HÀ NỘI: BÀI HỌC DỰA VÀO DÂN ĐỂ CHỐNG DỊCH, PHỤC HỒI PHÁT TRIỂN KINH TẾ
Hà Nội đang trong những ngày tháng rất đặc biệt để chào đón 67 năm ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2021), đó là khi Hà Nội vừa kết thúc giãn cách xã hội theo tinh thần chỉ thị 16 để dần nới lỏng, thận trọng từng bước đưa cuộc sống trở về trạng thái bình thường mới. Ở thời điểm này, bảo vệ vững chắc những thành quả của công tác chống dịch vẫn là ưu tiên hàng đầu.
Có thể nói rằng những quyết sách của Trung ương, chính quyền Thành phố trong thời gian qua đã đạt được những thành quả quan trọng, điều đó thể hiện qua sự phấn khởi, tin tưởng của người dân Thủ đô, sự chung sức đồng lòng cùng nhau chống dịch và đến nay là niềm vui khi cuộc sống đang dần trở về trạng thái bình thường, người dân vừa tiếp tục chung tay chống dịch, vừa quyết tâm lao động, sản xuất, phát triển kinh tế xã hội.
Có được kết quả ngày hôm nay là nhờ những nỗ lực của cả hệ thống chính trị và người dân Thủ đô luôn ủng hộ, đoàn kết. Trong các đợt dịch COVID-19 xâm nhập vào địa bàn Thủ đô từ năm 2020 đến nay, đặc biệt là trong đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021), tinh thần chỉ đạo xuyên suốt của Thường trực Thành uỷ, UBND TP. Hà Nội là xác định công tác phòng, chống dịch COVID-19 là nhiệm vụ trên hết và trước hết; giữ vững an toàn cho Thủ đô, bảo vệ tính mạng và sức khỏe của người dân là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu.
Trong đợt bùng phát dịch Covid-19 là thứ tư từ cuối tháng 4, có thể nói Hà Nội đã rất chủ động, dự báo tình hình và chuẩn bị những biện pháp quyết liệt ngay từ đầu. Khi tình hình dịch có chiều hướng xấu từ tháng 7, Thành phố đã chủ động áp dụng biện pháp giãn cách xã hội từ 24/7. Sau đó đã trải qua 4 đợt giãn cách và cùng với đó đẩy mạnh các biện pháp xét nghiệm diện rộng kết hợp tiêm chủng vaccine. Từ ngày 21/9. Thủ đô cơ bản đã kiểm soát được dịch bệnh và từng bước nới lỏng giãn cách.
Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng, kinh nghiệm của Hà Nội chính là bài học về huy động sức dân. Cấp uỷ, chính quyền từ thành phố xuống cơ sở phải lấy sự gương mẫu, tận tụy của cán bộ, đảng viên để lan tỏa, coi tổ COVID-19 cộng đồng làm nòng cốt, chọn những người có uy tín trong cộng đồng làm trung tâm để quy tụ và phát huy vai trò của nhân dân trong chống dịch. Nhờ đó, người dân không chỉ phát huy tinh thần tự giác thực hiện mà còn trực tiếp tổ chức, tham gia giám sát phòng, chống dịch, thiết lập hàng trăm tổ tự quản, bảo vệ “vùng xanh”, tham gia vào hơn 4.500 tổ COVID-19 cộng đồng, tham gia trực, quản lý hàng nghìn chốt kiểm soát dịch ở địa bàn dân cư.
Người dân thực sự là chủ thể, là trung tâm của công tác phòng, chống dịch tại Thủ đô. Bên cạnh vai trò nòng cốt là lực lượng tuyến đầu, việc Thành phố có thể nới lỏng các hoạt động như hiện nay chính là thành quả, là công sức đóng góp của nhân dân.
Thời gian này, tiêu chí về an toàn phòng chống dịch vẫn là tiêu chí cao nhất khi các mối nguy cơ bùng phát dịch vẫn tiềm ẩn trong cộng đồng. Để thiết lập trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh để phục hồi, phát triển kinh tế, Hà Nội vẫn rất cần sự chung sức, đồng lòng của người dân, của cơ quan, doanh nghiệp, tuyêt đối không thể chủ quan, lơ là, mất cảnh giác./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét