Thứ Hai, 22 tháng 3, 2021

Đại hội XIII không khiến Việt Nam “bỏ rơi” mặt trận Biển Đông

 

Đại hội XIII không khiến Việt Nam “bỏ rơi” mặt trận Biển Đông


Trong thời gian diễn ra Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam, Trung Quốc đã tiến hành một số hoạt động khiêu khích trên Biển Đông. Chẳng hạn, từ ngày 27 đến 30/01/2021, Trung Quốc đã tiến hành tập trận đổ bộ ở bán đảo Lôi Châu thuộc tỉnh Quảng Động, nằm ở khu vực phía Đông Vịnh Bắc Bộ. Ngày 01/02, luật Hải cảnh mới của Trung Quốc có hiệu lực, cho phép các tàu hải cảnh nước này bắn vào tàu nước ngoài trên các vùng biển mà họ tuyên bố là của Trung Quốc. Những động thái này của Trung Quốc đã được một số tổ chức chống đối tận dụng làm cơ hội để công kích Nhà nước Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam và Đại hội XIII.

Chẳng hạn, bút danh Trân Văn viết trên VOA rằng Trung Quốc dùng những động thái này để “dằn mặt” Việt Nam trong Đại hội XIII. Đáp lại, cả Nhà nước lẫn hệ thống truyền thông của Việt Nam đã im lặng, không có động thái đáp trả đích đáng nào, vì lãnh đạo còn đang lo chuyện chức tước trong Đại hội.

Đi xa hơn, đảng Việt Tân đã ra một tuyên bố, trong đó họ công kích rằng Đảng Cộng sản Việt Nam đã “nhu nhược”, khiến Trung Quốc “mỗi ngày một lộng hành trên các vùng biển của Việt Nam”. Trong tuyên bố này, họ cũng đòi Đại hội XIII “chính thức ra nghị quyết lên án Bắc Kinh về luật Hải cảnh và chính thức kiện Trung Quốc ra tòa quốc tế”. Rồi họ kêu gọi các đoàn thể “cùng sát cánh vận động các quốc gia tự do dân chủ trên thế giới lên án và đòi hỏi nhà cầm quyền Bắc Kinh phải thu hồi điều luật”:



Dù những thông điệp tuyên truyền vừa nêu nghe rất kêu, chúng phi lý trên ít nhất ba điểm:

Thứ nhất, thực ra trong suốt thời gian diễn ra Đại hội XIII, sự cảnh giác của Việt Nam với những diễn biến trên Biển Đông chỉ có tăng lên chứ không giảm đi. Ngay trước thềm Đại hội XIII, trong Hội nghị Quân Chính toàn quân hôm 07/12/2020, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã yêu cầu Quân uỷ Trung ương và toàn dân phải tập trung xử lý một số vấn đề biển, đảo, biên giới, các quan hệ quốc tế, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của tổ quốc. Ông Trọng cũng nói rằng tình hình an ninh chính trị thế giới, khu vực sẽ còn có những diễn biến phức tạp, khó khăn, do đó quân đội tuyệt đối không được chủ quan, thoả mãn, không được để xảy ra bị động, bất ngờ trong một năm có Đại hội Đảng và Bầu cử Quốc hội như 2021. Như vậy, trong mắt lãnh đạo Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam, vấn đề bảo vệ chủ quyền gắn liền với sự tồn vong của chế độ.

Về luật Hải cảnh của Trung Quốc, ngay từ ngày 29/01, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng đã trả lời báo chí rằng các nước trong khu vực có trách nhiệm tuân thủ pháp luật quốc tế trong ban hành và triển khai pháp luật quốc gia liên quan đến biển. Bà Hằng cũng tuyên bố rằng Việt Nam sẽ kiên quyết, kiên trì các biện pháp phù hợp với luật pháp quốc tế để bảo vệ các quyền hợp pháp trên Biển Đông.

Thứ hai, nỗ lực của Việt Nam để bảo vệ chủ quyền trên Biển Đông trong những năm gần đây đã đạt được kết quả đáng lạc quan. Chẳng hạn, Việt Nam đã kịp thời đáp lại các vụ xâm nhập của tàu Trung Quốc bằng cách đặt các dàn khoan dầu, và bằng cách xây thêm công trình ở những đảo nổi. Việt Nam cũng gia tăng hợp tác quốc phòng với Châu Âu thông qua việc ký kết Hiệp định FPA, và với Mỹ thông qua việc mua sắm khí tài và hợp tác đào tạo. Những phản ứng của Việt Nam được quốc tế đánh giá cao, và khiến quốc tế nhìn nhận Việt Nam như nước ASEAN có thái độ cứng rắn nhất với Trung Quốc trong thực tế.

Thứ ba, Việt Nam là một quốc gia độc lập, không có lý do gì khiến Đảng Cộng sản Việt Nam phải ngưng tiến hành Đại hội XIII chỉ vì Trung Quốc ra Luật Hải cảnh. Nếu guồng máy chính trị Việt Nam ngưng hoạt động mỗi lần nước ngoài có thái độ khiêu khích, thì chắc chắn cả nền độc lập của đất nước lẫn những sinh hoạt kinh tế, xã hội bình thường của người dân đều không thể duy trì được.

Sáu năm trước, các tổ chức chống đối từng đòi hỏi Nhà nước Việt Nam “chống Trung Quốc” bằng cách cầu viện Mỹ, và thực hiện những hành động mạnh bạo như Philippines. Thời gian đã cho thấy giữa gói giải pháp mạnh bạo của Philippines và gói giải pháp bền vững của Việt Nam, đâu là lựa chọn phù hợp nhất để vừa ngăn chặn một đối thủ mạnh như Trung Quốc trong dài hạn, vừa tránh việc lệ thuộc vào những cường quốc khác.

Không có nhận xét nào: