Thứ Hai, 10 tháng 4, 2023

Tự do Internet phải đảm bảo trong khuôn khổ pháp luật

 

Tự do Internet phải đảm bảo trong khuôn khổ pháp luật


Gần đây, trên trang “Quyenduocbiet” có đăng tải bài viết của Nguyên Anh – Y cho rằng: “Việt Nam kiểm soát internet”, “người dân không có tự do internet”. Đây là những lời lẽ cố tình xuyên tạc về tự do internet tại Việt Nam, thực chất là chiêu trò đánh tráo khái niệm về tự do ngôn luận, dùng tự do internet để chống phá Đảng, Nhà nước, nhân dân ta, cần nhận diện và đấu tranh bác bỏ.

          Chúng ta biết rằng, tự do internet là một trong những quyền cơ bản của con người trong thời đại ngày nay. Đó là quyền được thông tin, trao đổi, giao tiếp, thể hiện ý chí và nguyện vọng của mỗi cá nhân và tổ chức qua các phương tiện kết nối internet. Tuy nhiên, cũng giống như nhiều quyền cơ bản của con người, quyền tự do internet phải đặt trong khuôn khổ của pháp luật.

          Thực tế, tại nhiều quốc gia – dân tộc trên thế giới đều khẳng định, pháp luật vừa là công cụ quản lý nhà nước hữu hiệu, vừa tạo hành lang pháp lý cho sự phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quyền tự do của công dân nói chung và quyền tự do internet nói riêng. Ví dụ: Chính phủ Mỹ không trực tiếp quản lý Internet mà thông qua các đạo luật để trao quyền cho các bộ, ngành, cơ quan liên bang được tiếp cận các nguồn thông tin mà không cần có lệnh của tòa án, đồng thời gây sức ép với các công ty cung cấp dịch vụ và các hãng công nghệ lớn để buộc họ hợp tác và cung cấp thông tin cần thiết, như Facebook, Twitter, Instagram và YouTube thường xuyên xóa các bài đăng vi phạm quy định trên nền tảng và việc xóa bài diễn ra gần như tự động, do trí tuệ nhân tạo (AI) quyết định.

          Luật An ninh mạng của Đức yêu cầu đối với người sử dụng mạng Internet phải tuân thủ pháp luật, cấm các âm mưu sử dụng bạo lực lật đổ an ninh quốc gia, cấm xúi giục hành vi phạm tội; Quốc hội Thái Lan đã nhất trí thông qua Luật Tội phạm máy tính. Luật Tội phạm máy tính quy định mức phạt tới 5 năm tù đối với những người đăng tải những thông tin sai lên hệ thống máy tính nhằm phá hoại an ninh quốc gia, an toàn công cộng, sự ổn định kinh tế quốc dân hay hạ tầng cơ sở công cộng hoặc gây hoang mang.

          Đối với Việt Nam, là thành viên có trách nhiệm của Liên Hợp quốc, Việt Nam đã sớm tham gia, ký kết các điều ước quốc tế về bảo đảm các quyền cơ bản của con người và quyền công dân, trong đó có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do internet. Những quyền cơ bản này đều được khẳng định trong các bản Hiến pháp của Việt Nam và tiếp tục được hiến định tại Điều 25, Hiến pháp năm 2013: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”. Thực tiễn, nhiều đối tượng lợi dụng internet chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ như đối tượng Phạm Thị Đoan Trang bị tuyên án 9 năm tù vì chống Nhà nước; các đối tượng Trương Châu Hữu Danh cùng nhóm “Báo sạch” vừa bị tòa tuyên án 14 năm 6 tháng tù về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”… Điều này cho thấy, chính sách nhất quán của Việt Nam là tôn trọng và bảo đảm quyền tự do con người, tự do internet, tuy nhiên mọi hành vi chống phá, xâm phạm lợi ích quốc gia, dân tộc đều phải bị xử lý nghiêm minh theo pháp luật.

          Cũng phải nói thêm rằng, chính những chủ trương, đường lối, chính sách và pháp luật đúng đắn của Đảng, Nhà nước Việt Nam về đảm bảo các quyền tự do con người, trong đó có quyền tự do internet, thì số người sử dụng internet ở Việt Nam hiện nay đã nằm trong tốp đầu thế giới. Theo số liệu thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, tính tới tháng 9/2022, số người sử dụng mạng xã hội ở Việt Nam là gần 76 triệu người (chiếm 73,7% dân số). Với con số này, Việt Nam là quốc gia có lượng người dùng internet cao thứ 12 trên toàn thế giới và đứng thứ 06 trong tổng số 35 quốc gia, vùng lãnh thổ khu vực châu Á.

          Từ thực tế các quốc gia – dân tộc trên thế giới và ở Việt Nam cho thấy, internet đã trở thành nhu cầu thiết yếu của mọi người dân, là nền tảng để phát triển kinh tế số, xã hội số trong sự phát triển của nhân loại. Luận điệu cho rằng, “Việt Nam kiểm soát internet”, “người dân không có tự do internet” của Nguyên Anh và đồng bọn của y là phiến diện, thiếu khách quan, không phản ánh đúng thực tế ở Việt Nam cần phải được lên án, đấu tranh, bác bỏ kịp thời./.

Không có nhận xét nào: