Hà Nội góc cảnh báo: Nếu chủ quan, lơ là mọi nỗ lực chống dịch sẽ đổ xuống sông xuống biển
Nhìn những hình ảnh người dân Hà Nội tràn ra đường đi chơi Trung thu đêm ngày 21/9 (ngày Rằm Trung thu), trong đó nhiều gia đình đưa cả trẻ em đi cùng trong bối cảnh thành phố Hà Nội vẫn đang thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ khiến nhiều người không khỏi giật mình.
Người dân Hà Nội đổ ra đường đi chơi Trung thu trong bối cảnh Thành phố vẫn đang giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ |
Đêm ngày 21/9, sau tròn 2 tháng thực hiện giãn cách xã hội ở mức cao nhất theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ để phòng, chống dịch COVID-19, Hà Nội đã chuyển sang giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ. Trong bối cảnh, nguy cơ bùng phát dịch bệnh ở Hà Nội đang ở mức cao, rất nhiều thành quả chống dịch đã đạt được trong 2 tháng qua đứng trước nguy cơ đổ vỡ khi hàng ngàn người dân thủ đô tràn ra đường đi chơi Trung thu khiến cho nhiều tuyến phố trung tâm ở Thành phố chật kín người.
Chứng kiến những hình ảnh này nhiều người không khỏi giật mình. Tại sao Hà Nội đang giãn cách xã hội mà người dân ra đường đông vậy? Người dân Hà Nội không sợ bài học từ Thành phố Hồ Chí Minh? Phải chăng người Hà Nội đã xuất hiện tư tưởng chủ quan, lơ là trong phòng, chống dịch? Người Hà Nội đang không sợ chết…? Đó là những câu hỏi đang được rất nhiều người đặt ra.
Trước tình trạng người dân đổ ra đường đông nghẹt trong đêm Trung thu, trưa nay (22/9), Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cho rằng, sự việc trên đã thể hiện sự chủ quan và không thực hiện đúng các quy định về phòng, chống dịch. Ông Phong lo ngại, trước sự việc trên và hiện nay nhiều người dân "đã bắt đầu có tư tưởng lơ là phòng dịch", thì thành quả chống dịch trong 2 tháng qua của thành phố Hà Nội đang bị 'thách thức rất lớn'.
Nhiều trẻ em được cha mẹ cho ra đường giữa lúc dịch bệnh vẫn rất phức tạp |
Ông Phong đưa ra cảnh báo: "Tôi mong rằng mọi người dân đang sinh sống trên địa bàn thủ đô hãy rút kinh nghiệm, tự giác chấp hành nghiêm túc các quy định phòng chống dịch, nhất là thường xuyên theo dõi sức khỏe và khai báo y tế. Đừng để thành quả bước đầu đạt được, công sức của chúng ta uổng phí vì sự chủ quan".
Nhiều chuyên gia cũng bày tỏ sự lo ngại trước việc người dân đổ ra đường trong đêm Trung thu sẽ làm đổ vỡ nỗ lực chống dịch của Thành phố trong 2 tháng qua, đồng thời đưa ra cảnh báo nếu để dịch bùng phát có thể phải giãn cách lại từ đầu.
PGS.TS Nguyễn Huy Nga - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cảnh báo: "Nguy cơ bùng phát dịch sau vụ việc người dân đổ ra đường trong đêm Trung thu rất lớn, bởi vì rất nhiều người chưa được tiêm vắc xin, đặc biệt là trẻ em. Như vậy, việc phát tán, lây lan dịch trong cộng đồng từ sự việc kia là rất lớn, có thể gây ra những chuỗi lây nhiễm mới".
PGS.TS Trần Đắc Phu - nguyên cục trưởng Cục Y tế dự phòng, cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng - cho biết việc người dân đổ ra đường trong đêm Trung thu quá đông là sự việc, hình ảnh rất buồn, trái ngược hoàn toàn với chỉ đạo từ TP là cấm tụ tập đông người nơi công cộng.
PGS.TS Trần Đắc Phu nói: "Kể cả khi Thành phố trở về được trạng thái bình thường mới rồi cũng không thể nói chúng ta hết nguy cơ. Trong biển người hôm qua chỉ cần có một trường hợp F0 thì rất khó truy vết, vì không ai biết ai lây cho ai, lây theo hình thức nào, rất nguy hiểm".
Bác sĩ, thầy thuốc nhân dân Trần Sĩ Tuấn cho rằng, Hà Nội áp dụng Chỉ thị 15 là một bước nới lỏng song "không có nghĩa là ai cũng được ra đường". Quy định tại Chỉ thị 15 cũng như văn bản điều chỉnh biện pháp chống dịch của Hà Nội đã nêu rõ các cơ sở kinh doanh, dịch vụ được mở lại, đồng thời đề nghị người dân thực hiện nghiêm 5K; không được chủ quan trong khi thành phố dần nới lỏng các hoạt động để phục hồi sản xuất, kinh doanh.
Thành phố Hà Nội đã đạt được rất nhiều thành quả sau 2 tháng thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Tình hình dịch bệnh về cơ bản đã được kiểm soát, số ca nhiễm, nhất là ca nhiễm trong cộng đồng giảm. Tuy nhiên, mọi thành quả trên có thể đổ xuống sông xuống biển nếu người dân chúng ta chủ quan, lơ là, mất cảnh giác.
Nếu dịch bùng phát trở lại, Hà Nội sẽ phải giãn cách lại từ đầu. Khi đó mọi khó khăn sẽ là rất lớn. Bởi vậy, hy vọng mỗi người dân thủ đô hãy xem sự việc tối ngày 21/9 là lời cảnh tỉnh để tuân thủ nghiêm túc các quy định trong phòng, chống dịch, để chúng ta chung sống an toàn với dịch bệnh trong điều kiện bình thường mới, để mọi nỗ lực của Chính phủ, chính quyền Thành phố, của nhân dân Thủ đô không bị lãng phí vô ích.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét