Lý do to hơn mục đích
- Vừa qua, sau khi Dự thảo Luật An ninh mạng được đưa ra lấy ý kiến của các đại biểu Quốc hội, một số luật sư cực đoan và kẻ cơ hội chính trị đã ra sức tuyên truyền, xuyên tạc, cho rằng: “Dự thảo Luật đã vi phạm nhân quyền, quyền tự do báo trí, quyền tự do trao đổi thông tin của người dân”; “Dự thảo Luật chủ yếu nhằm bảo vệ quyền “cai trị” của Đảng Cộng sản Việt Nam! cản trở hoạt động tiếp cận thông tin, hoạt động khởi nghiệp của giới trẻ”, v.v. Đó thực sự là những lời ngụy biện của kẻ có dã tâm xấu, chỉ là “lý do to hơn mục đích”!
Như chúng ta đều biết, với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học - công nghệ như hiện nay, không gian mạng đã xâm nhập vào tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội và hiện diện trong hầu hết các hoạt động của con người. Cùng với những lợi ích mà nó mang lại, như: tăng cường khả năng kết nối giữa người với người trên mọi miền thế giới; tìm kiếm, trao đổi thông tin; giao dịch buôn bán; đơn giản hóa các thủ tục hành chính,… thì, việc sử dụng không gian mạng để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật xảy ra trên mọi lĩnh vực cuộc sống, và không bị giới hạn về không gian, thời gian.
Thời gian qua, tình hình an ninh mạng trên toàn thế giới diễn biến ngày càng phức tạp, đặt ra nhiều nguy cơ thách thức không chỉ đối với yêu cầu bảo vệ an ninh quốc gia mà còn trật tự, an toàn xã hội. Trên thế giới, mỗi năm có hàng trăm nghìn cuộc tấn công nhằm vào các cơ quan chính quyền, các hệ thống tài chính, ngân hàng, hạ tầng thông tin trọng yếu, trang web của các cơ quan tổ chức, doanh nghiệp,... nhằm đánh cắp thông tin, bí mật nhà nước, thành tựu khoa học - công nghệ, sở hữu trí tuệ, v.v. Theo số liệu thống kê của Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT) cho biết, tính đến tháng 9-2017, Trung tâm đã ghi nhận và điều phối xử lý 9.964 cuộc tấn công website với nhiều hình thức khác nhau, như: lừa đảo, cài mã độc, làm thay đổi giao diện, v.v. Đặc biệt, một loạt các vụ tấn công mạng vào các sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng,… đã xảy ra gây hậu quả không nhỏ.
Không chỉ có vậy, trên mạng xã hội, vừa qua, hùa theo phong trào “nói là làm”, sau khi đủ lượng like trên facebook cá nhân, nữ sinh lớp 8 Trần Thị Ngọc Trâm, ở thị xã Ninh Hòa đã bị nhóm bạn ép buộc phải đem xăng vào đốt trường học. Sau đó, nữ sinh này phải nhập viện cấp cứu vì bị bỏng nặng ở hai chân. Hay như ở Nga, trang Web có tên “Cá Voi xanh” đã dụ dỗ nhiều bạn trẻ nhẹ dạ cả tin tham gia trò chơi và bị dẫn dụ tới chỗ phải tự tử. Ngoài ra, các trang mạng cá độ, đánh bạc, đăng tải văn hóa phẩm đồi trụy, môi giới mại dâm, hoạt động đăng tải thông tin sai sự thật, thật giả lẫn lộn trên không gian mạng,… tác động không nhỏ tới quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Có thể nói “Mạng ảo nhưng tác hại lại là thật”. Ý thức rõ điều đó, ngày 07-12-2016, Nghị viện châu Âu và chính phủ các nước EU đã nhất trí về Luật an ninh mạng áp dụng cho toàn khối. Theo luật trên, các nhà cung cấp dịch vụ trên mạng, như: Google, Amazon, eBay, Cisco,… sẽ phải báo cáo mọi vi phạm có tính chất nghiêm trọng cho các cơ quan chức năng quốc gia nếu không sẽ bị phạt. Luật cũng đặt ra những quy định nghiêm ngặt về an ninh và trình báo bắt buộc đối với các công ty hoạt động trong những lĩnh vực trọng yếu, như: giao thông, năng lượng, y tế và tài chính. Tương tự, ngày 28-09-2017, Thượng viện Mỹ đã thông qua Dự luật yêu cầu Chính phủ Liên bang cung cấp nhiều công cụ hơn cho các doanh nghiệp nhỏ chống lại mối đe dọa về an ninh mạng. Theo Dự luật, Viện Tiêu chuẩn và Công nghệ Quốc gia Mỹ (NIST) chịu trách nhiệm xây dựng và cập nhật khuôn khổ an ninh mạng cho các tổ chức công và tư; phải ban hành và cung cấp thêm tiêu chuẩn bổ sung dành cho các doanh nghiệp nhỏ, giúp họ triển khai khuôn khổ an ninh mạng của NIST, v.v.
Mọi vấn đề đều có tính 2 mặt: tích cực và tiêu cực, cần phải có sự quản lý, điều chỉnh bởi pháp luật. Và, vấn đề an ninh mạng là lĩnh vực mới. Vì vậy, việc ban hành Luật An ninh mạng nhằm góp phần bảo vệ chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức cá nhân là cấp thiết đối với mọi quốc gia. Chỉ có những kẻ có dã tâm xấu mới lo sợ việc ban hành Luật An ninh mạng mà thôi - đúng là “Lý do to hơn mục đích”./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét