Luật pháp Việt Nam có hạn chế tự do tôn giáo?
Những năm qua, do cách nhìn thiên lệch, thiếu thiện chí nên trong các báo cáo của Ủy ban Tự do tôn giáo quốc tế Hoa Kỳ cũng như hàng loạt báo cáo mang danh nghĩa “bảo vệ nhân quyền” của một số chính phủ phương Tây, tổ chức NGONN đang được các trang mạng, cá nhân chống phá Nhà nước tung hô như là “tiêu chí đánh giá” thực trạng tự do tôn giáo, nhân quyền Việt Nam, tập trung xoáy vào một số nội dung kiểu như: Ở Việt Nam chưa có tự do tôn giáo thật sự, vấn đề tự do tôn giáo ở Việt Nam chưa đạt được quy định của Công ước quốc tế; luật pháp Việt Nam có nhiều điều luật quy định “không rõ ràng” để kiểm soát, hạn chế tự do tôn giáo, sử dụng điều khoản về an ninh quốc gia với các “tội danh mơ hồ” để “đàn áp, hạn chế” tự do tôn giáo; các tôn giáo ở Việt Nam bị buộc im tiếng hay biến thành công cụ của Nhà nước; Nhà nước Việt Nam gây khó khăn cho việc đăng ký và công nhận tổ chức tôn giáo, đặc biệt với các nhóm tôn giáo ở vùng sâu, vùng xa, vùng các dân tộc thiểu số; chính sách nghĩa vụ quân sự của Nhà nước Việt Nam cản trở quyền tu học của thanh niên Khmer; các nhân vật đấu tranh cho tự do tôn giáo luôn bị nhà nước gây khó khăn trong hoạt động, bị hạn chế đi lại; ở Việt Nam có các “tù nhân lương tâm”, “tù nhân tôn giáo”, .v.v..
Những nhận định trên hoàn toàn mang tính bịa đặt, bóp méo sự thật và xuyên tạc chính sách tự do tôn giáo ở Việt Nam. Trên thực tế, Nhà nước Việt Nam đã tham gia ký kết nhiều văn kiện quốc tế liên quan đến quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo và đã không ngừng nỗ lực bảo đảm quyền tự to tín ngưỡng, tôn giáo cho người dân.
LUẬT PHÁP VIỆT NAM ĐANG ĐẢM BẢO QUYỀN TỰ DO TÍN NGƯỠNG-TÔN GIÁO
Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam được ghi nhận tại Điều 24 Hiến pháp năm 2013: “Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tôn giáo để vi phạm pháp luật”. Nội dung hiến định này của Việt Nam hoàn toàn tương thích với luật pháp quốc tế(2).
Một số nguyên tắc, chuẩn mực cơ bản về bảo vệ, đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và tự do không tín ngưỡng, tôn giáo đã được ghi nhận trong các luật và bộ luật quan trọng của Việt Nam như: Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 (Điều 9); Bộ luật Hình sự năm 2015 (Điều 116), Luật Giáo dục năm 2019 (Điều 13, 20); Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015 (Điều 17); Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016, v.v..
Theo đó, luật pháp Việt Nam có quy định rất rõ ràng về quyền và đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và tự do không tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người dân. Luật Tín ngưỡng, tôn giáo quy định rõ quyền tự do tin hoặc không tin theo tôn giáo, tự do bày tỏ niềm tin, thực hành nghi lễ tín ngưỡng, tôn giáo, tham gia lễ hội, học tập và thực hành giáo lý, giáo luật tôn giáo của mọi người; quyền của tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc; quyền tự do tôn giáo của người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam.
Trong thực tiễn, Nhà nước Việt Nam cũng đã và đang nỗ lực để đảm bảo quyền tự do tôn giáo của người dân. Tín đồ các tôn giáo ở Việt Nam hiện nay đều được thực hiện các sinh hoạt tôn giáo bình thường tại gia đình và các cơ sở tôn giáo hoặc các địa điểm hợp pháp khác theo nghi lễ truyền thống của tôn giáo mình. Các cá nhân và tổ chức tôn giáo được Nhà nước tạo thuận lợi và đảm bảo điều kiện sinh hoạt tôn giáo bình thường theo quy định của pháp luật như: tạo điều kiện cho các tôn giáo hoàn thiện cơ cấu tổ chức giáo hội; tạo điều kiện về cơ sở thờ tự và sinh hoạt tôn giáo, về kinh sách phục vụ cho việc tu học và hành đạo, về đào tạo, bồi dưỡng chức sắc, người hướng dẫn việc đạo, về mở rộng các mối quan hệ quốc tế, .v.v..
Đến năm 2018, Nhà nước Việt Nam đã công nhận và cấp đăng ký hoạt động cho 41 tổ chức thuộc 16 tôn giáo với 26.689.748 tín đồ, trong đó có 57.716 chức sắc, 130.167 chức việc; các tôn giáo ở Việt Nam có 29.854 cơ sở thờ tự(3) và hơn 60 cơ sở đào tạo, trong đó có 17 trường đào tạo trình độ đại học(4).
Mỗi năm, ở Việt Nam có hàng trăm đầu sách và các ấn phẩm tôn giáo, với hàng triệu bản in được xuất bản phục vụ nhu cầu học tập và tìm hiểu của người dân. Chỉ riêng hai tôn giáo là Công giáo và đạo Tin lành, trong năm 2020 đã xuất bản hơn 1 triệu bản Kinh Thánh. Hiện nay, các tổ chức tôn giáo ở Việt Nam có 15 tờ báo và tạp chí; hầu hết các tổ chức tôn giáo đều có các trang thông tin điện tử.
Từ năm 2003 đến năm 2017, có 9.343 cơ sở thờ tự của tôn giáo ở Việt Nam được phục hồi và xây mới(5) đến năm 2020, hầu hết cơ sở thờ tự của các tôn giáo đã được trùng tu, sửa chữa, trong đó có khoảng 1/3 cơ sở được tu sửa ở quy mô lớn.
Thời gian gần đây, Nhà nước đã tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo ở Việt Nam đăng cai tổ chức nhiều hoạt động tôn giáo quy mô lớn, mang tầm khu vực và quốc tế, diễn ra trong thời gian dài, như: Công giáo với Lễ Năm thánh 2010 và Hội nghị Liên Hội đồng Giám mục Á châu năm 2012; Phật giáo với Đại lễ Phật đản Vesak các năm 2008, 2014, 2019; đạo Tin lành với Lễ kỷ niệm 500 năm Tin lành cải chính năm 2017 v.v..
QUẢN LÝ TÔN GIÁO BẰNG LUẬT PHÁP LÀ TIÊU CHÍ CHUNG CỦA CÁC NHÀ NƯỚC PHÁP
Với bất kỳ một quốc gia nào, việc đảm bảo ổn định an ninh, trật tự xã hội, đảm bảo chủ quyền quốc gia cũng luôn phải được đặt lên hàng đầu và quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo phải được đặt trong khuôn khổ pháp luật của nhà nước, phải luôn đi liền với nghĩa vụ bảo vệ quyền và lợi ích của quốc gia, dân tộc. Điều này cũng đã được đề cập đến trong Khoản 3 Điều 18 Công ước Quốc tế về các quyền dân sự và chính trị: “Quyền tự do bày tỏ tôn giáo hoặc tín ngưỡng chỉ có thể bị giới hạn bởi pháp luật và khi sự giới hạn đó là cần thiết để bảo vệ an ninh, trật tự công cộng, sức khỏe hoặc đạo đức xã hội, hoặc để bảo vệ các quyền và tự do cơ bản của người khác”.
Như vậy, Công ước Quốc tế đã khẳng định, quyền tự do tôn giáo trên phương diện pháp lý cũng như các quyền khác, đều bị giới hạn bởi khuôn khổ luật pháp. Do đó, ở mỗi quốc gia, quyền tự do tôn giáo sẽ có những giới hạn riêng. Chẳng hạn, Điều 25 Bộ luật Phân ly của Pháp quy định rõ: “Các cuộc họp để cử hành sự thờ phụng được tổ chức trong khuôn viên của một hiệp hội tôn giáo hoặc được tổ chức ở nơi công cộng phải chịu sự giám sát của chính quyền vì lợi ích của trật tự công cộng”. Tháng 3 năm 2004, Quốc hội Pháp đã thông qua đạo luật cấm học sinh các trường công lập mặc quần áo và mang các phù hiệu có “biểu hiện dễ thấy liên quan đến tôn giáo”; tháng 2/2021 Hạ viện Pháp thông qua dự luật chống “ly khai” nhằm ngăn ngừa các hoạt động lợi dụng tôn giáo để thực hiện mưu đồ chia rẽ, ly khai dân tộc.
Ở Hoa Kỳ, mặc dù không ban bố bất cứ luật hay pháp lệnh riêng nào về tôn giáo, nhưng tất cả các hoạt động tôn giáo đều phải chịu sự điều chỉnh bởi các quy định trong hệ thống luật dân sự. Mỹ không thiết lập bộ máy quản lý riêng về tôn giáo, việc quản lý hoạt động tôn giáo được thực hiện theo từng bang và là công việc của các cơ quan hành chính, nhưng các tổ chức tôn giáo muốn hoạt động đều phải đăng ký với chính quyền và phải đảm bảo những điều kiện nhất định theo quy định của luật pháp. Hoạt động của các tổ chức tôn giáo trên địa bàn phải tuân thủ luật pháp và được giám sát trực tiếp bởi các cơ quan của chính quyền bang. Ở Đức, giáo sĩ Công giáo khi nhậm chức phải tuyên thệ tôn trọng chính phủ hợp hiến, tôn trọng lợi ích của nước Đức, v.v..
Như vậy, rõ ràng quyền tự do tôn giáo là có giới hạn và tùy thuộc vào luật pháp của mỗi quốc gia. Do đó, không thể đem quan niệm về tự do tôn giáo ở một quốc gia áp dụng cho tất cả các quốc gia, không thể đem những giá trị và tiêu chuẩn về tự do tôn giáo ở quốc gia này để đánh giá quyền tự do tôn giáo ở một quốc gia khác.
Ở Việt Nam, Điều 5, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo đã quy định rõ những hành vi và những hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng bị nghiêm cấm gồm: “1. Phân biệt đối xử, kỳ thị vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo; 2. Ép buộc, mua chuộc hoặc cản trở người khác theo hoặc không theo tín ngưỡng, tôn giáo; 3. Xúc phạm tín ngưỡng, tôn giáo; 4. Hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo: a) Xâm phạm quốc phòng, an ninh, chủ quyền quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, môi trường; b) Xâm hại đạo đức xã hội; xâm phạm thân thể, sức khỏe, tính mạng, tài sản; xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác; c) Cản trở việc thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân; d) Chia rẽ dân tộc; chia rẽ tôn giáo; chia rẽ người theo tín ngưỡng, tôn giáo với người không theo tín ngưỡng, tôn giáo, giữa những người theo các tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau; 5. Lợi dụng hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo để trục lợi”.
Những quy định này nhằm đảm bảo trật tự, an ninh công cộng, đảm bảo các quyền cơ bản của con người cũng như quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và tự do không tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người dân, đảm bảo chủ quyền quốc gia, dân tộc. Điều luật này tuân thủ Điều 14 Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013(6) và cũng hoàn toàn phù hợp với Điều 18 Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét