Chủ Nhật, 8 tháng 3, 2020

QUY HOẠCH BÁO CHÍ VÀ TỰ DO BÁO CHÍ


Gia Linh @
QUY HOẠCH BÁO CHÍ VÀ TỰ DO BÁO CHÍ

          Cho tới nay, Bộ Thông tin và Truyền thông đã hoàn thành việc sắp xếp và chuyển đổi mô hình đối với 19 cơ quan báo chí của 19 tổ chức Hội. Đây sẽ là bước mở đầu cho việc đưa hoạt động báo chí trở nên quy củ hơn, góp phần chấm dứt tình trạng báo chí phát triển theo kiểu trăm hoa đua nở, hạn chế tình trạng chồng chéo, buông lỏng quản lý, hoạt động xa rời tôn chỉ, mục đích trong báo chí đồng thời mang tới người đọc những thông tin trung thực, sâu sắc hơn.
          Bộ Thông tin và Truyền thông đã trao giấy phép thực hiện chuyển đổi từ báo thành tạp chí đối với 18 cơ quan báo chí và có hiệu lực bắt đầu từ 1/4 tới. Mặc dù không tránh khỏi những băn khoăn, kiến nghị cần được tháo gỡ thế nhưng cần khẳng định, quy hoạch báo chí không phải thu hẹp báo chí mà nhằm phục vụ phát triển.
          Bên cạnh đó, việc quy hoạch báo chí cũng không làm mất tự do báo chí. Tự do báo chí không đồng nghĩa với muốn nói gì thì nói, muốn viết gì thì viết. Tự do báo chí muốn thực hiện được thì trước tiên cần phải hiểu đúng. 

          Tự do báo chí là một trong những quyền cơ bản của con người được công nhận bằng văn bản luật. Chất lượng bảo đảm quyền tự do báo chí là thước đo thực hành dân chủ, là “gương mặt” thể hiện trình độ khoa học, pháp luật và văn hóa của mỗi quốc gia. Tự do báo chí là tự do thực hành chân lý và tuân thủ pháp luật; mọi hành động lợi dụng tự do báo chí phục vụ cho những mưu đồ xấu, vi phạm dân chủ, đạo đức và thuần phong mỹ tục, pháp luật nhất thiết phải bị nghiêm trị.
          Ngày nay những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch đánh lạc mọi người theo hướng: tự do báo chí là một quyền tuyệt đối, cổ súy cho phần tử cơ hội bất mãn, các đối tượng chống đối chế độ lợi dụng quyền tự do báo chí để tăng cường các hoạt động chống phá Nhà nước Việt Nam. Vậy, như thế nào mới là tự do báo chí ?
          Tự do báo chí nhưng phải trong khuôn khổ pháp luật – vấn đề cơ bản mà thế giới đã thừa nhận.
          Ai cũng biết tự do báo chí là một trong những quyền cơ bản của con người. Tuy nhiên thực hiện quyền cơ bản này cần phải căn cứ vào những cơ sở pháp lí. Tự do báo chí phải căn cứ vào những quy định, điều ước quốc tế, truyền thống văn hóa, đạo đức, chế độ xã hội và hệ thống luật pháp của mỗi quốc gia. Nếu xâm phạm tới quyền và lợi ích của cá nhân, tổ chức và lợi ích quốc gia, dân tộc là vi phạm pháp luật. Điều 19 Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền Liên hợp quốc khẳng định “Mọi người đều có quyền tự do ngôn luận và bày tỏ ý kiến. Quyền này bao gồm sự tự do giữ quan điểm, không có sự can thiệp và sự tự do tìm kiếm, tiếp nhận, chia sẻ nhưng ý tưởng và thông tin bằng bất kỳ phương tiện truyền thông nào và không có biên giới. Tuy nhiên khoản 2 điều 29 cũng đề cập “Trong khi thực hiện các quyền và quyền tự do cho cá nhân, mọi người chỉ phải tuân thủ các hạn chế do luật định nhằm mục đích duy nhất là bảo đảm việc thừa nhận, tôn trọng đối với các quyền và quyền tự do của những người khác đáp ứng được những đòi hỏi chính đáng về đạo đức, trật tự công cộng, phúc lợi chung trong một xã hội dân chủ”. Công ước Quốc tế về các quyền dân sự và chính trị của Liên hợp quốc (Công ước), tại Khoản 2, Điều 19, khẳng định: “Mọi người đều có quyền tự do phát biểu quan điểm; quyền này bao gồm quyền tự do tìm kiếm, tiếp nhận và phổ biến mọi tin tức và ý kiến bằng truyền khẩu, bút tự hay ấn phẩm, dưới hình thức nghệ thuật, hay bằng mọi phương tiện truyền thông khác, không kể biên giới quốc gia” và Khoản 3, Điều 19, Công ước chỉ rõ: “Việc hành xử quyền tự do phát biểu quan điểm (ghi ở khoản 2 nói trên) đòi hỏi đương sự phải có các bổn phận, trách nhiệm đặc biệt. Quyền này chỉ có thể bị giới hạn bởi pháp luật vì nhu cầu: a. Tôn trọng các quyền tự do và thanh danh của người khác; b. Bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự công cộng, sức khỏe công cộng hay đạo lý”. 
          Các luận điệu xuyên tạc cho rằng Việt Nam không có tự do báo chí nhưng căn cứ vào tiêu chí, chuẩn mực nào để đánh giá một quốc gia có tự do báo chí hay không? Hay chỉ là theo suy nghĩ, nhận thức chủ quan để áp đặt, định kiến nhằm phục vụ âm mưu, ý đồ chính trị của họ ? 
          Ở Việt Nam, tự do báo chí cũng được thừa nhận. Việt Nam đã thừa nhận quyền tự do báo chí được quy định trong Tuyên ngôn và Công ước trên. Bên cạnh đó, căn cứ vào tình hình thực tiễn của đất nước cũng như căn cứ vào nhiệm vụ cách mạng mà Đảng và Nhà nước cũng đã thừa nhận quyền tự do báo chí và quy định rõ ràng, cụ thể trong các văn bản quy phạm pháp luật. Hiến pháp nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, năm 1946 (Hiến pháp đầu tiên) và các Hiến pháp được sửa đổi, bổ sung (1959, 1980, 1992, 2013) của nước ta, đều khẳng định người dân có quyền tự do báo chí và được pháp luật bảo đảm. Cụ thể vấn đề này, cơ quan lập pháp đã ban hành các bộ luật như: Bộ luật Hình sự năm 2015, Luật An ninh quốc gia năm 2004, Luật Báo chí năm 2016,… gần đây nhất là Luật An ninh mạng năm 2018.
          Ngoài ra, không chỉ ở Việt Nam mới có chế tài đối với hành vi lợi dụng tự do ngôn luận, tự do báo chí để vi phạm pháp luật mà ở Hoa Kỳ, Pháp, Hàn Quốc, Singapore... đều có luật và điều khoản xử lý nghiêm khắc hành vi lợi dụng tự do báo chí. Xin đơn cử ví dụ, Điều 2358, Bộ luật Hình sự Hoa Kỳ nghiêm cấm: “In ấn, xuất bản, biên tập, phát thanh, truyền bá, buôn bán, phân phối hoặc trưng bày công khai bất kỳ tài liệu viết hoặc in nào có nội dung vận động, xúi giục hoặc giảng giải về trách nhiệm, sự cần thiết tham vọng hoặc tính đúng đắn của hành vi lật đổ hoặc tiêu diệt bất kỳ chính quyền cấp nào tại Hoa Kỳ bằng vũ lực hoặc bạo lực”.
          Tự do báo chí không phải là tự do tuyệt đối. Tự do báo chí nhưng phải đặt trong khuôn khổ pháp luật; bất cứ quốc gia nào cũng vậy (kể cả Mỹ), không riêng gì Việt Nam. Báo chí phải có khuôn khổ điều chỉnh thì mới đi đúng hướng, trở thành báo chí khoa học và cách mạng; chứ không phải là báo chí phản động, là công cụ để phá hoại công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. 
          Mọi luận điệu xuyên tạc Việt Nam không có tự do báo chí đều xuất phát từ ý định "dọn đường, mở lối", tạo điều kiện tăng cường các hoạt động phản tuyên truyền nhằm chống phá Nhà nước Việt Nam. Đây là âm mưu cơ bản của bọn phản động và các thế lực thù địch vì báo chí là một trong công cụ tấn công mạnh mẽ nhất vào mặt trận tư tưởng chính trị - mặt trận theo các nhà tư bản nhìn nhận nếu bị chọc thủng sẽ tạo ra “khoảng trống” để dần dần đưa hệ tư tưởng tư sản vào, xóa bỏ hệ tư tưởng xã hội chủ nghĩa để tiến tới xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Cho nên, với tính chất nhạy cảm của vấn đề tự do báo chí, cần phải tỉnh táo trước những luận điệu xuyên tạc cũng như các hoạt động phản tuyên truyền của bọn phản động và các thế lực thù địch để không bị chúng dắt mũi, cuốn vào cái bẫy của chúng bày ra.

Không có nhận xét nào: