Thứ Tư, 13 tháng 7, 2022

Phòng, chống “diễn biến hòa bình” về văn hóa trên không gian mạng

 

Phòng, chống “diễn biến hòa bình” về văn hóa trên không gian mạng


  

Trong thời đại công nghệ thông tin bùng nổ và phát triển như vũ bão hiện nay, thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình” trên không gian mạng thì mạng xã hội đã và đang là phương thức, thủ đoạn chủ yếu của các thế lực thù địch, phản động trong và ngoài nước. Vì vậy, việc chủ động đấu tranh phòng, chống “diễn biến hòa bình” trên mạng xã hội cần sự vào cuộc của các cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội và của quần chúng nhân dân.

“Diễn biến hòa bình” là một dạng thức hoạt động cơ bản của các thế lực thù địch nhằm lật đổ chế độ chính trị - xã hội của các nước xã hội chủ nghĩa từ bên trong, chủ yếu bằng các biện pháp phi quân sự, nhằm xóa bỏ các nước xã hội chủ nghĩa, phủ nhận vai trò lãnh đạo của đảng cộng sản cầm quyền, làm sụp đổ chế độ chính trị ở các nước xã hội chủ nghĩa mà không cần phát động chiến tranh vũ trang”.

Việt Nam là nước có vị trí địa kinh tế - chính trị - quân sự chiến lược quan trọng trong khu vực, lại nằm ở vị trí địa - chiến lược, trung tâm của cạnh tranh chiến lược gay gắt giữa các nước lớn. Hơn 35 năm qua, Việt Nam đã tăng cường vị thế, uy tín, tiềm lực, thực lực và sức mạnh tổng hợp của mình trên trường quốc tế. Song song với công cuộc phát triển và xây dựng đất nước, chúng ta cũng không ngừng đẩy mạnh việc phòng, chống các âm mưu, thủ đoạn chiến lược “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch đã và đang điên cuồng tấn công ta trên nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực văn hóa. Chúng coi đây là mặt trận hàng đầu, là mũi nhọn đột phá, thọc sâu, vừa dùng các lực lượng, phương tiện từ bên ngoài, vừa tận dụng phát triển các lực lượng và phương tiện ở trong nước, tạo ra sự chống đối mạnh mẽ từ nội bộ Đảng, nội bộ xã hội ta, từng bước làm cho nhân tố chống đối bên trong phát triển để phá ta từ bên trong. Âm mưu sâu xa của chúng là thông qua xâm nhập phá hoại tư tưởng văn hóa để dẫn dắt, làm nảy sinh biến động về chính trị của xã hội ta, từ đó làm rối loạn về tư tưởng chính trị và niềm tin cách mạng của nhân dân ta.

Nấp dưới vỏ “văn hóa”, các thế lực thù địch xuyên tạc, bôi đen giá trị văn hóa, đạo đức, lối sống trong đời sống xã hội ta, đồng thời tuyên truyền quảng bá văn hóa, lối sống phương Tây. Chúng kích động khuynh hướng đòi văn hóa, văn nghệ hoạt động độc lập với chính trị, không chịu sự quản lý của nhà nước, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng đối với lĩnh vực văn hóa; lôi kéo văn nghệ sĩ sáng tác theo các trường phái khác lạ theo kiểu phương Tây, coi rẻ truyền thống văn hóa dân tộc, làm phai mờ các giá trị văn hóa truyền thống và cách mạng, gieo rắc lối sống phản động, lạc hậu, suy đồi, biến Việt Nam thành “thuộc địa văn hóa” của ngoại bang. Chúng cổ xúy cho lối sống vị kỷ, bản năng, thực dụng làm con người Việt Nam mất gốc, làm thay đổi giá trị thẩm mỹ, thị hiếu nghệ thuật, chuyển đổi các thang bậc giá trị xã hội theo chiều hướng xấu. Chúng trắng trợn xuyên tạc lịch sử, chống phá nền tảng tư tưởng văn hóa - xã hội chủ nghĩa của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh - nền tảng tư tưởng của Đảng; bài xích, bác bỏ văn hóa, đạo đức, lối sống truyền thống dân tộc, văn hóa, đạo đức, lối sống xã hội chủ nghĩa.

Trong thời đại ngày nay, với sự phát triển như vũ bão của khoa học kỹ thuật, sự bùng nổ của công nghệ cao, các thế lực thù địch đang sử dụng triệt để các phương tiện thông tin, truyền thông, báo chí, xuất bản, đặc biệt là mạng xã hội để thực hiện “diễn biến hòa bình” chống phá nước ta. Vì, mạng xã hội đang là một trong những phương tiện truyền thông có tốc độ nhanh, sức lan tỏa mạnh, tiếp cận nhiều đối tượng công chúng.

Thực tế ở nước ta những năm qua xuất hiện nhiều các website, blog, fanpage, dịch vụ thư điện tử (e-mail) và các trang mạng xã hội (Facebook), Zalo (các dịch vụ chat, nhắn tin, hội thoại), truyền thoại (VoIP), diễn đàn (forum), Twitter, Youtube, MySpace… phát tán dày đặc với tần suất lớn những thông tin, quan điểm trái chiều, xuyên tạc, chống phá Đảng và nhà nước ta. Dựa vào một số sự kiện đã hoặc sắp diễn ra, các thế lực thù địch đã nhào nặn hàng loạt tin, bài “sặc mùi” chính trị phản động; thêm bớt những số liệu không thể kiểm chứng, kèm theo trích dẫn “kim, cổ, đông, tây”, giả danh khoa học; sử dụng công nghệ chèn các tư liệu, hình ảnh để cắt ghép, chỉnh sửa, “live stream”... tạo ra những sự kiện “giật gân”, thông tin câu khách; cố tình đổi trắng thay đen, biến không thành có, rồi suy diễn, bình luận theo kiểu làm “sáng tỏ vấn đề”. Tần suất các luận điệu thâm độc đó ngày càng gia tăng cả về lưu lượng, cấp độ, mật độ; thực hiện chiến lược “bôi nhiều sẽ bẩn”, “nói lắm phải tin”, tung “hỏa mù” nhằm gây tâm lý hoài nghi, dao động trong xã hội; từng bước hướng cộng đồng đến những suy nghĩ lệch lạc dẫn đến “tự diễn biến” và rơi vào “tự chuyển hóa” lúc nào không hay. Chúng lợi dụng những sơ hở, thiếu sót trong quản lý kinh tế, văn hóa, xã hội; khai thác thông tin từ những vụ, việc tiêu cực xảy ra trong đời sống để xuyên tạc, thổi phồng; lấy hiện tượng quy kết thành bản chất; đăng tải thông tin thật, giả lẫn lộn, đưa ra cái gọi là “tài liệu chứng minh” để xuyên tạc vai trò lãnh đạo của Đảng, qua đó kích động xã hội phản đối chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước, kêu gọi từ bỏ Đảng; thúc đẩy lối sống thực dụng, thẩm thấu tư tưởng văn hóa ngoại lai vào đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân (nhất là thế hệ trẻ) làm phai nhạt lý tưởng cách mạng, băng hoại đạo đức xã hội...

Do tầm quan trọng đặc biệt của công tác đấu tranh tư tưởng và những thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch ngày càng tinh vi, phức tạp, nên Đảng, nhà nước ta luôn coi trọng, tập trung chỉ đạo và triển khai công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Nghị quyết số 35-NQ/TW, ngày 22/10/2018, của Bộ Chính trị, về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới” nhấn mạnh: “Bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác có hiệu quả các quan điểm sai trái, thù địch là một nội dung cơ bản, hệ trọng, sống còn của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, trong đó lực lượng tuyên giáo các cấp là nòng cốt” Đại hội XIII của Đảng đề cập trực tiếp và nhấn mạnh việc quản lý và phát triển thông tin trên không gian mạng, trong đó có việc đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc, sai trái, thù địch: “Tăng cường quản lý và phát triển các loại hình truyền thông, thông tin trên internet. Kiên quyết đấu tranh, loại bỏ các sản phẩm, thông tin độc hại, xuyên tạc, phản động, ảnh hưởng xấu đến ổn định chính trị - xã hội, thuần phong mỹ tục”.

Trong thời gian tới, các thế lực thù địch tiếp tục sử dụng không gian mạng nói chung, mạng xã hội nói riêng để chống phá ta trên mọi lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực văn hóa, do đó cần tập trung vào một số vấn đề sau:

Một là, giáo dục nâng cao nhận thức, sự đồng thuận, nhất trí cao của các tổ chức, lực lượng phòng, chống “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực văn hóa nhận thức rõ vai trò của văn hóa trên mặt trận tư tưởng và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Hai là, xác định đúng nội dung, đa dạng hóa hình thức, biện pháp phòng, chống “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực văn hóa trên mạng xã hội. Về nội dung, tập trung vào việc nâng cao nhận thức lý luận chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, truyền thống dân tộc, quan điểm, đường lối của Đảng về văn hóa xã hội chủ nghĩa. Tạo sự thống nhất, đồng thuận về sự cần thiết phải giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam. Về hình thức, biện pháp, đẩy mạnh hơn nữa đấu tranh phòng, chống “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực văn hóa trên không gian mạng.

Ba là, xây dựng và phát huy vai trò của các cơ quan, lực lượng chuyên trách phòng, chống “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực văn hóa, tăng cường nguồn lực cho lĩnh vực văn hóa.

Bốn là, khắc phục sự yếu kém trong quản lý những nội dung thông tin trên không gian mạng. Tăng cường công tác kiểm soát, định hướng tư tưởng và dư luận xã hội trên không gian mạng, chủ động thiết kế xây dựng chủ đề để dẫn dắt dư luận; lựa chọn chủ đề tăng tính tương tác, cần “phân loại” công chúng trên cộng đồng mạng để xác định, lựa chọn cách thức, phương pháp dẫn dắt thông tin định hướng tư tưởng, dư luận trên mạng xã hội.

Năm là, các cơ quan tuyên truyền, các loại hình báo chí, nhất là các báo mạng điện tử, các trang mạng xã hội cần phát huy tốt vai trò đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, các luận điệu tuyên truyền, lừa mị về văn hóa của các thế lực thù địch. Kết hợp chặt chẽ giữa đấu tranh quân sự, quốc phòng, an ninh, đối ngoại với phòng, chống “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực văn hóa. Phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành trong phòng, chống “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực văn hóa.

@NMĐ

Không có nhận xét nào: