi hành vi tiêu cực. Tuy nhiên, như đã nói, một bộ phận bạn trẻ có biểu hiện mờ nhạt lý tưởng, dễ dao động lập trường chính trị, lệch lạc giá trị đạo đức, sống ích kỷ, thiếu trách nhiệm. Việc “tung ra” các luận điệu sai trái, xuyên tạc được nhìn nhận sẽ vẫn là phương thức chủ yếu được các thế lực cơ hội chính trị sử dụng nhằm chống phá nước ta với mức độ tinh vi hơn, quyết liệt hơn. Cuộc chiến trên lĩnh vực tư tưởng do vậy còn hết sức khó khăn, phức tạp. Vì thế, việc bồi đắp lòng yêu nước, xây dựng lối sống lành mạnh, ý thức thượng tôn pháp luật, tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám phê phán những hành vi sai trái cho thế hệ trẻ vẫn là yêu cầu cấp bách.Và hơn ai hết, chính đội ngũ thanh niên cần là lực lượng nòng cốt, xung kích đi đầu trong hoạt động phòng chống, loại bỏ, vô hiệu hóa quan điểm thù địch, một cách sắc bén, có sức thuyết phục, với thái độ mạnh mẽ, tuyệt đối không thỏa hiệp, thờ ơ.