Trước đây, khi bản Mạ, thị trấn Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa chưa có cầu bắc qua sông Chu, việc kết nối giao thương với bên ngoài của đồng bào Thái ở đây rất khó khăn.

Cách đây 7 đến 8 năm, Đảng, Nhà nước ta đã quan tâm xây dựng một cây cầu treo chắc chắn bắc qua sông Chu, nối bản Mạ với tuyến đường lên Cửa Đặt và xuôi về thị trấn Thường Xuân để đi khắp nơi.

Kể từ đây, đồng bào Thái bản Mạ đã từng bước làm đổi thay bộ mặt nông thôn bằng cách làm du lịch cộng đồng, thu hút đông đảo khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan, thưởng thức những nét đẹp tinh hoa, truyền thống, ngắm cảnh sơn thủy hữu tình, không khí trong lành và các món ẩm thực của đồng bào Thái nơi đây.

 Bản Mạ - điểm du lịch cộng đồng hút khách du lịch. Ảnh: VT

Bản Mạ, nằm ngay sát bờ sông Chu hiền hòa, thơ mộng, trải dài, vắt vẻo men theo sườn núi, thấp thoáng những ngôi nhà sàn truyền thống làm bằng gỗ xen lẫn những thảm rừng thực vật màu xanh trải dài ngút ngàn làm đắm say, hút hồn nhiều du khách tham quan, nghĩ dưỡng. Buổi sáng, du khách có thể “săn mây” men theo sườn núi, chụp ảnh kỷ niệm đẹp như ở thiên đình.

Đến với bản Mạ du khách được hòa mình với phong tục tập quán độc đáo của đồng bào dân tộc Thái và ăn những món dân dã đậm đà khó quên.

Tất cả món ăn của người Thái đều được chế biến từ nguồn nguyên liệu tự nhiên, tẩm ướp gia vị rất cầu kỳ, cẩn thận, ăn rất ngon miệng như canh uôi, măng rừng, canh đắng, thịt trâu gác bếp, cá nướng, các loại chẻo, gà nướng, thịt lợn cỏ nướng, cơm lam, xôi ngũ sắc, rêu đồ...

Phương pháp chế biến món ăn cũng hoàn toàn dựa vào kinh nghiệm từ ngàn xưa để lại và được lưu giữ từ đời này qua đời khác, chứ không có bất kỳ trường lớp nào truyền dạy.

 Các món ăn dân tộc của đồng bào Thái, huyện Thường Xuân. Ảnh: VT

Khi du khách đến du lịch cộng đồng ở bản Mạ, còn có thể đi tham quan thêm đền Cửa Đạt, trong đó có đền Cầm Bá Thước, đền Đức Ông, đền bà Chúa Thượng Ngàn; Khu Di tích lịch sử Hội thề Lũng Nhai; Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên…

Hiện nay, bản Mạ có 57 hộ dân, với 246 nhân khẩu, là bản có 100% đồng bào dân tộc Thái sinh sống. Hiện bản vẫn bảo tồn được trên 30 ngôi nhà sàn cổ, 7 hộ duy trì được nghề truyền thống như thêu, dệt thổ cẩm và đan lát.

Du khách đến đây còn được hòa mình, trải nghiệm cùng cuộc sống của đồng bào Thái, được tìm hiểu các phong tục tập quán qua nếp nhà sàn cổ, cách dệt vải, xe tơ ở các khung cửi; trồng lúa, ngắm ruộng bậc thang...

Vào dịp lễ hội mùa Xuân còn có những nét văn hóa và trò chơi mang đậm bản sắc bản địa nơi đây như cồng chiêng, khua luống, nhảy sạp, đánh cù, cà kheo, ném còn, đu đưa, đu quay…