NỰC CƯỜI VỀ CÁI GỌI LÀ LUẬT AN TOÀN GIAO THÔNG HÀNG HẢI MỚI CỦA TRUNG QUỐC
Cuối tháng 8 vừa qua, Trung Quốc vừa thông qua đạo luật mới mang tên “Luật an toàn giao thông hàng hải sửa đổi” điều chỉnh các hoạt động giao thông hàng hải của quốc gia này, tuy nhiên trong đó lại có nhiều điều luật không phù hợp với Luật biển quốc tế năm 1982, thể hiện rõ quan điểm bành trướng chủ quyền trên biển của Trung Quốc.
Trong Luật an toàn giao thông hàng hải sửa đổi, Trung Quốc cố tình giải thích và áp dụng sai UNCLOS 1982 về hai vấn đề là “vùng lãnh hải” và “quyền đi lại vô hại” trong vùng lãnh hải. Hai vấn đề này sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ chủ trương, chính sách về giao thông hàng hải của mỗi quốc gia trên thế giới bởi đó là phạm vi hoạt động của các phương tiện cũng như hiệu lực của đạo luật này, tác động đến quyền lợi chung của các quốc gia khi thực thi UNCLOS 1982.
Đầu tiên phải kể đến quan điểm “vùng lãnh hải” mà Trung Quốc áp dụng trong Luật an toàn giao thông hàng hải. Luật của Trung Quốc đã đưa vào quy định “bất kỳ tàu nào được cho là đe dọa an toàn giao thông hàng hải Trung Quốc phải khai báo thông tin khi tiến vào “vùng lãnh hải”. Bất cứ quốc gia, tổ chức hay cá nhân nào từng nghiên cứu vấn đề Trung Quốc đều hiểu rõ sự suy diễn lệch lạc của quốc gia này về chủ quyền trên biển. “Vùng lãnh hải” mà Trung Quốc cố ý giải thích đó là “đường lưỡi bò 9 đoạn” liếm trọn biển Đông. Do đó, quy định này của Trung Quốc chẳng khác nào bày tỏ thái độ là bất cứ tàu (tàu dân sự hay tàu quân sự) mà đi qua biển Đông đều phải xin phép Trung Quốc. Tất nhiên là chẳng quốc gia nào trên thế giới “ngửi” nổi quy định rất chi là “thổ phỉ” này.
Tiếp theo là vấn đề quyền đi lại vô hại trong vùng lãnh hải. Luật an toàn giao thông hàng hải mới của Trung Quốc quy định cho 5 loại tàu khi đi vào “vùng lãnh hải” của Trung Quốc phải khai báo gồm: (i) tàu ngầm; (ii) tàu chạy bằng năng lượng hạt nhân; (iii) tàu chở vật liệu phóng xạ; (iv) tàu chở chất độc hại như dầu hỏa, hóa chất hoặc khí hóa lỏng và (v) các tàu khác “có thể gây nguy hiểm cho an toàn giao thông hàng hải Trung Quốc” phải khai báo chi tiết mọi thông tin liên quan đến các con tàu đó như về danh tính, số IMO, vị trí tàu, địa điểm và ngày giờ khởi hành, địa điểm sắp đến tiếp theo và ngày giờ dự kiến đến, số điện thoại vệ tinh, tên hàng hóa nguy hiểm và số lượng cụ thể. Quy định này chẳng khác nào trở mặt với Luật biển qucs tế bởi UNCLOS 1982 không hề yêu cầu vấn đề này. Thậm chí các tàu bị xác định có thể gây nguy hiểm cho an toàn giao thông hàng hải Trung Quốc cũng phải khai báo, trong khi việc xác định này thì chẳng cần căn cứ gì bởi cứ thích là đưa vào danh sách để yêu cầu thôi.
Luật an toàn giao thông hàng hải sửa đổi của Trung Quốc không chỉ vi phạm chủ quyền của các quốc gia ven biển, mà còn ảnh hưởng tới khoảng 1/3 hàng hóa thế giới đi qua Biển Đông. Vấn đề tự do hàng hải mà thế giới đang cố gắng duy trì sẽ bị đạo luật này của Trung Quốc làm ảnh hưởng không nhỏ.
Mặc dù việc ban hành Luật là công việc nội bộ của mỗi quốc gia nhưng nếu đạo luật được ban hành lại không phù hợp với pháp luật quốc tế thì cần được điều chỉnh. Một số nội dung trong Luật an toàn giao thông hàng hải sửa đổi của Trung Quốc trắng trợn đi ngược với quy định của Luật biển quốc tế năm 1982, nếu được thi hành sẽ tác động rất lớn đến an ninh, an toàn trên biển Đông, hạn chế tự do hàng hải, tạo tiền đề xấu về các vấn đề trên biển trong thời gian tới.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét