Thứ Năm, 21 tháng 7, 2022

 

Ngăn ngừa, xử lý nghiêm việc đưa tin sai sự thật trên mạng xã hội

Thời gian qua, xuất hiện tình trạng nhiều người đăng tải, chia sẻ những thông tin sai sự thật lên mạng xã hội, làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của tổ chức, cá nhân, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Vì thế, đòi hỏi các cơ quan chức năng tăng cường giám sát, có hình thức xử lý nghiêm những trường hợp cố tình vi phạm.

Trên trang Facebook mang tên

Trên trang Facebook mang tên "Lap Tran" đăng nhiều thông tin, nhận xét mang tính chủ quan, ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức, cá nhân.

Gần đây, cơ quan Công an đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam một số trường hợp được nhiều người biết đến, như ông Đặng Như Quỳnh (là “KOL” nổi tiếng trên mạng xã hội Facebook), ở phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm (TP Hà Nội) hay bà Nguyễn Thị Phương Hằng, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đại Nam do có hành vi lợi dụng các quyền tự do dân chủ đăng tải những thông tin không được kiểm chứng lên mạng xã hội, ảnh hưởng xấu đến dư luận xã hội, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, tổ chức, cá nhân... 

Thực tế cho thấy, không chỉ có Đặng Như Quỳnh hay Nguyễn Thị Phương Hằng mà gần đây xuất hiện nhiều trường hợp lợi dụng mạng xã hội để đưa lên những thông tin chưa được kiểm chứng, sai sự thật, xúc phạm đến tổ chức, cá nhân, gây bức xúc trong xã hội.

Đơn cử như, ngày 15/1/2022, qua công tác nắm tình hình, Đội An ninh Công an TP Bắc Giang phát hiện tài khoản Facebook mang tên “Hòa Hoàng” của bà Hoàng Thị Thanh Hòa (SN 1984), trú tại phường Ngô Quyền (TP Bắc Giang) đăng tải bình luận có nội dung xúc phạm cơ quan Nhà nước. Cụ thể, bà Hòa vào mạng xã hội, thấy bài viết của tải khoản Facebook “Kun Mon” có nội dung Bắc Giang tạm dừng dạy học tiếng Anh với giáo viên là người nước ngoài để làm rõ tổ chức, cá nhân liên quan đến chùm ca bệnh Covid-19 tại Trường Tiểu học Ngô Sĩ Liên nên bình luận những lời lẽ thô tục, xúc phạm đến cơ quan Nhà nước. Bà Hòa đã bị Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông xử phạt 7,5 triệu đồng và yêu cầu gỡ bỏ thông tin vi phạm.

Trước đó, theo điều tra của Công an huyện Lạng Giang, từ ngày 5/6/2021 đến ngày 18/9/2021, ông Trần Văn Lập (SN 1954) trú tại xã Tiên Lục (Lạng Giang) đăng một số bài viết, ảnh lên trang Facebook cá nhân có tên “Trần Văn Lập” và “Lập Trần” với nội dung sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự nhân phẩm của cá nhân. Ngày 18/11/2021, ông Lập đã bị Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông xử phạt 7,5 triệu đồng và yêu cầu gỡ bỏ thông tin vi phạm. Thế nhưng, đến nay, trên trang Facebook mang tên “Lap Tran” vẫn đăng tải nhiều bài viết, hình ảnh với tiêu đề “tố cáo chống tiêu cực”, nhưng thực chất là nhận xét không đúng sự thật về những vụ việc tranh chấp, khiếu kiện của bản thân đã được chính quyền, cơ quan chức năng từ tỉnh đến huyện xem xét giải quyết nhiều lần.

Ông Lê Hồng Việt, Chánh thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông cho biết, từ đầu năm 2021 đến nay, Thanh tra Sở đã tiến hành xử lý vi phạm hành chính 52 trường hợp đăng tải, bình luận, chia sẻ thông tin không đúng sự thật trên mạng xã hội, với tổng số tiền xử phạt là 305 triệu đồng; đồng thời yêu cầu các trường hợp này gỡ bỏ bài viết, bình luận vi phạm đã đăng trên mạng xã hội.

Có thể nói, nhu cầu người dân sử dụng mạng xã hội để trao đổi, chia sẻ thông tin cá nhân và các vấn đề khác ngày càng tăng. Kèm theo đó là việc đăng tải, bình luận, chia sẻ những thông tin sai sự thật, xúc phạm tổ chức, cá nhân cũng ngày càng phức tạp.

Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên, một phần do nhiều người nhận thức, hiểu biết về pháp luật còn hạn chế. Vì thế, họ vô tình đăng tải, chia sẻ những thông tin chưa được kiểm chứng, không chính xác, chỉ vì muốn nhiều người biết đến.

Tuy nhiên, cũng có không ít trường hợp cố tình đăng tải, chia sẻ thông tin sai sự thật lên mạng xã hội với dụng ý xấu, nhằm hạ uy tín cho tổ chức, cá nhân hoặc gây áp lực để đòi hỏi những quyền lợi không chính đáng của bản thân. Đây thường là những trường hợp liên quan đến khiếu kiện kéo dài, mâu thuẫn cá nhân hoặc những phần tử cơ hội, bất mãn.

Theo Quyết định số 874/QĐ-BTTTT ngày 17/6/2021 của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội thì mọi người dân: “Không đăng tải những nội dung vi phạm pháp luật, các thông tin xúc phạm danh dự, nhân phẩm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân khác; tung tin giả, tin sai sự thật... ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội”.

Thượng tá Trần Huy Việt, Trưởng Phòng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh cho biết: “Chúng tôi sẽ tăng cường phối hợp cơ quan liên quan kiểm tra, xử lý nghiêm những trường hợp cố tình lợi dụng mạng xã hội để đưa tin thất thiệt, thông tin không đúng sự thật, xúc phạm đến danh dự, uy tín của tổ chức, cá nhân. Nếu có đủ cơ sở thì đề nghị khởi tố, xử lý hình sự để tạo tính răn đe”.

Nhằm ngăn ngừa tình trạng trên, cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị xã hội cần quan tâm làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền, giúp mọi người hiểu rõ, hiểu đúng về những chủ trương, chế độ, chính sách của Đảng, Nhà nước để tạo đồng thuận cao trong nhân dân.

Coi trọng việc hướng dẫn, nhất là thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên nhận diện được những thông tin xấu độc trên mạng xã hội, từ đó không truy cập, chia sẻ, những bài viết, hình ảnh này. Cương quyết “nói không” với thói quen thấy gì cũng quay phim, chụp ảnh rồi đưa lên mạng xã hội mà không biết được hậu quả sau này.

Người dân chỉ chia sẻ những thông tin có nguồn chính thống, đáng tin cậy; các hành vi, ứng xử phù hợp với những giá trị đạo đức, văn hóa, truyền thống của dân tộc Việt Nam. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cũng tăng cường giám sát, kiểm tra, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, góp phần làm lành mạnh thông tin trên mạng xã hội.

@CLT

Không có nhận xét nào: