Chủ Nhật, 14 tháng 3, 2021

Hai nỗi ám ảnh lớn của ông Đinh La Thăng

 

Hai nỗi ám ảnh lớn của ông Đinh La Thăng


Hai lần nói lời sau cùng trong hai vụ án, ông Đinh La Thăng nhắc đến hai nỗi ám ảnh của mình, đó là trở thành người con bất hiếu và ma tù.

Ngày 24/3, tại phiên tòa xét xử bị cáo Đinh La Thăng và đồng phạm vụ làm mất 800 tỷ tiền vốn của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) tại Oceanbank, TAND TP Hà Nội đã cho các bị cáo nói lời sau cùng.

Ông Đinh La Thăng, nguyên Chủ tịch HĐQT PVN là người đầu tiên nói lời sau cùng. Ông nhắc đến bố mình và xin vong linh bố tha thứ.

"Đầu tiên, bị cáo xin cảm ơn hội đồng xét xử đã cho tôi cơ hội được nói lời sau cùng. Bị cáo cũng xin cảm ơn các vị đại diện VKS và cơ quan điều tra, các luật sư bào chữa cho bị cáo đã tận tâm chia sẻ với biến cố trong cuộc đời bị cáo.

Bị cáo cũng xin cúi đầu cảm ơn các cấp lãnh đạo ban ngành, đồng nghiệp, bạn bè, người thân đã đến thắp hương, chia buồn về sự ra đi của bố bị cáo.

Ông đã mất trong tâm trạng đau buồn u uất vì vụ án của bị cáo, của em ruột bị cáo. Nếu không có những vụ án như thế này, bố bị cáo đã không ra đi sớm như thế".

Gia đình bị cáo rơi vào tột cùng đau thương, mất mát. Bị cáo trở thành người con bất hiếu vì khi bố mình mất đã không được ở nhà để lo tang lễ và đưa ông về nơi an nghỉ cuối cùng. Điều này thật sự là nỗi ám ảnh, day dứt suốt cuộc đời còn lại của bị cáo trong tù".

Ông Thăng cũng nói, ngay trong đêm bố ông mất, ông bị ám ảnh, thấy bố cứ hiện về và hỏi "Thằng Thăng đâu?".

Ông Thăng nói khi đó, ông đã xin được về nhìn mặt bố lần cuối nhưng không được.

Hai noi am anh lon cua ong Dinh La Thang
Bị cáo Đinh La Thăng tự bào chữa tại tòa. Ảnh: TTXVN

Ông Thăng cho biết đã suy nghĩ rất nhiều về những năm tháng đã qua.

"Với sự quan tâm chỉ đạo, dìu dắt của các lãnh đạo, đồng nghiệp, bạn bè, người thân bị cáo đã thiệt thòi để bị cáo có thể hiến dâng cho tổ quốc ở những cương vị khác nhau. Bị cáo suy nghĩ rất nhiều về điều này.

Trong suốt thời gian làm ở PVN, không một lễ tết nào bị cáo được ở nhà, đều đi công trường, đôn đốc công việc. Hy vọng tết vừa rồi được ở nhà ăn tết với vợ con, gia đình thì lại bị vào tù, vô cùng đau xót.

Những phiên tòa như thế này, không chỉ là những năm tháng tù tội dài trước mắt, chắc chắn bị cáo không còn đủ thời gian để thực hiện hết các bản án. Bị cáo nghĩ rằng, nó còn là nỗi đau, niềm tin của lãnh đạo, người dân. Những lời xin lỗi của bị cáo dù xin lỗi ngàn lần cũng không thay đổi được sự thật.

Trong những đêm dài trằn trọc, thao thức không ngủ được trong phòng giam, bị cáo vẫn nhớ đến câu nói: "Trong đêm tối vẫn còn 1 vì sao chiếu sáng". Vì sao? Đó chính là sự hy vọng. Nếu không còn hy vọng thì cuộc đời không còn ý nghĩa gì nữa, có nên sống hay không?

Vì vậy bị cáo hy vọng, trước sự thật khách quan được làm rõ trong phiên tòa, căn cứ vào chủ trương cải cách tư pháp, xuất phát từ kết quả thẩm tra, đánh giá chứng cứ, để có phán quyết công tâm khách quan, nhân đạo, khoan hồng đối với bị cáo. Hãy đối xử với bị cáo như đối xử với một con người.

Trước ngày phiên tòa được mở cũng là 49 ngày bố bị cáo ra đi. Bị cáo không được thắp nén hương trước vong linh của ông. Trước mức án quá nặng nề, bị cáo không còn cơ hội nào nữa. Tôi thành tâm mong vong linh của bố tha lỗi cho tôi", ông Thăng nói.

Một nỗi ám ảnh khác của ông Đinh La Thăng, đó là ông sợ sẽ trở thành ma tù. Trong phiên tòa xét xử vụ án cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế và tham ô tài sản xảy ra ở PVN và Tổng công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) hồi tháng 1/2018, khi nói lời sau cùng, ông Đinh La Thăng đã nghẹn giọng khi nói về bản thân và gia đình.

Vào thời điểm ấy, ông Thăng mong muốn có được mức án nhân văn bởi sau vụ án đó ông còn tiếp tục đối mặt với vụ án đầu tư góp vốn 800 tỷ đồng vào Oceanbank.

"Nếu bị xét xử trong hai vụ án, bị cáo không biết còn sống để đủ thời gian thụ án không", ông Đinh La Thăng nói và cho hay từ năm 2006 đến nay thường xuyên phải uống thuốc vì nhiều bệnh.

"Bị cáo chỉ mong được chết tại nhà, trong vòng tay người thân, gia đình, bạn bè; được thành con ma tự do, không phải con ma tù. Bị cáo xin lỗi Đảng, nhân dân, xin lỗi các thế hệ cán bộ công nhân ngành dầu khí, ảnh hưởng tới truyền thống ngành vì những sai phạm của mình", ông Thăng bày tỏ.

Trong vụ án cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế và tham ô tài sản xảy ra ở PVN và PVC, tòa đã tuyên phạt ông Đinh La Thăng 13 năm tù.

Trong vụ cố ý làm trái khiến PVN mất 800 tỷ đồng góp vốn vào OceanBank, ông Đinh La Thăng tiếp tục bị đề nghị 18-19 năm tù.

Minh Thái

Không có nhận xét nào: