TỔ CHỨC VIỆT TÂN VÀ ĐÀI Á CHÂU TỰ DO (RFA) LẠI XUYÊN TẠC TÌNH HÌNH TÔN GIÁO Ở VIỆT NAM
Vấn đề tôn giáo tại Việt Nam luôn là vấn đề nhạy cảm, nhận được nhiều sự “quan tâm” của của các thế lực thù địch hòng lợi dụng xuyên tạc để chống phá Đảng, Nhà nước Việt Nam.
Gần đây, Tổ chức “Việt Tân” và RFA ( Đài Á Châu Tự do) đăng tải thông tin cho rằng một gia đình đồng bào dân tộc Mông gồm 13 người ở xã Na Ngoi, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An đã bị “đàn áp khắc nghiệt” của chính quyền vì “lý do tôn giáo”. Cụ thể, các tổ chức này cho rằng: “Gia đình của ông Xồng Bá Thông (sinh năm 1996) là người sắc tộc H’mong, vì theo đạo Tin Lành mà chính quyền địa phương gẫy khó dễ rồi trục xuất cả gia đình ông. Ông Thông làm đơn xin gia nhập Tổng hội Hội thánh Tin lành Việt Nam (Miền Bắc), và đã được chấp thuận trở thành thành viên hồi Tháng Tư, 2022. Tuy nhiên thay vì thừa nhận và để yên cho gia đình ông Thông theo đạo, chính quyền địa phương lại tăng cường gây sức ép để bắt họ từ bỏ niềm tin tôn giáo”.
Tuy nhiên, các tổ chức này đã cố tình gán ghép các tình tiết sai sự thật, làm thay đổi bản chất việc làm của chính quyền xã Na Ngoi, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An. Có đôi điều tác giả muốn trao đổi với quý độc giả như sau:
Thứ nhất, gia đình ông Xồng Bá Thông cùng một số người Mông trên địa bàn xã Na Ngoi, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An chưa đăng ký sinh hoạt tôn giáo trên địa bàn theo quy định pháp luật. Trong khi đó, thủ tục đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung cấp xã bao gồm các bước sau:
Bước 1. Tổ chức tôn giáo, tổ chức được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo hoặc người đại diện của nhóm người theo tôn giáo không thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 16 Luật tín ngưỡng, tôn giáo gửi bản đăng ký đến Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của Ủy ban nhân dân cấp xã vào giờ hành chính các ngày làm việc trong tuần (trừ ngày nghỉ lễ theo quy định), cụ thể như sau:
+ Buổi sáng: Từ 7 giờ đến 11 giờ.
+ Buổi chiều: Từ 13 giờ đến 17 giờ.
Công chức tiếp nhận hồ sơ xem xét:
+ Nếu hồ sơ đầy đủ, đúng quy định thì tiếp nhận, viết giấy hẹn và chuyển hồ sơ đến Công chức Văn phòng - Thống kê xử lý.
+ Nếu hồ sơ chưa đầy đủ, hợp lệ thì lập phiếu hướng dẫn chỉnh sửa, bổ sung một lần đầy đủ theo đúng quy định.
Bước 2. Công chức Văn phòng - Thống kê thẩm định hồ sơ trình Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã theo quy định.
Bước 3. Khi có văn bản chấp thuận của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xă, Công chức Văn phòng – Thống kê nhận và chuyển bộ phận tiếp nhận và trả kết quả để trả cho tổ chức tôn giáo, tổ chức được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo hoặc người đại diện của nhóm người theo tôn giáo không thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 16 Luật tín ngưỡng, tôn giáo.
Trường hợp không chấp thuận, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.
Bước 4. Trả kết quả
Tổ chức tôn giáo, tổ chức được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo hoặc người đại diện của nhóm người theo tôn giáo không thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 16 Luật tín ngưỡng, tôn giáo liên hệ Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của Uỷ ban nhân dân cấp xã để nhận kết quả.
Thứ hai, cấp ủy, chính quyền địa phương đã tiến hành tuyên truyền, vận động, giải thích các quy định của pháp luật; hướng dẫn số đồng bào dân tộc Mông muốn theo đạo Tin lành làm đơn gửi chính quyền các cấp để được hỗ trợ, tạo điều kiện và hoạt động theo đúng các quy định của pháp luật. Do đó, không có việc chính quyền địa phương cấm hay gây sức ép để người dân bỏ đạo như những gì mà “Việt Tân” hay RFA đã đăng tải.
Như vậy, mọi sự xuyên tạc, vu cáo của Việt Tân và RFA về sự việc này là rõ ràng, không có chuyện trục xuất hay đàn áp tôn giáo ở đây, tính dân chủ, quyền tự do tôn giáo đã được luật quy định đảm bảo công bằng, thuận lợi cho mọi người dân, tổ chức, được chính quyền địa phương tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn thực hiện đến quần chúng, giáo dân, tại sao đại đa số quần chúng giáo dân làm được mà một vài người không làm được? phải chăng là không muốn làm hay cố tình gây ra những mâu thuẫn, phức tạp trong câu chuyện đăng kí sinh hoạt tôn giáo?
Thời gian qua, với sự quan tâm, chăm lo của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, cùng sự góp mặt của những người có uy tín, chức sắc trong các tôn giáo, đời sống vật chất, tinh thân của đồng bào tôn giáo ngày càng được nâng cao. Chính sách của Đảng, Nhà nước Việt Nam về tín ngưỡng, tôn giáo đã đem lại sự thay đổi căn bản trong đời sống của đồng bào. Theo số liệu của Ban Tôn giáo Chính phủ, hiện nay có khoảng 2,8 triệu người dân tộc thiểu số theo các tôn giáo (chiếm khoảng 20% dân số người dân tộc thiểu số) với 16 tôn giáo được Nhà nước cấp phép hoạt động và 10.239 cơ sở sinh hoạt.
Là một quyền cơ bản của con người, song quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo không phải là tuyệt đối mà khi hưởng thụ quyền này, chủ thể quyền đồng thời phải tuân thủ các hạn chế do luật định nhằm bảo đảm sự công nhận và tôn trọng thích đáng đối với các quyền và tự do của người khác và phù hợp với đạo đức xã hội, dân tộc, sức khỏe của cộng đồng.
Người dân, đặc biệt là tín đồ tôn giáo không nên nóng vội khi tiếp cận những thông tin không chính thống, sai lệch trên không gian mạng mà cần bình tĩnh, thông tin phải có sự kiểm chứng của cơ quan chức năng rồi mới đăng tải, chia sẻ bài viết trên không gian mạng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét