Thứ Hai, 14 tháng 12, 2020

Thường Xuân: Hấp dẫn du lịch tâm linh và sinh thái

 

Thường Xuân: Hấp dẫn du lịch tâm linh và sinh thái


Mảnh đất Thường Xuân xưa kia thường gọi là Châu Thường thuộc vùng núi phía Tây Thanh Hóa. Nơi đây thiên nhiên đã ưu đãi hệ sinh thái đa dạng, núi non trùng điệp cũng là nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của các dân tộc thiểu số. Với quần thể di tích lịch sử văn hóa - danh thắng đền thờ: Cầm Bá Thước, chùa cửa Đạt, hội thề Lũng Nhai, danh thắng hồ chứa nước thủy lợi - thủy điện Cửa Đặt, Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên đã tạo nên giá trị văn hóa riêng biệt của vùng đất này...

Thường Xuân: Hấp dẫn du lịch tâm linh và sinh thái

Chùa Cửa Đạt - điểm đến tâm linh.

Lợi thế phát triển du lịch cộng đồng

Vừa qua huyện Thường Xuân đã tổ chức tuần lễ văn hóa, thể dục và thể thao lần thứ nhất tại bản Mạ, xã Xuân Cẩm (nay là thị trấn Thường Xuân). Nhiều hoạt động trong chương trình đã tạo được dấu ấn cho du khách về đây thưởng ngoạn, vãn cảnh như: Khua luống, đánh cồng chiêng, hát khặp, nhảy sạp, bắn nỏ, ném còn, kéo co, đánh đu, đua thuyền rồng vùng thượng nguồn sông Chu... Đặc biệt, trong đó có việc xây dựng các mô hình du lịch cộng đồng.

Bản Mạ cách trung tâm huyện không xa, nằm bên dòng sông Chu hiền hòa, cảnh quan thiên nhiên đẹp và hấp dẫn, làng quê thanh bình, thuận lợi cho việc phát triển du lịch cộng đồng. Nơi đây có nhiều nếp nhà sàn xinh xắn với 30 ngôi nhà sàn cổ, là thôn có 100% đồng bào dân tộc Thái sinh sống. Bản còn có 7 hộ gia đình duy trì được nghề truyền thống: Thêu, dệt thổ cẩm, đan lát. Về với bản Mạ, mọi người được hòa mình vào cuộc sống của đồng bào Thái, các ruộng bậc thang tham quan, trải nghiệm trên khung cửi dệt vải, se tơ... Cùng với đó là việc thưởng thức các món ăn độc đáo của người dân địa phương như: Măng rừng, canh đắng, canh uôi, thịt trâu gác bếp, cá nướng, các loại chẻo, thịt lợn cỏ nướng, cơm lam... Mỗi món ăn gắn liền với các gia vị được chế biến từ các nguyên liệu địa phương cùng nhâm nhi với rượu sắn, rượu gạo quê hương đã tạo sự phấn khích và khoái khẩu cho mỗi người, nhất là thả tâm hồn ngắm dòng sông Chu lững lờ trôi thì còn gì bằng. Vì thế bản Mạ luôn sôi động đón những đoàn khách du lịch trong và ngoài nước về tham quan. Cùng với đó người dân bản Mạ đã biết cách làm du lịch, tăng thu nhập, tạo thêm việc làm cho nhiều lao động địa phương...

Thường Xuân: Hấp dẫn du lịch tâm linh và sinh thái

Bản Mạ trong sương sớm.

Nhiều điểm đến hấp dẫn

Theo quan niệm của người dân: Đầu năm lên rừng, xuống biển thường để lấy may. Vì thế, đền Cửa Đạt, luôn là điểm đến tâm linh hấp dẫn. Mọi người về đây không chỉ thắp hương, vãn cảnh, cầu may đầu năm mà còn được ngắm cảnh thiên nhiên trù phú lòng hồ Cửa Đạt, khám phá khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên và xả stress sau 1 năm lao động vất vả để bước vào năm mới.

Đền Cửa Đạt là nơi thờ Bà Chúa Thượng Ngàn. Theo truyền thuyết kể lại bà được sinh ra vào thời nhà Trần có công cứu nạn dân chúng nên được phong thánh cai quản một vùng. Tại đây còn có đền thờ danh nhân Cầm Bá Thước - người Thái, quê ở Vạn Xuân, Châu Thường. Ông là một trong những người tích cực tham gia phong trào Cần Vương cuối thế kỷ 19 và hy sinh ở tuổi 37. Để tưởng nhớ công ơn của danh nhân Cầm Bá Thước và Bà Chúa Thượng Ngàn, người dân đã lập 2 ngôi đền cạnh nhau để thường xuyên hương khói. Đặc biệt khu đền này được tọa lạc ở khu đất cao ráo dưới chân núi Róc - nơi hợp lưu giữa sông Chu và sông Cửa Đạt. Trước đây đền còn hoang sơ, khi công trình thủy lợi - thủy điện hồ Cửa Đạt được xây dựng thì khu di tích này được các công ty, đơn vị xây dựng công trình góp sức hoàn thiện tạo điểm đến hấp dẫn cho mọi người về dâng hương. Thể theo nguyện vọng của nhân dân, những năm gần đây khu vực này được xây dựng thêm chùa Cửa Đạt. Sự hội tụ của quần thể di tích danh lam thắng cảnh với vùng núi non hiếm có nơi đây đã tạo nên điểm du lịch tham quan hấp dẫn. Vì thế, lượng khách về đây mỗi năm ngày càng nhiều...

Theo đề án huyện Thường Xuân phấn đấu đến năm 2020 đón được 10.000 lượt khách du lịch cộng đồng, trong đó có 500 lượt khách du lịch quốc tế và 9.500 lượt khách du lịch nội địa. Đến năm 2025 nâng lên 20.000 lượt khách du lịch, trong đó có khoảng 2.000 lượt khách du lịch quốc tế và 18.000 lượt khách du lịch nội địa...

Để đạt mục tiêu trên, huyện Thường Xuân đang nỗ lực xây dựng các điểm đến hấp dẫn, đẩy mạnh xã hội hóa thu hút các nguồn lực đầu tư, tăng cường quảng bá và bồi dưỡng nguồn nhân lực, chú trọng đào tạo người dân tích cực tham gia làm du lịch cộng đồng...

 

Không có nhận xét nào: