Thứ Hai, 10 tháng 4, 2023

Đi lên chủ nghĩa xã hội là sự lựa chọn đúng đắn của cách mạng Việt Nam

 

Đi lên chủ nghĩa xã hội là sự lựa chọn đúng đắn của cách mạng Việt Nam


Lựa chọn đi lên chủ nghĩa xã hội là con đường duy nhất đúng đắn, sự lựa chọn của chính lịch sử dân tộc Việt Nam; phù hợp với thực tiễn của đất nước và xu thế phát triển của thời đại. Kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, Việt Nam đã giành được những thắng lợi to lớn trong đấu tranh chống ngoại xâm, giành độc lập dân tộc và những thành tựu to lớn trong công cuộc đổi mới. Thành tựu đó được người dân trong nước và bạn bè quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Tuy nhiên, đi ngược với xu thế đó, những kẻ có trái tim “không cùng nhịp đập” rêu rao rằng “Việt Nam lựa chọn con đường đi lên chủ nghĩa xã hội là sai lầm, ảo tưởng”; trong bài viết “Chủ nghĩa xã hội: Lòng dân không thuận, hào kiệt tan tác” trên mạng xã hội, Phạm Đình Trọng đã cố tình phủ nhận con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam bằng cách xuyên tạc: đi lên chủ nghĩa xã hội là “sai lầm, ảo tưởng, phản con người, phản quy luật tự nhiên”, “người dân Việt Nam nhắc đến chủ nghĩa xã hội lại rùng mình, dựng tóc gáy”… Rõ ràng đây là những luận điệu sai trái, phản động. Bởi vì:

Thứ nhất, đi lên chủ nghĩa xã hội là sự lựa chọn của lịch sử dân tộc Việt Nam và phù hợp với xu thế của thời đại

Lịch sử dân tộc Việt Nam những năm đầu thế kỷ XX cho thấy, trước tình cảnh đất nước bị thực dân Pháp xâm lược, nhân dân chịu cảnh áp bức, bóc lột của cả chủ nghĩa thực dân và địa chủ phong kiến, đã có rất nhiều phong trào yêu nước nổ ra, song tất cả đều lâm vào bế tắc và thất bại. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự bế tắc và thất bại đó, nhưng nguyên nhân chủ yếu là chưa có đường lối cứu nước, giải phóng dân tộc đúng đắn.

Trong bối cảnh lịch sử ấy, Nguyễn Ái Quốc đã ra đi tìm đường cứu nước, qua quan sát và tìm hiểu chủ nghĩa tư bản, tìm hiểu cuộc sống của người dân ở chính quốc và các nước thuộc địa. Người đi đến kết luận, cách mạng tư sản là cuộc cách mạng vĩ đại, nhưng chưa đến nơi, vì cách mạng thành công chỉ đem lại lợi ích cho thiểu số giai cấp, còn đông đảo quần chúng lao động vẫn chịu áp bức, bóc lột. Thực tiễn ở các nước tư bản chủ nghĩa những năm gần đây, là bằng chứng sinh động chứng minh những nhận định của chủ tịch Hồ Chí Minh những năm đầu thế kỷ XX là hoàn toàn chính xác. Khẩu hiệu chiếm phố Wall của người dân Mỹ những năm đầu thế kỷ XXI “chúng tôi chiếm 99% dân số, trong khi giới nhà giàu chỉ chiếm 1% nhưng lại đang nắm giữ 99% của cải của xã hội. chúng tôi không thể cứ im lặng mãi mà phải hành động” là bằng chứng rõ ràng nhất cho sự bất bình đẳng ở các nước tư bản ngày càng tăng.

Từ tiếng vang của cuộc Cách mạng tháng Mười Nga, Nguyễn Ái Quốc đã tìm đến với chủ nghĩa Mác – Lênin. Qua nghiên cứu, phân tích một cách thấu đáo, Người đi đến kết luận: Con đường cứu nước giải phóng dân tộc Việt Nam chỉ có thể là con đường cách mạng vô sản.

Từ khi ra đời, với đường lối cách mạng đúng đắn – độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, Đảng đã lãnh đạo nhân dân ta đứng lên đánh bại thực dân, đế quốc xâm lược, giành độc lập tự do cho dân tộc, đưa nhân dân từ thân phận nô lệ trở thành người làm chủ đất nước. Tiếp đó, Đảng lãnh đạo thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện đất nước 37 năm qua đạt được những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử, đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được nâng cao, từng bước đưa đất nước tiến lên chủ nghĩa xã hội vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”; đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày hôm nay.

Như vậy, việc lựa chọn con đường quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam là hoàn toàn có cơ sở khoa học và thực tiễn. Đó là sự chọn của chính lịch sử dân tộc Việt Nam và phù hợp với xu thế phát triển của thời đại, chứ không phải là “sai lầm, phản quy luật tự nhiên” như sự xuyên tạc của Phạm Đình Trọng.

Thứ hai, thành tựu mà quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam mang lại là to lớn, không thể phủ nhận

Vào những năm đầu của thế kỷ XX, dưới sự cai trị của chủ nghĩa thực dân và phong kiến, nhân dân phải sống trong cảnh lầm than, có trên 90% dân số mù chữ, đất nước bị tàn phá nặng nề bởi chiến tranh. Sau khi giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự đoàn kết, đồng lòng của toàn dân tộc, đất nước ta đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, từ một nước nghèo phải nhập khẩu lương thực, đến nay Việt Nam là nước xuất khẩu lương thực, ra khỏi nhóm nước nghèo, kém phát triển, bước vào nhóm nước có mức thu nhập trung bình, đời sống của người dân từng bước được nâng cao và đang hướng đến mục tiêu trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Thành tựu đó càng làm cho người dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội chứ không phải “rùng mình, dựng tóc gáy” như sự đặt điều của những kẻ phản động.

Thế và lực của Việt Nam trên trường quốc tế tiếp tục được khẳng định, là thành viên có trách nhiệm được cộng đồng quốc tế ghi nhận. Hiện nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 189/193 quốc gia thuộc tất cả các châu lục, có 17 đối tác chiến lược, 13 đối tác toàn diện; có quan hệ kinh tế thương mại với hơn 230 nước và vùng lãnh thổ. Đặc biệt, đã xây dựng được khuôn khổ quan hệ đối tác chiến lược và đối tác toàn diện với tất cả các nước lớn, trong đó có 5 nước thành viên thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc. Điều này cho thấy, Việt Nam đã mở rộng quan hệ với nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ và là thành viên tích cực trong cộng đồng quốc tế, chứ không phải bị “lẻ loi, cô lập” như những gì Phạm Đình Trọng xuyên tạc.

Đưa đất nước đi lên chủ nghĩa xã hội là mục tiêu xuyên suốt của Đảng và là nguyện vọng tha thiết của nhân dân Việt Nam. Đó là sự lựa chọn của lịch sử dân tộc Việt Nam và phù hợp với xu thế phát triển của thời đại. Là quá trình khó khăn, phức tạp, phải trải qua nhiều thời kỳ, bên cạnh việc kiên định mục tiêu, con đường đã chọn, cần nêu cao tình thần cảnh giác và kiên quyết đấu tranh đập tan những luận điệu xuyên tạc, phủ nhận con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta./.

Không có nhận xét nào: