Thứ Hai, 14 tháng 12, 2020

Huyện Thường Xuân bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch

 

Huyện Thường Xuân bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch

Về Thường Xuân những ngày hè này, chúng tôi đã bắt gặp khá nhiều khách du lịch đến với các di tích lịch sử văn hóa, danh thắng trên địa bàn. Đây chính là những tín hiệu tích cực của du lịch huyện Thường Xuân sau khoảng thời gian chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Điều này cũng khẳng định, các di tích, danh thắng, điểm du lịch và các giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn có sức hấp dẫn khá lớn với du khách thập phương.

Huyện Thường Xuân bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịchTung còn – nét văn hóa truyền thống đặc trưng thường được tổ chức tại các lễ hội của đồng bào các dân tộc huyện Thường Xuân.

Theo thống kê, huyện Thường Xuân hiện có 4 di tích được xếp hạng di tích cấp tỉnh và 1 danh lam thắng cảnh; có 7 lễ hội văn hóa truyền thống được tổ chức hàng năm. Những năm gần đây, huyện Thường Xuân đã xác định rõ, công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống vật thể và phi vật thể là nhiệm vụ trọng tâm, có vai trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Theo đó, huyện đã tập trung công tác quản lý, bảo tồn đối với các di tích lịch sử văn hóa, tâm linh quan trọng, điển hình là Di tích lịch sử văn hóa Đền thờ Cầm Bá Thước và Bà Chúa Thượng Ngàn. Đây được xem là di tích thu hút đông nhất lượng du khách tới tham quan, vãn cảnh, khám phá và đi lễ hàng năm với bình quân hàng chục vạn lượt người.

Song song với việc bảo vệ, trùng tu, tôn tạo, việc tổ chức lễ hội truyền thống cũng được duy trì theo hướng bảo tồn và phát huy các giá trị, bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số. Từ đó, huyện cũng đã làm tốt công tác giới thiệu, quảng bá những giá trị quý của di tích, những nét văn hóa đặc trưng và các đặc sản, sản vật của địa phương tới du khách. Theo đánh giá, công tác bảo tồn Di tích chùa Cửa Đặt, cũng như tổ chức lễ hội truyền thống hàng năm đã góp phần thu hút ngày càng nhiều du khách, góp phần không nhỏ vào phát triển du lịch và tăng thu ngân sách hàng năm cho địa phương. Chị Nguyễn Thị Vân Anh, du khách đến từ Hà Nội chia sẻ: “Hàng năm, tôi và gia đình đều đi lễ tại chùa Cửa Đặt và cũng là để các thành viên có dịp được khám phá vẻ đẹp của di tích, những nét văn hóa truyền thống đặc sắc, được thưởng thức những đặc sản, sản vật của địa phương. Tôi rất mừng là công tác quản lý, bảo vệ di tích, tổ chức lễ hội ngày càng được địa phương thực hiện tốt hơn, tạo điều kiện tốt nhất cho du khách”.

Năm 2019, huyện Thường Xuân đã tổ chức tuần lễ văn hóa, TDTT lần thứ nhất tại bản Mạ, xã Xuân Cẩm (nay là thị trấn Thường Xuân) với nhiều hoạt động đặc sắc như: Khua luống, đánh cồng chiêng, hát khặp, nhảy sạp, bắn nỏ, ném còn, kéo co, đánh đu, đua thuyền rồng vùng thượng nguồn sông Chu... Bản Mạ cũng được huyện Thường Xuân chọn làm điểm nhấn trong công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch cộng đồng. Bản Mạ nằm bên dòng sông Chu hiền hòa, cảnh quan thiên nhiên đẹp và hấp dẫn với những thửa ruộng bậc thang, có nhiều nếp nhà sàn xinh xắn với 30 ngôi nhà sàn cổ, 100% đồng bào dân tộc Thái sinh sống. Bản còn có 7 hộ gia đình duy trì được nghề truyền thống: Thêu, dệt thổ cẩm, đan lát. Cùng với đó là các món ăn độc đáo của người dân địa phương như: Măng rừng, canh đắng, canh uôi, thịt trâu gác bếp, cá nướng, các loại chẻo, thịt lợn cỏ nướng, cơm lam... Những tài nguyên văn hóa truyền thống, đời sống, sinh hoạt của đồng bào tại bản Mạ là cơ sở quan trọng để huyện Thường Xuân khai thác và phát triển du lịch cộng đồng, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Đồng thời tiếp tục bảo tồn và phát huy các giá trị, bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Thái. Từ năm 2019 đến nay, lượng du khách đến với bản Mạ ngày càng tăng cao, trong đó có cả du khách quốc tế. Đây là cơ sở để huyện xây dựng đề án phát triển du lịch cộng đồng với điểm tựa từ bản Mạ, để mở rộng ra các điểm di tích, danh thắng trên địa bàn.

Ông Cầm Bá Huyến, Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Thường Xuân, cho biết: Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể là nhiệm vụ trọng tâm và là nền tảng quan trọng để huyện Thường Xuân đẩy mạnh khai thác phát triển du lịch. Để đạt được mục tiêu nói trên, giải pháp hàng đầu là nâng cao trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương trong công tác bảo vệ, quản lý di tích, danh thắng. Song song với đó, các lễ hội cũng được tổ chức theo hướng bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Qua đó đáp ứng nhu cầu nâng cao đời sống tinh thần cho Nhân dân và xây dựng sản phẩm du lịch văn hóa tâm linh đặc sắc của địa phương.

Ngoài ra, huyện cũng chú trọng công tác bảo tồn các nghề truyền thống, xây dựng các sản phẩm đặc trưng, đặc sản của địa phương; khôi phục và phát huy các trò chơi, trò diễn dân gian, các môn thể thao dân tộc gắn với du lịch. Đồng thời từng bước hình thành các tour, sản phẩm du lịch khám phá thiên nhiên và văn hóa; kết nối với các điểm du lịch khác trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa nhằm thu hút ngày càng nhiều du khách trong và ngoài nước.

Không có nhận xét nào: