Thứ Tư, 3 tháng 7, 2019


VŨ Nhã Hân @
Đấu tranh, ngăn chặn các tà đạo ở nước ta hiện nay

Việt Nam là một quốc gia đa dân tộc, đa tôn giáo. Những năm qua, Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn quan tâm, tạo điều kiện, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo của người dân, trong đó có cả người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam.
Tuy nhiên, các thế lực thù địch đã tìm cách hình thành, phát triển các tà đạo nhằm xâm phạm an ninh chính trị (ANCT), trật tự an toàn xã hội (TTATXH), chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc; qua đó nhằm hình thành các lực lượng đối lập với Đảng, Nhà nước Việt Nam.
Nhận diện tà đạo

Theo Từ điển tiếng Việt: “Tà đạo là đạo giáo chuyên dùng bùa phép mê hoặc người; đường lối sai quấy không chính đáng”. Còn theo Đại từ điển tiếng Việt: "Tà đạo: Tôn giáo khác với tôn giáo được coi là chính thống". PGS, TS Đặng Văn Đoài, Hiệu trưởng Trường Đại học An ninh nhân dân định nghĩa: "Tà đạo là một loại đạo lạ (so với tín ngưỡng, tôn giáo truyền thống) nhưng khuynh hướng hoạt động mê tín dị đoan, phản văn hóa, vi phạm pháp luật".Ở Việt Nam, những năm qua, tà đạo thường xuất hiện và phát triển mạnh ở vùng nông thôn, vùng sâu xa, nhất là địa bàn Tây Nam Bộ, Tây Nguyên, Tây Bắc. Các tổ chức này đã thu hút được một số lượng người tin theo, trong đó có tà đạo đã lôi kéo hàng nghìn người tham gia, sinh hoạt tại nhiều địa phương, như: Tin lành Đề Ga, Hà Mòn, Pháp Luân Công và đặc biệt gần đây là tà đạo Hội Thánh đức Chúa Trời, dù mới chỉ xuất hiện tại Việt Nam chưa lâu, song, đã phát triển mạnh và hoạt động bất hợp pháp ở hơn 20 tỉnh, thành phố với hàng nghìn người tham gia, nhất là ở Hải Phòng, Quảng Ninh, Ninh Bình, Thái Bình, Thanh Hóa… Việc tuyên truyền, phát triển tà đạo đã ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống xã hội, gây tâm lý bức xúc, hoang mang trong một bộ phận quần chúng và tín đồ các tôn giáo, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, làm phức tạp tình hình ANCT-TTATXH tại địa phương.Qua nghiên cứu, căn cứ theo địa bàn xuất hiện, nguồn gốc xuất xứ và nội dung, phương thức hoạt động, có thể phân chia tà đạo thành hai nhóm chính: Nhóm thứ nhất có nguồn gốc hình thành liên quan đến các tôn giáo đã được Nhà nước công nhận, điển hình như các tà đạo: Tin lành Đề Ga, Hà Mòn, Giáo hội Tin lành đấng Christ Việt Nam... có nguồn gốc và bản chất liên quan đến Tin lành; các tà đạo: Đạo Tràng Hương Quảng, Pháp môn Di Lặc, Bửu Tòa Tam giáo... có nguồn gốc và bản chất gắn với Phật giáo, Đạo giáo. Nhóm thứ hai có nguồn gốc từ nước ngoài truyền vào Việt Nam, như: Thanh Hải Vô Thượng sư, Pháp Luân Công, Canh tân đặc sủng... Nhóm này mang tính lai tạp giữa một số tôn giáo khác nhau, như: Phật giáo, Đạo giáo và tín ngưỡng dân gian. Dù thuộc nhóm nào thì đặc điểm chung của các tà đạo này luôn tự coi mình là một tổ chức tôn giáo; giáo lý của họ chỉ là sự vay mượn hay chính xác hơn là xuyên tạc, bóp méo giáo lý của các tôn giáo khác theo hướng mê tín dị đoan để phục vụ cho ý đồ của những kẻ cầm đầu; giáo lý, lễ nghi của các tà đạo thường đơn giản, không có hệ thống và hoàn chỉnh như tôn giáo truyền thống, hàm chứa yếu tố mê tín, có màu sắc chính trị.

Từ trục lợi đến chống phá
Người tin theo các tà đạo thuộc nhiều thành phần như: Trí thức, cán bộ, viên chức và công nhân, nông dân, nhưng chủ yếu là người nghèo, có trình độ dân trí thấp; họ bị số đối tượng cầm đầu lợi dụng, lừa mị, lôi kéo tham gia. Các đối tượng sáng lập, cầm đầu và cốt cán thường là những chức sắc, chức việc và tín đồ có uy tín trong tôn giáo, dân tộc, thậm chí cả số đối tượng bất mãn, cơ hội chính trị. Mục đích chính của việc hình thành và phát triển tà đạo là nhằm mục đích trục lợi cá nhân thông qua sự giúp đỡ, đóng góp tiền của, công sức của những người tin theo tà đạo. Số đối tượng cầm đầu thường triệt để lợi dụng những vấn đề bức xúc, khó khăn mà người dân không tự giải quyết được để tác động, lôi kéo họ dựa vào niềm tin tâm linh nhằm giải thoát những vướng mắc về tâm lý và tư tưởng đang nảy sinh. Hoạt động của các tà đạo chủ yếu nhằm thực hành các hoạt động mê tín dị đoan, thực hành tín ngưỡng phản khoa học, phi đạo đức và văn hóa nhằm thu lợi bất chính, như yêu cầu người tin theo phải đóng góp tiền của, công sức xây dựng mới hay tu sửa nơi thờ tự, phục vụ hoạt động duy trì và phát triển tổ chức của các đối tượng cầm đầu, cốt cán. Riêng đối với một số tà đạo như: Tin lành Đề Ga, Hà Mòn… các đối tượng cầm đầu, cốt cán thu hút, lôi kéo người tham gia tổ chức nhằm chống phá chính quyền, cản trở việc thực hiện các chính sách phát triển kinh tế-xã hội, xâm phạm ANCT-TTATXH tại địa phương.Để nắm giữ niềm tin của những người tham gia, đồng thời ép buộc hoặc tiếp tục thu hút những người khác trong gia đình họ phải đi theo tà đạo, số cầm đầu, cốt cán của các tà đạo thường yêu cầu và buộc số người tin theo không được tiếp xúc và quan hệ với người khác niềm tin; không tham gia các sinh hoạt văn hóa chung của cộng đồng; không thực hiện phong tục tập quán và tín ngưỡng truyền thống của dân tộc, đồng thời phủ nhận các tôn giáo chính thống, kể cả tôn giáo đó là nguồn gốc của mình để tin và trung thành với tổ chức tà đạo; không chấp hành pháp luật hay tham gia các chương trình, chính sách phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương. Một số tà đạo mang màu sắc chính trị như: Tin lành Đề Ga”, Hà Mòn, Thanh Hải Vô Thượng sư..., số đối tượng cầm đầu, cốt cán ráo riết kích động tư tưởng dân tộc hẹp hòi, phân biệt, chia rẽ người Kinh với người dân tộc nhằm thu hút người dân để thực hiện mưu đồ ly khai, tự trị ở các vùng dân tộc, hình thành tổ chức phản động chống phá Nhà nước Việt Nam, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc; điển hình như vụ biểu tình, bạo loạn ở Tây Nguyên năm 2001, 2004 do Tin lành Đề Ga tổ chức. Ở một số nơi, số đối tượng cầm đầu các tà đạo như: Thanh Hải Vô Thượng sư, Hà Mòn… còn vu cáo chính quyền vi phạm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tìm cách khoét sâu hoặc phóng đại những hạn chế, thiếu sót của chính quyền và cán bộ, đảng viên trong thực hiện chính sách dân tộc, tôn giáo; vu cáo Nhà nước vi phạm dân chủ, nhân quyền; tạo cớ cho bên ngoài can thiệp, chống phá Nhà nước Việt Nam. Có thể khẳng định, các tà đạo đã gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống xã hội, tuyên truyền mê tín dị đoan, kích động tâm lý hoang mang, dao động trong quần chúng nhân dân, làm phức tạp tình hình chính trị tại địa phương, truyền bá những đức tin phản khoa học, phản văn hóa và chuẩn mực chung về đạo đức, lối sống. Đặc biệt, thông qua hoạt động của các tà đạo, các thế lực thù địch tiếp tục đẩy mạnh thực hiện âm mưu lợi dụng vấn đề tôn giáo chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, kích động tư tưởng ly khai nhằm chống phá Việt Nam.
Đấu tranh, đẩy lùi và ngăn chặn
Trong những năm qua, các cơ quan chức năng đã triển khai đồng bộ các biện pháp đấu tranh, ngăn chặn hoạt động của các tà đạo; trong đó đã chủ động nắm tình hình các địa bàn, đối tượng trọng điểm về dân tộc, tôn giáo để triển khai các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng trái pháp luật. Thông qua nhiều kênh, bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, các cơ quan chức năng đã tuyên truyền, vận động quần chúng không tin, theo kẻ xấu lôi kéo, lừa bịp tham gia tổ chức tà đạo; thấy rõ tác hại của việc tham gia các tà đạo để từ đó tự giác tham gia công tác phòng ngừa, đấu tranh chống các tà đạo. Chủ động xử lý nghiêm số đối tượng cầm đầu, cốt cán theo pháp luật, đồng thời vạch mặt, làm rõ bản chất chúng trước nhân dân. Tuy nhiên, công tác phòng ngừa, đấu tranh với hoạt động của các tà đạo thời gian qua còn tồn tại những hạn chế nhất định. Theo đó, để nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn sự hình thành, phát triển của các tà đạo trong thời gian tới, cần tập trung làm tốt công tác đấu tranh, phòng, chống sự hình thành, phát triển của các tà đạo; đồng thời tiến hành song song với công tác bảo đảm ngày càng tốt hơn quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân trên cơ sở pháp luật và phải đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện, tuyệt đối của Đảng Cộng sản Việt Nam; sự quản lý, điều hành của Chính phủ nhằm phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong công tác này. Tiếp tục nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về vị trí, vai trò công tác đấu tranh, ngăn chặn hoạt động của các tà đạo, qua đó nhằm huy động sự tham gia của cả xã hội trong công tác này.Các cơ quan chức năng cần thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước về tôn giáo, đặc biệt là quản lý và định hướng các sinh hoạt, hoạt động tín ngưỡng theo thuần phong mỹ tục của dân tộc và phù hợp với luật pháp. Đối với những đối tượng chủ mưu, cầm đầu các tà đạo, các cơ quan chức năng phải xử lý kiên quyết, kịp thời, triệt để theo pháp luật; vạch trần bản chất và hành vi vi phạm pháp luật, làm mất ổn định chính trị, xã hội, chia rẽ giữa các dân tộc, tôn giáo, lợi dụng danh nghĩa tôn giáo để hoạt động tà đạo, mê tín dị đoan của số này trước quần chúng nhân dân. Tăng cường xây dựng đời sống văn hóa, tinh thần phong phú, lành mạnh cho mọi người dân nhằm tạo “sức đề kháng”, “miễn dịch” mạnh mẽ trước hoạt động của các tà đạo.  
Tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước Việt Nam về tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam; về thành tựu đã đạt được trong việc bảo đảm quyền con người ở Việt Nam. Đặc biệt, cần tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân, làm cho người dân hiểu rõ đâu là chính đạo, đâu là tà đạo, tác hại của các tà đạo đối với đời sống vật chất, tinh thần của người dân và toàn xã hội. Từ đó vận động cán bộ, đảng viên và nhân dân tự giác tham gia công tác phòng ngừa, đấu tranh chống hoạt động của các tà đạo.
Chủ động triển khai nắm tình hình, dự báo kịp thời mọi âm mưu, hoạt động lôi kéo, thu hút người tham gia các hội nhóm tà đạo để triển khai các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh. Kịp thời phát hiện, phối hợp giải quyết dứt điểm các hoạt động tụ họp nhóm hoặc có hoạt động liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo không được cơ quan chức năng cho phép để vận động quần chúng giải tán, đồng thời cô lập, răn đe những kẻ cầm đầu, cốt cán trong hội nhóm tà đạo. Trong xử lý các vụ việc liên quan đến tà đạo phải bảo đảm những yêu cầu đặt ra nhằm tranh thủ được sự ủng hộ rộng rãi của cán bộ, đảng viên và nhân dân, kiên quyết không làm phức tạp thêm tình hình, không để sơ hở để bên ngoài lợi dụng vu cáo, xuyên tạc.
Tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, xóa đói, giảm nghèo… kết hợp với thực hiện công bằng xã hội, không ngừng nâng cao trình độ dân trí, đặc biệt là đối với đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh, bảo đảm ổn định ANCT-TTATXH tại địa phương. Tăng cường đổi mới nội dung, phương pháp giáo dục truyền thống yêu nước, vận động đông đảo các chức sắc, tín đồ và nhân dân tích cực tham gia các hoạt động phát triển kinh tế, xã hội và các phong trào thi đua yêu nước tại địa phương.


Không có nhận xét nào: