Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng cộng sản Việt Nam là chính đảng của giai cấp công nhân Việt Nam, là đội tiên phong của giai cấp công nhân, có khả năng đoàn kết “tập hợp”, “lôi kéo” các tầng lớp nhân dân khác đứng lên làm cách mạng; bao giờ Đảng cũng “tận tâm, tận lực phụng sự Tổ quốc và nhân dân”, “trung thành tuyệt đối với lợi ích của giai cấp, của nhân dân, của dân tộc”, “ngoài lợi ích của giai cấp, của nhân dân, của dân tộc, Đảng ta không có lợi ích gì khác”. Ngay từ năm 1927 khi còn đang tạo dựng tiền đề để thành lập Đảng, Người đã nhấn mạnh: “Đảng có vững cách mệnh mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thuyền mới chạy”. Và trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, thông qua nhiều bài viết, bài nói và hành động cụ thể, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra những điều cốt yếu về xây dựng Đảng.
Đường lối chính trị là vấn đề cốt lõi quyết định sự tồn tại, phát triển và vai trò cầm quyền của Đảng. Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định: “Đảng muốn vững thì phải có chủ nghĩa làm cốt” và “Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lênin”. Theo Người, chủ nghĩa Mác-Lênin là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của Đảng. Đây là cơ sở lý luận, là nền tảng tư tưởng của Đảng, mọi đảng viên đều phải hiểu rõ và làm theo. Tuy nhiên, Người cũng chỉ rõ: Nắm vững và thực hiện nguyên tắc này không phải theo cách giáo điều, mà phải vận dụng sáng tạo và phát triển phù hợp với những điều kiện của Việt Nam, giải quyết những vấn đề cụ thể của cách mạng Việt Nam. Thực tế cho thấy, trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn giữ vững và nêu cao tính cách mạng của giai cấp công nhân, tính kiên cường bất khuất của phong trào yêu nước Việt Nam; luôn bảo đảm tính khoa học của chủ nghĩa Mác-Lênin về lý luận và trong giải quyết thực tiễn, đồng thời cũng độc lập, sáng tạo để đi tới mục tiêu của cách mạng.
Xây dựng Đảng vững mạnh dựa trên các nguyên tắc. Trước hết là nguyên tắc tập trung dân chủ. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, giữa “tập trung” và “dân chủ” có mối quan hệ khăng khít với nhau. Dân chủ để đi đến tập trung, là cơ sở của tập trung; tập trung trên cơ sở dân chủ, theo nguyên tắc “cá nhân phải phục tùng tổ chức; số ít phải phục tùng số nhiều; cấp dưới phải phục tùng cấp trên; các địa phương phải phục tùng Trung ương”. Từ đó làm cho “Đảng ta tuy nhiều người, nhưng khi tiến hành thì chỉ như một người”. Người cũng nhấn mạnh nguyên tắc “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách”. Bởi, “lãnh đạo không tập thể, thì sẽ đi đến cái tệ bao biện, độc đoán, chủ quan. Kết quả là hỏng việc. Phụ trách không do cá nhân, thì sẽ đi đến tệ bừa bãi, lộn xộn, vô chính phủ. Kết quả cũng là hỏng việc. Tập thể lãnh đạo và cá nhân phụ trách cần phải luôn đi đôi với nhau”.
Đoàn kết, thống nhất trong Đảng cũng là một nguyên tắc quan trọng trong tổ chức và sinh hoạt Đảng, nhằm tạo ra sức mạnh của Đảng, là cơ sở để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, đoàn kết thống nhất trong Đảng là nguồn sức mạnh, là khâu then chốt dẫn đến thành công của cách mạng. Người yêu cầu “Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”.
Nguyên tắc tự phê bình và phê bình, theo Người “tự phê bình và phê bình là thứ vũ khí sắc bén nhất, nó giúp cho Đảng ta mạnh và ngày càng thêm mạnh. Nhờ đó mà chúng ta sửa chữa khuyết điểm, phát triển ưu điểm, tiến bộ không ngừng” và “Một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính”. Sức mạnh của một tổ chức cộng sản và của mỗi đảng viên còn bắt nguồn từ ý thức tổ chức kỷ luật nghiêm minh, tự giác. Uy tín của Đảng bắt nguồn từ sự gương mẫu của mỗi đảng viên trong việc tự giác tuân thủ kỷ luật của Đảng, của Nhà nước, của đoàn thể nhân dân. Việc đề cao ý thức kỷ luật đối với mọi cán bộ, đảng viên làm tăng thêm uy tín của Đảng; ngược lại, nếu cán bộ, đảng viên có nhiều vi phạm, coi thường kỷ luật của các đoàn thể nhân dân, thì uy tín của Đảng giảm thấp, dẫn tới nhiều nguy cơ cho Đảng.
Xây dựng Đảng về đạo đức. Đạo đức cách mạng, theo tư tưởng Hồ Chí Minh là: trung với nước, hiếu với dân; cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; có tinh thần trách nhiệm với công việc; yêu thương con người; tinh thần quốc tế trong sáng. Những phẩm chất đó có mối quan hệ tác động qua lại biện chứng với nhau, thiếu một phẩm chất thì người cán bộ, đảng viên không thể làm tròn nhiệm vụ do Đảng và nhân dân giao phó. Người cho rằng: “Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi đến mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”. Và, người có đạo đức cách mạng thì nói phải đi đôi với làm, phải nêu gương về đạo đức. Người khẳng định: “Trước mặt quần chúng, không phải ta cứ viết lên trán chữ “cộng sản” mà ta được họ yêu mến. Quần chúng chỉ yêu mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”. Người yêu cầu: “Cán bộ phải chân đi, mắt thấy, tai nghe, miệng nói, tay làm, óc nghĩ,…”. Không chỉ đề cao tầm quan trọng của việc nêu gương, Người còn yêu cầu mỗi cá nhân phải luôn luôn tự kiểm điểm, tự phê bình, để phát huy cái tốt, sửa đổi khuyết điểm: “Mỗi cán bộ, mỗi đảng viên mỗi ngày phải tự kiểm điểm, tự phê bình, tự sửa chữa như mỗi ngày phải rửa mặt. Được như thế thì trong Đảng sẽ không có bệnh mà Đảng sẽ mạnh khỏe vô cùng”.
Tu dưỡng đạo đức là công việc phải làm bền bỉ suốt đời. Người chỉ rõ: “Đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hằng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”.
Đảng phải gắn bó mật thiết với nhân dân, đấu tranh vì lợi ích của nhân dân là mục đích hoạt động, là lý do để tồn tại và là lẽ sống của Đảng. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Nước lấy dân làm gốc”, “Gốc có vững cây mới bền. Xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân”. Theo Người, biểu hiện của “dân là gốc” là tin ở dân, gần dân, kính trọng dân và biết dựa vào dân: “Dân chúng rất khôn khéo, rất hăng hái, rất anh hùng. Vì vậy, chúng ta phải học dân chúng, phải hỏi dân chúng, phải hiểu dân chúng”; “có lực lượng dân chúng việc to tát mấy, khó khăn mấy làm cũng được. Không có, thì việc gì làm cũng không xong. Dân chúng biết giải quyết nhiều vấn đề một cách giản đơn, mau chóng, đầy đủ, mà những người tài giỏi, những đoàn thể to lớn, nghĩ mãi không ra” và “Dễ mười lần không dân cũng chịu, khó trăm lần dân liệu cũng xong”. Chủ tịch Hồ Chí Minh còn chỉ rõ rằng sức mạnh của nhân dân chỉ được phát huy đầy đủ khi có một Đảng cách mạng lãnh đạo. Khi sức dân được huy động, được tổ chức, được tập hợp dưới sự lãnh đạo của Đảng thì trở thành sức mạnh vô địch.
Những tư tưởng trên của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng đến nay vẫn còn nguyên giá trị, có ý nghĩa định hướng quan trọng trong công tác xây dựng Đảng hiện nay./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét