Thứ Năm, 21 tháng 7, 2022

Công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã đạt được những kết quả to lớn

Sáng ngày 30/6, Ban Chấp hành Trung ương Đảng tổ chức hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012-2022 và đề ra nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới. Chủ trì hội nghị có các đồng chí: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng; Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc; Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng; Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc.

10 năm, kỷ luật 170 cán bộ diện Trung ương quản lý

Tại hội nghị Trung ương 5, khoá XI (tháng 5/2012) đã quyết định chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (Ban Chỉ đạo) trực thuộc Bộ Chính trị, do đồng chí Tổng Bí thư làm Trưởng ban, nhằm tạo bước chuyển mạnh mẽ, rõ rệt trong công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) trên phạm vi toàn quốc.

Sau 10 năm, nhất là từ nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng đến nay, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, toàn diện của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, của đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo; sự nỗ lực, cố gắng của các cấp, các ngành; sự đồng hành, hưởng ứng và tham gia tích cực của Nhân dân và báo chí, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTN,TC) có một bước tiến mạnh, đột phá, đạt nhiều kết quả rất quan trọng, góp phần quan trọng vào công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.


Theo đó, công tác PCTN trong 10 năm qua nổi bật trên 5 nhóm kết quả lớn. Đó là, công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, kết hợp giữa xử lý hành chính, xử lý kỷ luật của Đảng, của Nhà nước, của đoàn thể với xử lý hình sự; kỷ luật của Đảng được thực hiện trước, mở đường, tạo điều kiện cho kỷ luật của Nhà nước, kỷ luật của đoàn thể và xử lý hình sự, rất nghiêm khắc, nhưng cũng rất nhân văn, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai. Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế của Đảng, Nhà nước về xây dựng Đảng, quản lý kinh tế - xã hội và PCTN,TC được đẩy mạnh, từng bước hoàn thiện cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để “không thể tham nhũng, tiêu cực”. Công tác cán bộ được chú trọng, cải cách hành chính, công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình trong hoạt động công vụ và các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực đạt kết quả tích cực. Công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục về PCTN,TC được đổi mới, tăng cường, góp phần nâng cao nhận thức và tạo đồng thuận cao trong xã hội; vai trò của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội, Nhân dân và báo chí trong PCTN,TC được phát huy tốt hơn. Chú trọng kiện toàn tổ chức, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động và sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị chức năng PCTN,TC; đẩy mạnh hợp tác quốc tế về PCTN.

Đáng chú ý, thời gian qua, bước đột phá trong công tác PCTN được thể hiện thông qua công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, thanh tra, kiểm toán của Nhà nước được tăng cường, phát hiện và xử lý nghiêm minh các sai phạm, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng và hệ thống chính trị, góp phần đắc lực nâng cao hiệu quả công tác PCTN,TC.

Trong 10 năm qua, cấp uỷ, uỷ ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 2.700 tổ chức đảng, gần 168.000 đảng viên, trong đó có hơn 7.390 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng hoặc liên quan đến tham nhũng. Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương đã kỷ luật hơn 170 cán bộ diện Trung ương quản lý, trong đó có 33 Uỷ viên và nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng (3 Uỷ viên Bộ Chính trị và 1 nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị), hơn 50 sĩ quan cấp tướng. Riêng từ đầu Đại hội XIII của Đảng đến nay, đã kỷ luật 50 cán bộ diện Trung ương quản lý, trong đó có 8 Uỷ viên và nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, 20 sĩ quan cấp tướng.

Trong 10 năm qua, các cơ quan tiến hành tố tụng trong cả nước đã khởi tố, điều tra hơn 19.500 vụ án, gần 33.900 bị can về các tội tham nhũng, kinh tế, chức vụ; trong đó có gần 2.700 vụ án, hơn 5.800 bị can về tội tham nhũng. Riêng Ban Chỉ đạo Trung ương, từ khi thành lập đã đưa 977 vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm vào diện theo dõi, chỉ đạo ở 3 cấp độ, trong đó trực tiếp theo dõi, chỉ đạo 313 vụ án, vụ việc.

Những bài học kinh nghiệm quý báu

Từ thực tiễn công tác PCTN,TC thời gian qua, những bài học kinh nghiệm quý báu đã được đúc rút.

Đó là, đấu tranh PCTN,TC là nhiệm vụ hệ trọng, khó khăn, phức tạp, lâu dài; phải đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện, tập trung, thống nhất của Đảng, mà trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN,TC; với quyết tâm chính trị rất cao, hành động kiên quyết, kiên trì, thường xuyên, liên tục, không ngừng nghỉ ở tất cả các cấp, các ngành, các lĩnh vực; không có vùng cấm, không có ngoại lệ; nhất là sự gương mẫu, quyết liệt, nói đi đôi với làm và làm đi đôi với nói của đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, người đứng đầu và lãnh đạo chủ chốt của cấp uỷ, chính quyền, cơ quan, tổ chức, đơn vị. Đây chính là chỗ dựa vững chắc, sự đảm bảo về mặt chính trị, tạo nên động lực to lớn, và do đó, là nhân tố hàng đầu quyết định sự thành công trong PCTN,TC.

Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực có vai trò đóng góp quan trọng của Nhân dân. 

Thực tế thời gian qua cho thấy, đằng sau những vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực, nhất là các vụ án đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, kéo dài, đều có bóng dáng cán bộ, công chức làm ngơ, dung túng, tiếp tay, bao che, đồng phạm, thậm chí là chủ mưu. Do đó, phải đặc biệt chú trọng đến công tác cán bộ; gắn PCTN,TC với xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Phải kết hợp chặt chẽ, tích cực phòng ngừa với chủ động phát hiện, xử lý kịp thời, đồng bộ, nghiêm minh các hành vi tham nhũng, tiêu cực. Trong đó, phòng là chính; phát hiện, xử lý là quan trọng, cấp bách. Xây dựng cơ chế để “không thể, không dám, không muốn và không cần” tham nhũng, tiêu cực. Có cơ chế giám sát quyền lực. Phát huy sức mạnh của toàn hệ thống chính trị, toàn xã hội, nhất là vai trò, trách nhiệm của cơ quan và đại biểu dân cử, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội, Nhân dân, báo chí trong PCTN,TC. Mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế về công tác PCTN, triển khai có hiệu quả công tác PCTN,TC cả khu vực trong và ngoài nhà nước.

Phải quyết tâm, quyết liệt hơn nữa

Hội nghị thảo luận, lắng nghe các báo cáo tham luận về công tác PCTN,TC, đồng thời thống nhất đề ra 5 nhóm giải pháp để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác PCTN,TC trong thời gian tới. Đặc biệt, hội nghị vinh dự được lắng nghe những lời chỉ đạo quý báu, tâm huyết của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

Đồng chí Tổng Bí thư khẳng định, công tác PCTN,TC của đất nước ta thời gian tới không vì những kết quả đạt được mà chủ quan, đắn đo, chùng xuống, mà càng phải quyết tâm, quyết liệt hơn nữa, đạt được những kết quả quan trọng, thực chất hơn nữa; củng cố lòng tin, sự đồng thuận ủng hộ trong toàn Đảng, toàn hệ thống chính trị, toàn xã hội. Ý nghĩa của hội nghị không phải ở chỗ kỷ luật được bao nhiêu cán bộ, phát hiện được bao nhiêu sai phạm, khoe thành tích, mà cái gốc của vấn đề là để cán bộ, đảng viên, nhất là những người có chức vụ thấm thía về đạo đức, vinh dự của người làm cách mạng, không để mình bị tha hoá để xảy ra sai phạm, đi “ăn cắp” tài sản của Nhà nước, của Nhân dân.

Đánh giá về kết quả, thành công lớn trong công tác PCTN,TC của Đảng, Nhà nước ta trong 10 năm qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng đã góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển toàn diện đất nước, giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo an ninh quốc phòng, đập tan những luận điệu phản bác, xuyên tạc của các thế lực thù địch.

Đồng chí Tổng Bí thư nhấn mạnh: “Chưa bao giờ, công tác PCTN,TC của đất nước ta lại được triển khai quyết liệt, đồng bộ, bài bản, kết quả như trong thời gian 10 năm qua”. Chính công tác PCTN,TC đã xây dựng, củng cố lòng tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng.

Điểm qua một số hạn chế trong công tác PCTN,TC thời gian qua, đồng chí Tổng Bí thư lưu ý: “Tham nhũng vẫn là một trong những kẻ thù hung hiểm, đe doạ sự tồn vong của chế độ, đất nước”. Từ đó, đồng chí Tổng Bí thư gợi mở, đề ra những vấn đề cần tập trung thực hiện trong công tác PCTN,TC trong thời gian tới.

Trước hết cần nhận thức đầy đủ, sâu sắc, vị trí, ý nghĩa của công tác PCTN,TC, đặt công tác này dưới sự chỉ đạo trực tiếp, toàn diện, sâu sát của Đảng; phải biến quyết tâm chính trị này thành hành động thực tế trong toàn Đảng, toàn hệ thống chính trị. Nhất là việc kiểm soát quyền lực, bởi khiếm khuyết bẩm sinh của quyền lực chính là tham nhũng, tiêu cực.

PCTN,TC là chống “giặc nội xâm”, diễn ra từ sự suy thoái đạo đức, phẩm chất của cá nhân cán bộ, đảng viên. Đòi hỏi việc PCTN,TC phải tiến hành một cách kiên nhẫn, kiên trì, không ngừng nghỉ; tạo ra cơ chế để làm sao cán bộ, đảng viên “không dám, không thể, không muốn và không cần” tham nhũng. Phải làm đồng thời việc phòng, chống và xử lý; phòng là cơ bản, lâu dài; chống và xử lý sai phạm là đột phá, quan trọng. PCTN,TC từ cơ quan thực thi nhiệm vụ PCTN,TC. Không có ngoại lệ, không có vùng cấm, không có tác động vào việc xử lý sai phạm trong PCTN,TC. Khuyến khích, bảo vệ những cá nhân, tập thể, nhân tố có đóng góp vào công tác PCTN,TC.

Gắn công tác PCTN với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Phát huy vai trò của cơ quan, đại biểu dân cử, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội, của Nhân dân và báo chí trong PCTN,TC. Coi PCTN,TC là thanh bảo kiếm sắc bén để bảo vệ sự tồn vong của chế độ, loại trừ những ung nhọt của đất nước.

Công tác PCTN,TC phải bám sát với tình hình thực tiễn đất nước, thế giới, xây dựng văn hoá mới, con người mới, có trọng tâm, trọng điểm để tập trung thực hiện có hiệu quả. Từng bước tổng kết, lý luận hoá về chủ trương, đường lối PCTN,TC của Đảng để áp dụng bài bản, phù hợp chớ không phải là làm “được chăng hay chớ”.

Về giải pháp trong thời gian tới cho công tác PCTN,TC, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng, với quyết tâm chính trị cao nhất, phải ngăn chặn, phòng ngừa, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực một cách quyết liệt hơn, hiệu quả hơn nữa. Điều đó đòi hỏi sự gương mẫu của người đứng đầu của các cơ quan, đơn vị; ý thức tự giác, sự thống nhất cao độ trong nhận thức, hành động của từng cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức. Hoàn thiện cơ chế, thể chế, chính sách về PCTN,TC. Xây dựng văn hoá PCTN,TC trong toàn hệ thống chính trị, toàn xã hội. Dựa vào Nhân dân, dựa vào chức năng giám sát, phản biện xã hội của MTTQ, tổ chức chính trị - xã hội, báo chí để nâng cao hiệu quả trong công tác PCTN,TC.

Công tác PCTN,TC tập trung vào những lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh sai phạm, chống tham nhũng vặt, không để sai phạm nhỏ trở thành sai phạm lớn. Xử lý vi phạm về tham nhũng, tiêu cực phải nghiêm minh, triệt để, chú trọng đến khả năng thu hồi tài sản tham nhũng, tiêu cực cho đất nước./.


@CLT

Không có nhận xét nào: