VỤ ÁN ĐỒNG TÂM – CÔNG LÝ ĐÃ ĐƯỢC THỰC THI
Một năm sau vụ án “giết người” và “chống người thi hành công vụ” xảy ra ngày 9/1/2020 tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức (Hà Nội), ngày 9/3/2021 vừa qua Tòa án nhân dân Cấp cao tại Hà Nội đã tuyên án phúc thẩm đối với 6 bị cáo có đơn kháng cáo.
(Các bị cáo trong vụ án Đồng Tâm tại Tòa)
Trước đó, tại Bản án hình sự sơ thẩm số 355 ngày 14/9/2020, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội quyết định xử phạt tử hình đối với các bị cáo Lê Đình Công, Lê Đình Chức; xử phạt chung thân đối với bị cáo Lê Đình Doanh; xử phạt bị cáo Bùi Viết Hiểu 16 năm tù; xử phạt bị cáo Nguyễn Quốc Tiến 13 năm tù; xử phạt bị cáo Nguyễn Văn Tuyển 12 năm tù, đều về tội “Giết người”.
Đây là một vụ án đặc biệt nghiêm trọng, hành vi của các bị cáo là đặc biệt nguy hiểm, hậu quả đã khiến 3 chiến sĩ công an đang làm nhiệm vụ hy sinh. Hội đồng phúc thẩm khẳng định bản án sơ thẩm là hoàn toàn có căn cứ, đúng quy định pháp luật và đã tuyên y án của phiên toàn sơ thẩm.
Tại phiên phúc thẩm, Tòa án nhân dân Cấp cao Hà Nội tuyên phạt:
- Y án sơ thẩm tử hình đối với các bị cáo Lê Đình Công, Lê Đình Chức;
- Y án chung thân đối với bị cáo Lê Đình Doanh
- Y án 16 năm tù với Bị cáo Bùi Viết Hiểu;
- Y án 13 năm tù với bị cáo Nguyễn Quốc Tiến.
Như vậy, với những bản án đúng người đúng tội đã khép lại một vụ việc kéo dài trong 7 năm qua, kể từ năm 2013 tại thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội.
Những bản án này là sự răn đe đối với những đối tượng đang có ý định coi thường kỷ cương, phép nước, chống người thi hành công vụ. Đồng thời, cũng giáng một đòn đau cho các cá nhân, tổ chức phản động lưu vong như tổ chức khủng bố "Việt Tân", "Triều Đại Việt", "Chính phủ Việt Nam lâm thời" khi phá tan âm mưu của chúng trong lợi dụng vụ việc Đồng Tâm để tuyên truyền, kích động chống chính quyền.
Đằng sau những bản án của công lý trong vụ việc ở Đồng Tâm, cũng để lại nhiều bài học cảnh tỉnh đáng suy ngẫm:
Một là, mỗi người dân cần phải tuân thủ luật pháp, mọi vấn đề khiếu kiện nên có đơn trình các cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết. Tránh tình trạng thành lập những tổ nhóm gây mất an ninh trật tự, hoặc tụ tập đông người để gây xung đột, chống lại người thi hành công vụ.
Hai là, người dân cũng cần hết sức cảnh giác với âm mưu lợi dụng vụ việc liên quan đến đất đai để tuyên truyền, kích động chống đối của các đối tượng tổ chức phản động lưu vong. Chúng thường lợi dụng tâm lý mất bình tĩnh của người dân và sử dụng tin sai sự thật cũng như tài trợ về tiền để cổ súy cho những hoạt động chống đối. Thực chất đằng sau đó các đối tượng này muốn thực hiện âm mưu kích động chống phá Đảng và Nhà nước.
Ba là, chính quyền địa phương và các cấp cũng cần ra tăng công tác tuyên truyền về đường lối, chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, các quy định đối với vấn đề đất đai, đặc biệt là đất quốc phòng. Để từ đó, người dân hiểu đúng, ủng hộ cho chính quyền và không tiếp nhận những thông tin thiếu chính xác từ các thế lực chống phá./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét