Thứ Năm, 13 tháng 6, 2019

Phòng, chống thông tin giả mạo trên mạng xã hội Facebook


Vũ Nhã Hân @
Phòng, chống thông tin giả mạo trên mạng xã hội Facebook
Facebook ngày nay đã trở thành mạng xã hội phổ biến, mang lại nhiều giá trị tích cực. Tuy nhiên, những thông tin giả mạo (fake news) cũng theo đó mà bùng nổ gây nên những hệ lụy đối với đạo đức, lối sống, an ninh, chính trị xã hội nếu không được quản lý, kiểm soát chặt chẽ. Vì vậy, cần phải làm rõ thông tin giả mạotrên Facebook, ảnh hưởng và tác hại của nó đến cộng đồng mạng, trên cơ sở đó vạch trần những thủ đoạn của những đối tượng đưa thông tin giả mạo trên Facebook, đề xuất các biện pháp mang tính khả thi nhằm chủ động phòng chống thông tin giả mạo, góp phần vào cuộc đấu tranh chống âm mưu “diễn biến hòa bình, bạo loạn lật đổ”, “tự diễn biến, tự chuyển hóa” của các thế lực thù địch đối với cách mạng Việt Nam.
Đăng thông tin cá nhân lên Facebook có khi lại tiềm tàng những nguy hiểm khôn lường. Ảnh: internet
Từ tính hai mặt của mạng xã hội Facebook…

Facebook là một website dịch vụ mạng xã hội và truyền thông do công ty Facebook, Inc điều hành, cho phép người dùng đăng ký tài khoản, cập nhật hình ảnh, hồ sơ cá nhân, kết nối bạn bè, nhắn tin, trò chuyện, chia sẻ tâm trạng, cảm xúc, gửi các thông điệp, đăng tải ảnh, video, bình luận, quảng cáo… Theo thống kê của hãng nghiên cứu Statista, Facebook đang thống trị các phương tiện truyền thông xã hội. Hiện đang có khoảng hơn 2 tỷ người dùng. Sau đó đến WhatsApp với 1,3 tỷ, Messenger với 1,2 tỷ và cuối cùng là Instagram với 700 triệu. Tất cả đều thuộc sở hữu của công ty mẹ Facebook. Facebook đã trở nên phổ biến, mang lại nhiều giá trị tích cực: cho phép người dùng giới thiệu bản thân, kết nối bạn bè không phụ thuộc vào khoảng cách địa lý; là nơi để gặp gỡ, nhắn tin, trò chuyện giao tiếp, gắn kết cộng đồng; quảng bá cho câu lạc bộ, lớp học, công ty, sản phẩm; tìm kiếm việc làm, quảng cáo, kinh doanh và giải trí. Sự xuất hiện của mạng xã hội Facebook đã tạo ra những giá trị mới, đem lại hiệu quả cho nền kinh tế, thúc đẩy đối với giáo dục - đào tạo và các lĩnh vực khác của đời sống xã hội.
Tuy nhiên, Facebook cũng có mặt tiêu cực, ẩn chứa nhiều hiểm họa khó lường đối với người dùng nếu không biết tự kiểm soát và thiếu cảnh giác. Người dùng có thể bị xâm phạm đời tư khi đăng nhập một tài khoản e-mail, điện thoại, ngày sinh, địa chỉ nơi ở, nơi làm việc, khi trò chuyện, gửi thư, ảnh hoặc tài liệu cho bạn bè. Có nguy cơ lừa đảo về kinh tế, mất an toàn cho cá nhân và gia đình. Dễ bị đối tượng xấu lợi dụng thực hiện hành vi phạm tội như trộm cắp, chiếm đoạt tài sản, bắt cóc tống tiền. Quá trình sử dụng Facebook nếu người dùng chủ quan, đơn giản sẽ bị mất định hướng, bị đánh cắp tài khoản, mạo danh, có thể dẫn tới vô tình hoặc cố ý tán phát những thông tin giả mạo, xấu độc, làm lộ bí mật Nhà nước, cơ quan, đơn vị, thậm chí tiếp tay cho các đối tượng chống phá Đảng, Nhà nước.
Theo thống kê từ hệ thống giám sát virus của Bkav, tính đến tháng 12/2017, đã có hơn 12.600 máy tính tại Việt Nam nhiễm mã độc đào tiền ảo lây qua Facebook. Hãng bảo mật Bkav cũng ghi nhận cứ 10 phút, hacker lại tung lên mạng một biến thể virus mới nhằm tránh bị phát hiện bởi các phần mềm an ninh. Dạng mã độc lây nhiễm vào các máy tính nhiều nhất để phục vụ mục đích đào tiền ảo. Nguy hiểm hơn, mã độc còn cài sẵn chức năng lấy cắp mật khẩu Facebook[1]. 
Tác động tiêu cực từ Facebook đến đạo đức, lối sống, đặc biệt là giới trẻ là không hề nhỏ. Các triệu chứng nghiện Facebook như trò chơi games, hotgirl facebook, selfie, cặp đôi hot, status tâm trạng, thánh tag ngày càng gia tăng. Không ít người có lối sống ảo, luôn có những suy nghĩ, ý tưởng dựa vào những gì xa vời mà mạng xã hội mang lại. Giới trẻ thích đăng những hình ảnh gợi cảm, gây sốc để tạo sự chú ý, câu like, câu comment ảo. Thay đổi cách thức giao tiếp trong cộng đồng hay cách thức thể hiện cá tính bản thân, coi thước đo giá trị con người họ là thước số lượt like và follow. Tất cả hoạt động, cảm xúc, diễn biến tâm trạng, vui buồn, tức giận, phẫn nộ… đều được phơi bày trên trang Facebook cá nhân, bất chấp những rào cản về thuần phong mỹ tục. Nhiều người trong giới trẻ đã xa rời cuộc sống thực tế, không biết định hướng cho bản thân mình về tương lai và phí phạm quá nhiều thời gian, sức lực và tinh thần của tuổi trẻ, thậm chí mắc bệnh ảo giác, cô đơn, trầm cảm, bất mãn,…
Nguy hiểm hơn hết đó là sự phát triển của công nghệ thông tin khiến mạng xã hội nói chung, Facebook nói riêng trở thành một công cụ đắc lực góp phần làm nảy sinh và phát triển các nguy cơ đối với an ninh, chính trị xã hội khi nó được một số tổ chức, cá nhân sử dụng vào các mục đích có tính chất chính trị, tập hợp lực lượng, tung ra những thông tin giả mạo, xấu độc gây hại cho đối phương, tuyên truyền, kích động, hướng dẫn và kêu gọi tấn công khủng bố. Facebook - vốn xuất phát điểm là một trang web kết nối bạn bè nay đã trở thành mạng xã hội đa năng, bị các cơ quan tình báo Mỹ như CIA, FBI hay NSA sử dụng để thu thập thông tin cá nhân có sẵn trên đó với mục đích chính trị. Phong trào nổi dậy bạo động Mùa xuân Ả - rập xuất phát từ thông tin trên mạng xã hội là một cảnh báo về nguy cơ mất ổn định chính trị, gây hỗn loạn nếu không được kiểm soát và ngăn chặn kịp thời.
Các chuyên gia của Google, Facebook và Twitter đã đưa ra một thông tin trong một báo cáo mới đây thừa nhận có hàng triệu người dân Mỹ tiếp cận với các thông tin giả mạo trong thời gian bầu cử tổng thống diễn ra. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong chiến dịch tranh cử năm 2017 đã từng là nạn nhân của nhiều thông tin giả mạo được lan truyền rộng rãi trên các trang mạng xã hội lớn như Facebook hay Twitter. Vì vậy, Tổng thống Pháp Macron thông báo nước này sẽ sớm ban hành một văn bản luật nhằm chống lại các thông tin giả mạo lan tràn trên Internet trong các kỳ bầu cử[2]. Năm 2016, Ủy ban Châu Âu đã đưa ra một “Bộ luật ứng xử” trong đó các nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội đưa ra hàng loạt cam kết chống lại phát ngôn thù hận trên mạng tại châu Âu. Đức đã ban hành Luật NetzDG (báo chí địa phương thường gọi là “Luật Facebook”) chính thức có hiệu lực từ 01/10/2017. Đức có thể phạt Facebook 500.000 euro cho mỗi tin giả được đăng tải. Chính phủ Nga đang tính toán triển khai một “hạ tầng Internet độc lập” riêng cho các nước thành viên BRICS gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi. Trung Quốc cũng đã ban hành 3 đạo luật về Internet, các bộ lọc công nghệ, cảnh sát mạng, yêu cầu các công ty cung cấp Internet tự loại bỏ những nội dung độc hại trên mạng của mình.


Không có nhận xét nào: