Ngăn chặn tình trạng xuất, nhập cảnh trái phép
Tỉnh Hà Giang có đường biên giới dài hơn 277km. Thời gian qua, từ khi dịch Covid-19 bùng phát, tình trạng xuất, nhập cảnh (XNC) trái phép trên tuyến biên giới có diễn biến phức tạp, trong đó xuất hiện nhiều đường dây mang tính chất xuyên quốc gia, hoạt động với thủ đoạn ngày càng tinh vi.
Theo chân Thiếu tá Mua Mí Cáy, Chính trị viên Đồn Biên phòng Xín Cái, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Hà Giang, chúng tôi đến khu vực biên giới thôn Lùng Vần Chải, xã Xín Cái, nơi chỉ cách nước bạn Trung Quốc một hàng rào biên giới. Thiếu tá Mua Mí Cáy cho biết, xã Xín Cái và xã Thượng Phùng, xã Sơn Vĩ thuộc huyện Mèo Vạc từng là những địa bàn phức tạp về XNC trái phép.
Trao đổi với chúng tôi, Thượng tá Bùi Văn Huân, Phó trưởng phòng Phòng chống ma túy và tội phạm, Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh Hà Giang cho biết: “Nắm bắt được nhu cầu tìm việc làm của người lao động trong nước, một số đối tượng đã sử dụng mạng xã hội để quảng cáo, đăng các địa chỉ cần tuyển lao động ở Trung Quốc. Người có nhu cầu đi làm được các đối tượng đưa đến gần biên giới, sau đó lợi dụng mối quan hệ của cư dân hai bên và các đối tượng thông thạo địa hình để câu kết, tổ chức xuất cảnh trái phép, kiếm lời bất chính”.
Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Giang bàn giao đối tượng tổ chức nhập cảnh trái phép cho Công an tỉnh Hà Giang. |
Cũng theo Thượng tá Bùi Văn Huân, các đối tượng tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép thường chia thành nhóm nhỏ 5-7 người, với mục đích ban đầu là đi làm thuê nhưng sang bên kia biên giới rất có thể biến tướng thành tội phạm mua bán người. Với chính sách "Zero Covid", từ đầu năm 2020, lực lượng chức năng phía Trung Quốc đã tiến hành xây dựng hàng rào trên tuyến biên giới tỉnh Hà Giang, đồng thời mở các đợt truy quét người nước ngoài cư trú và lao động trái phép ra khỏi lãnh thổ, dẫn đến tình trạng rất thiếu lao động phổ thông. Trong khi đó, người dân trên các bản, làng biên giới Hà Giang chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, dù điều kiện sống đã được cải thiện nhưng do thiếu đất canh tác, thời tiết khắc nghiệt, thiếu việc làm nên một bộ phận vẫn tìm cách vượt biên sang Trung Quốc làm thuê. Họ thông thuộc đường mòn, lối mở và cả những đoạn chưa được rào để vượt biên trái phép. Điều đáng lo ngại hơn là một số người dân đã trở thành đối tượng tiếp tay, tổ chức hoạt động nhập cảnh trái phép.
Tính từ đầu năm 2020 đến đầu tháng 10-2022, BĐBP tỉnh Hà Giang đã phối hợp với lực lượng chức năng phát hiện, xử lý 1.907 vụ/11.493 đối tượng XNC trái phép... Đặc biệt, nắm được phương thức, thủ đoạn của các đối tượng, lực lượng BĐBP đã quyết liệt điều tra, bóc gỡ nhiều đường dây tổ chức cho người khác XNC trái phép, trốn đi nước ngoài..., tổng cộng đã tiến hành khởi tố hình sự 6 vụ/29 đối tượng. Điển hình như từ tháng 5-2022 đến nay, BĐBP tỉnh đã xác định được các nhóm đối tượng trong 4 đường dây tổ chức đưa dẫn người nước ngoài nhập cảnh trái phép từ biên giới đi huyện Mèo Vạc và vào sâu các tỉnh nội địa hoặc đi nước thứ 3, phối hợp với các đồn biên phòng: Sơn Vĩ, Xín Cái, Đồng Văn và lực lượng công an bóc gỡ, triệt phá thành công 2 đường dây, bắt giữ 3 vụ/21 đối tượng (8 đối tượng người Việt Nam, 13 đối tượng người Trung Quốc).
Từ kết quả đấu tranh cho thấy, đối tượng nhập cảnh trái phép chủ yếu là người Trung Quốc, độ tuổi từ 16 đến 30, có trình độ, sinh sống ở các thành phố lớn của Trung Quốc, nhập cảnh trái phép vào Việt Nam với mục đích hoạt động tội phạm công nghệ cao, làm việc tại một số công ty, doanh nghiệp của Trung Quốc tại Việt Nam hoặc để đi nước thứ 3 (Lào, Thái Lan, Campuchia...). Các đối tượng tham gia đường dây tổ chức cho người khác nhập cảnh trái phép chủ yếu ở các xã biên giới Sơn Vĩ, Thượng Phùng, Xín Cái và thị trấn Mèo Vạc (huyện Mèo Vạc), được trả 20-25 triệu đồng/chuyến taxi đưa người nhập cảnh trái phép từ thị trấn Mèo Vạc đi các tỉnh nội địa; khoảng 1.500 nhân dân tệ khi đón được một người nhập cảnh trái phép bằng xe gắn máy đi từ biên giới xã Sơn Vĩ, Xín Cái ra đến thị trấn Mèo Vạc (khoảng 40km). Ngoài ra, còn có sự tham gia của một số đối tượng ở các tỉnh nội địa, hình thành đường dây đưa người nhập cảnh trái phép từ biên giới tỉnh Hà Giang đi Hà Nội, về Tây Ninh và sang nước thứ 3. Đại tá Huỳnh Văn Sáu, Trưởng phòng Phòng chống ma túy và tội phạm, Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh Hà Giang cho biết: “Thủ đoạn hoạt động của các đối tượng là thông qua mạng xã hội (Zalo, Wechat, Mocha...) để kết nối, thỏa thuận, hướng dẫn, điều hành, ghim vị trí, thanh toán tiền công; lợi dụng các đoạn biên giới chưa rào để nhập cảnh trái phép. Khi đưa dẫn, các đối tượng tổ chức thăm dò đường, phân công cảnh giới, tiền trạm, tiếp tế thực phẩm, nước uống, phân công vai trò trên từng đoạn đường, thống nhất cách khai báo khi bị lực lượng chức năng bắt giữ, xoá bỏ dữ liệu nhật ký trên điện thoại... nên công tác đấu tranh mất nhiều thời gian, công sức”.
Việc xác lập và đấu tranh thành công các chuyên án chống tội phạm XNC trái phép của BĐBP tỉnh Hà Giang thời gian qua đã góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh Hà Giang nói riêng và cả nước nói chung. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, loại tội phạm này chưa bao giờ hết "nóng" và luôn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp. Bởi vậy, ngoài sự nỗ lực của BĐBP, các lực lượng chức năng, cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhất là cần sự chung tay của mỗi người dân, đặc biệt là đồng bào nơi biên giới qua những việc làm cụ thể như nêu cao ý thức chấp hành pháp luật, không tham gia, không tiếp tay cho tội phạm...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét