Thứ Ba, 22 tháng 6, 2021

THẤY GÌ SAU KHI BIG C NGỪNG NHẬP HÀNG DỆT MAY VIỆT NAM

 

THẤY GÌ SAU KHI BIG C NGỪNG NHẬP HÀNG DỆT MAY VIỆT NAM

Đã có rất nhiều động thái đến từ các bên liên quan đến vụ việc Tập đoàn Central Group của Thái Lan, đơn vị sở hữu chuỗi siêu thị BigC tại Việt Nam sẽ tạm dừng mua sản phẩm may mặc từ các nhà cung cấp tại Việt Nam từ ngày 02/7/2019. Dưới đây là những vấn đề rút ra sau thông báo bất ngờ này đến từ phía chuỗi siêu thị BigC Việt Nam.
Sự thay đổi trong chiến lược kinh doanh của các doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam
Về bản chất, cuộc chơi đầu tư của các doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam hiện nay được thực hiện với một kịch bản tương đối giống nhau. Đó là doanh nghiệp nước ngoài phải cam kết cộng tác với các doanh nghiệp trong nước với mức độ tăng dần theo từng giai đoạn hợp tác. Đổi lại đó là những ưu đãi về thuế và những điều kiện thuận lợi khác về chính sách kinh tế dành cho doanh nghiệp nước ngoài. Tuy nhiên, mục đích sau cùng của tất cả các bên liên quan vẫn là lợi ích kinh tế mang lại. Do đó, việc các doanh nghiệp nước ngoài ngày càng siết chặt các quy định về quản lý cũng như nâng cao những tiêu chí đánh giá chất lượng sản phẩm đầu vào là hoàn toàn hợp lý trong bối cảnh môi trường cạnh tranh tại Việt Nam ngày càng trở nên khốc liệt với sự tham gia ngày một tăng của các doanh nghiệp nước ngoài.
"Chúng tôi đang phát triển mô hình mới cho tất cả đơn vị kinh doanh. Mỗi mô hình sẽ có một hình ảnh với tiêu chuẩn chất lượng riêng nhằm mang đến trải nghiệm mua sắm tốt hơn cho khách hàng", ông Pradeep Gupta - Giám đốc ngành hàng may mặc của Big C Việt Nam trần tình sau tuyên bố bất ngờ ngày 02/7/2019.
Theo đó, Big C đang tiến hành đánh giá lại khoảng 200 nhà cung cấp hàng may mặc. Việc đánh giá sẽ do một đơn vị độc lập tiến hành để đảm bảo tính khách quan và minh bạch. Tiêu chí đánh giá được hệ thống này đề cao là chất lượng nguyên phụ liệu đầu vào và thành phẩm, quy mô sản xuất, tiêu chuẩn đóng gói và các yêu cầu pháp lý liên quan.
Như vậy, có thể thấy rằng, Central group nói chung và BigC Việt Nam nói riêng đang thể hiện rất rõ sự thay đổi trong chiến lược kinh doanh tại thị trường Việt Nam với những động thái hướng tới việc sàng lọc, đánh giá, lựa chọn những nhà cung cấp hiện có đáp ứng được những tiêu chuẩn ngày một khắt khe để chuẩn bị cho giai đoạn tiếp theo.
Doanh nghiệp Việt vẫn chưa đứng vững trên chính "sân nhà"
Không phải đến khi tuyên bố của BigC được đưa ra, câu chuyện năng lực của các doanh nghiệp Việt mới được nhắc đến. Một thực tế chứng minh, phần lớn bức tranh doanh nghiệp Việt Nam được xây dựng từ nền tảng những công ty nhỏ, lẻ với sức sản xuất, năng lực cạnh tranh được xếp ở mức trung bình. Do đó, khi những đối tác lớn có sự thay đổi về chính sách kinh doanh, những doanh nghiệp này đa phần chỉ biết "chịu trận" mà khó có thể đưa ra những hành động để thích ứng với môi trường kinh doanh mới.
Thực tế trong thông báo của mình, việc ngừng nhập hàng dệt may của Big C được áp dụng đối với một số nhà cung cấp nhỏ lẻ tại Việt Nam. BigC không hoàn toàn dừng hoạt động thu mua các sản phẩm may mặc từ tất cả các nhà cung cấp ngành hàng may mặc tại Việt Nam. Đây được coi là một phép lọc với những tiêu chí "mới" đối với doanh nghiệp Việt để từng bước loại bỏ những cái tên đuối thế trong cuộc chơi của những tập đoàn nước ngoài. Tuy nhiên, những nhà cung cấp đến từ Việt Nam lại khó có thể đáp ứng được những tiêu chí này. Điều đó đã chứng minh chỗ đứng của doanh nghiệp Việt tại chính "sân nhà" vẫn đang rất lung lay.
Ảnh: Doanh nghiệp Việt phản đối thông báo mới nhất của Central Group
Vụ việc đã được dự báo từ trước
Việc siết chặt đầu vào chất lượng, nâng mức chiết khấu hiện có là một trong những chiêu bài đã từng được các doanh nghiệp nước ngoài áp dụng đối với ngành thủy sản của Việt Nam khiến cho những nhà cung cấp nhỏ lẻ không thể chen chân vào chuỗi siêu thị và Big C hiện đang đi theo đúng kịch bản đó.
Trong suốt quá trình hoạt động của mình tại thị trường Việt Nam, Central Group đã không ít lần lật kèo đối với doanh nghiệp Việt Nam. Chỉ ít lâu sau khi mua lại BigC, Central Group đã âm thầm đưa các sản phẩm "Made in Thailand" độc chiếm những vị trí đẹp nhất, dần dần chiếm lĩnh thị phần cung cấp hàng hóa trong chuỗi siêu thị lớn nhất Việt Nam. Bên cạnh việc sở hữu thương hiệu BigC, tập đoàn này còn là cổ đông lớn nắm giữ tới 49% cổ phần của hệ thống siêu thị điện máy Nguyễn Kim. Theo đó, thương hiệu điện máy thế giới di động đã từng buộc phải rời 22 cửa hàng hệ thống của BigC trên toàn quốc vì bán những mặt hàng giống với Nguyễn Kim.
Như vậy, có thể thấy rằng, mặc dù tuyên bố của BigC được đưa ra có phần đột xuất nhưng không hề bất ngờ trong bối cảnh doanh nghiệp Việt vẫn đang mắc phải một số căn bệnh cố hữu như: sức sản xuất, năng lực cạnh tranh thấp, quy mô hoạt động nhỏ và sự phụ thuộc vào các đối tác nước ngoài rất lớn. Doanh nghiệp Việt không còn con đường nào khác phải cải tiến chất lượng sản phẩm, nâng cao khả năng cạnh tranh mới có thể tồn tại trong cuộc chơi với các doanh nghiệp nước ngoài.

Không có nhận xét nào: