Có nên xem các quy định chống tin giả như một trở ngại cho tự do Internet ở Việt Nam?
Ngày 03/03/2021, tổ chức Freedom House đã công bố báo cáo Tự do trên Thế giới năm 2021, với kết luận rằng Việt Nam vẫn thuộc nhóm quốc gia không có quyền tự do. Cụ thể, Việt Nam được Freedom House chấm 19/100 điểm, giảm 1 điểm so với báo cáo năm trước. Số điểm cho các quyền tự do chính trị của Việt Nam là 3/40, trong khi số điểm cho các quyền tự do dân sự là 16/60. Báo cáo cũng nhìn nhận rằng hiện có ít hơn 1/5 tổng dân số thế giới được sống trong một đất nước “có đầy đủ các quyền tự do”, và rằng đây là năm thứ 15 liên tiếp mà “quyền tự do trên toàn cầu bị suy giảm”.
Qua cách nhìn nhận vấn đề đó, có thể thấy báo cáo của Freedom House được soạn dựa trên các tiêu chuẩn của mô hình chính trị đa đảng phương Tây, và được xất bản để cổ súy mô hình này. Tuy nhiên, ngay cả khi chọn bộ tiêu chuẩn này làm hệ quy chiếu, thì các báo cáo của Freedom House về Việt Nam vẫn chứa nhiều chi tiết đáng được xem là gây tranh cãi.
Có thể lấy một vài ví dụ từ báo cáo về tự do trên Internet tại Việt Nam. Ở mục C2, Freedom House đánh giá mức độ tự do trên Internet của một nước dựa trên việc nước đó có hay không các luật quy định hình phạt hình sự hoặc trách nhiệm dân sự đối với các hoạt động trực tuyến. Báo cáo gần nhất nhìn nhận rằng việc Việt Nam thông qua Nghị định 15/2020/NĐ-CP – trong đó quy định mức phạt tiền cho các hành vi như phổ biến thông tin sai lệch và gây hiểu lầm, xúc phạm danh dự cá nhân và tổ chức, làm tổn hại đến các giá trị đạo đức hoặc xã hội, và tiết lộ bí mật nhà nước… – là một căn cứ để hạ điểm tự do trên Internet của Việt Nam. Đây rõ ràng là một căn cứ lố bịch, không phù hợp với xã hội văn minh. Hành vi cố ý phổ biến thông tin sai sự thật, cùng hành vi xúc phạm danh dự cá nhân vốn dĩ không hề nằm trong phạm vi của quyền tự do ngôn luận, vì chúng xâm phạm đến các quyền hợp pháp của những người khác trong xã hội.
Qua việc Freedom House đưa cả các chi tiết này vào báo cáo về tự do trên Internet tại Việt Nam mà không ghi chú rằng chúng là những ngoại lệ, có thể thấy báo cáo của Freedom House là sản phẩm bóp méo những giá trị dân chủ, nhân quyền đích thực, nói cách khác, nó cổ súy cho sự giả dối, sai trái được “tự do” ngôn luận trên Internet, mạng xã hội.
Từ năm 2020 đến nay, các quy định chống thông tin sai lệch trong Nghị định 15/2020/NĐ-CP đã đóng góp rất tích cực vào việc ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 - vốn thường được thúc đẩy bởi các nhóm tung tin giả vì động cơ chính trị, tôn giáo hoặc thương mại.
Việt Nam không phải là nước đầu tiên thông qua quy định pháp luật xử lý tin giả. Chỉ cần google cụm từ “Anti-fakenews law” sẽ cho thấy hàng loạt các quốc gia đã thông qua và đưa luật này vào áp dụng như Đức, Pháp, Ai Cập, Singapore…Giới chuyên gia Việt Nam vừa qua tập trung bình luận nhiều về việc nên tham khảo Luật chống tin giả của Singapore để xây dựng và ban hành luật này cho Việt Nam. Sắp tới đây, chắc chắn sẽ có nhiều nước gia nhập đội ngũ luật hóa chống tin giả.
Trước diễn biến tin giả lộng hành phá hoại nỗ lực chống dịch bệnh, phá hoại bầu cử dân chủ, nhiễu loạn và băng hoại giá trị đạo đức, văn hóa tốt đẹp của nhân loại, có thể thấy Freedom House nên xem xét lại giá trị và mô hình tự do ngôn luận mà họ đang cổ súy để đừng đi ngược lại xu hướng tiến bộ của nhân loại.
Tham khảo
1. Luật chống tin giả của Đức http://www.bmjv.de/SharedDocs/Gesetzgebungsverfahren/Dokumente/NetzDG_engl.pdf?__blob=publicationFile&v=2
2. Pháp thông qua Luật chống tin giả: https://www.france24.com/en/20180204-rapid-response-central-french-anti-fake-news-law
3. Giới NGO nhân quyền lo ngại trước Luật chống tin giả của Singapore https://rsf.org/en/news/singapore-uses-anti-fake-news-law-eliminate-public-debate
4. Nga xét xử vụ án vi phạm Luật chống tin giả đầu tiên https://baotintuc.vn/the-gioi/nga-xet-xu-vu-an-dau-tien-theo-luat-chong-tin-gia-20190320184919790.htm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét