Thứ Tư, 3 tháng 7, 2019

Sự chống phá của các thế lực thù địch trên lĩnh vực chính trị


                 Sự chống phá của các thế lực thù địch trên lĩnh vực chính trị
            Mỹ và các thế lực thù địch xác định chính trị, tư tưởng là mặt trận hàng đầu, là khâu đột phá của chiến lược “diễn biến hòa bình”.
Mục tiêu chống phá về chính trị là, xóa bỏ ảnh hưởng của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh trong các tầng lớp nhân dân; xóa bỏ chủ nghĩa xã hội (CNXH), phủ định chân lý “độc lập dân tộc gắn liền với CNXH”; phủ định vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; xây dựng hệ tư tưởng tư sản, lối sống thực dụng trong các thế hệ người Việt Nam. Về tổ chức, tìm cách xâm nhập vào tổ chức đảng và nhà nước để chuyển hóa từ bên trong. Tạo dựng được những tên tay sai làm “ngọn cờ” quy tụ, tập hợp những phần tử chống CNXH ở Việt Nam vào các hoạt động phá hoại hệ thống chính trị (HTCT) ở nước ta hiện nay, khi có điều kiện, thời cơ sẽ lật đổ chế độ xã hội chủ nghĩa (XHCN) ở Việt Nam bằng cuộc cách mạng “nhung lụa” hoặc bạo loạn lật đổ (BLLĐ). Đó chính là cái đích nhằm đạt tới của hoạt động “diễn biến hòa bình” đối với Việt Nam của Mỹ và các thế lực thù địch.
Mỹ công khai xác định: “đấu tranh ý thức hệ là một cuộc chiến tranh quốc tế”. Trong những năm qua, cuộc đấu tranh trên lĩnh vực này ngày càng mở rộng về quy mô, phát triển về hình thức, tính chất phức tạp, quyết liệt ngày càng tăng, làm cho cuộc đấu tranh trên lĩnh vực ý thức hệ diễn ra xuyên suốt, len lỏi vào mọi ngõ ngách của đời sống xã hội. Mỹ và các thế lực thù địch đánh giá: “Đảng Cộng sản Việt Nam đang khủng hoảng về lý luận, không thống nhất đường lối, chính sách”. Chúng kết hợp cả trong và ngoài nước thúc đẩy thực hiện những “chiến dịch” tiến công chống phá về lý luận, đường lối, quan điểm tư tưởng. Trong đó, then chốt là tiến công quyết liệt vào đường lối, Cương lĩnh, Điều lệ của Đảng ta, nhằm loại bỏ nền tảng tư tưởng của Đảng, đưa quan điểm tư tưởng trái chiều, phản động vào trong Đảng, trong xã hội. Thực hiện âm mưu làm cho cán bộ, đảng viên và nhân dân ta mất phương hướng, khủng hoảng niềm tin, lý tưởng dẫn đến dao động, chuyển hóa theo chúng.
Để đạt được các mục tiêu trên đây, Mỹ và các thế lực thù địch đã, đang và sẽ tập trung vào những vấn đề cơ bản dưới đây:
1. Phủ định chủ nghĩa Mác - Lênin - nền tảng tư tưởng của Đảng ta; xuyên tạc, phủ định tư tưởng Hồ Chí Minh; phủ định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, những thành tựu của cách mạng và chủ nghĩa xã hội ở nước ta
- Phủ định nền tảng tư tưởng của Đảng và Nhà nước ta.
Xóa bỏ ảnh hưởng của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh là mục tiêu hàng đầu của Mỹ và các thế lực thù địch, nhằm làm mất phương hướng, giảm sút ý chí chiến đấu, xa rời mục tiêu lý tưởng độc lập dân tộc và CNXH trong đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân ta. Kẻ thù nhận thức rất rõ rằng, sở dĩ cách mạng Việt Nam vẫn đứng vững và tiếp tục phát triển đi lên bất chấp mọi khó khăn, thử thách khắc nghiệt do chính chúng gây ra là do chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh đã có ảnh hưởng sâu sắc trong nhiều thế hệ người Việt Nam. Một trong những nguyên nhân làm cho CNXH ở Liên Xô và Đông Âu tan rã nhanh chóng là do kẻ thù của CNXH đã thành công trong việc gạt bỏ ảnh hưởng của chủ nghĩa Mác - Lênin trong các thế hệ sau này. Chính ban lãnh đạo Đảng và Nhà nước Liên Xô (trước đây) đã từ bỏ những nguyên lý có tính nguyên tắc của chủ nghĩa Mác - Lênin.
Các thế lực thù địch tập trung mọi cố gắng để chứng minh cho “Tính lỗi thời của học thuyết Mác - Lênin”.  Chúng cho rằng: “hầu hết các nước ngày nay đều bác bỏ chủ nghĩa Mác - Lênin, chỉ còn một vài nước “ngoan cố” như Trung Quốc, Việt Nam là tôn thờ”. Gần đây, chúng tung ra luận điệu: “Việt Nam đang bế tắc không chỉ về kinh tế mà còn về tinh thần. Không ai còn tin vào chủ nghĩa Mác - Lênin, ngay cả Bộ Chính trị”. Bằng thực tế sụp đổ của mô hình CNXH ở Liên Xô và Đông Âu, chúng khẳng định: “mô hình đổ, nghĩa là học thuyết đổ. Thực chất chủ nghĩa Mác là một học thuyết hư vô, là sự biện hộ cho một khoa học tàn phá xã hội”. Chúng còn lớn tiếng tuyên bố: “Cách mạng Tháng Mười Nga là sự đẻ non; là sai lầm của lịch sử; CNXH hiện thực là quái thai, là sự phát triển ngoài nền văn minh nhân loại”, v.v. và v.v.. Chúng tuyên truyền vu cáo Đảng ta “đem tư tưởng chủ nghĩa Mác - Lênin áp dụng vào Việt Nam là một sự gán ghép, gượng gạo dẫn đến sai lầm”. Chúng phủ định con đường cách mạng của Đảng và nhân dân ta từ năm 1930 đến nay. Chúng cho rằng, công cuộc đổi mới của Việt Nam là trở lại con đường tư bản chủ nghĩa (TBCN). Chúng phủ nhận khả năng quá độ lên CNXH ở nước ta, vì theo chúng, “Việt Nam mất một điều kiện tiên quyết là sự giúp đỡ quốc tế XHCN”. Những luận điệu đó đã tác động tiêu cực đến nhận thức chính trị, tư tưởng, tình cảm và lòng tin của một bộ phận không nhỏ trong các tầng lớp nhân dân, gieo rắc sự hoang mang, dao động, giảm lòng tin và sự hoài nghi về CNXH và cuộc cách mạng mà chúng ta đang thực hiện. Những luận điệu này đã mở đường cho những ý tưởng nghi ngờ, bi quan về CNXH của một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Không có nhận xét nào: