Thứ Năm, 25 tháng 5, 2023

Vận dụng tư tưởng V.I.Lênin về phát huy vai trò động lực của dân chủ xã hội chủ nghĩa

 

Vận dụng tư tưởng V.I.Lênin về phát huy vai trò động lực của dân chủ xã hội chủ nghĩa

 Việc kiên định, vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, trong đó có di sản tư tưởng của V.I.Lênin về dân chủ và dân chủ xã hội chủ nghĩa là nguyên tắc, định hướng cơ bản để Đảng và nhân dân ta thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới trong gần 40 năm qua. Chỉ xét riêng việc vận dụng tư tưởng V.I.Lênin về phát huy vai trò động lực của dân chủ xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ đổi mới cũng đủ cho thấy rằng, cuộc đời, sự nghiệp và di sản tư tưởng của V.I.Lênin luôn có ý nghĩa đặc biệt sâu sắc đối với Đảng và nhân dân ta.

1. Tiếp tục sự nghiệp vĩ đại của C.Mác và Ph.Ăngghen trong điều kiện lịch sử mới, V.I.Lênin luận chứng rằng: sự ra đời, phát triển của dân chủ XHCN là kết quả tất yếu của cách mạng XHCN, nó trở thành một trong những mục tiêu, động lực của chủ nghĩa xã hội. V.I.Lênin viết: “Giai cấp vô sản cần có một nền dân chủ… có khả năng trở thành một hình thức của cách mạng xã hội chủ nghĩa, cũng như trở thành công cụ của cuộc cách mạng đó”[1]; “không thể có một chủ nghĩa xã hội thắng lợi mà lại không thực hiện dân chủ hoàn toàn”[2]. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, giai cấp công nhân và nhân dân lao động phải tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa, giành chính quyền, giành dân chủ, xây dựng nhà nước mới, nền dân chủ mới – nhà nước xã hội chủ nghĩa và nền dân chủ xã hội chủ nghĩa. Đây là nền dân chủ của đa số, do đa số và vì đại đa số nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Theo đó, thực hiện dân chủ triệt để, dân chủ toàn diện, dân chủ hoàn toàn vừa là mục tiêu, nhiệm vụ và là động lực to lớn của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. V.I.Lênin khẳng định: “Mục đích của chúng ta là làm cho hết thảy những người nghèo khổ, không trừ một ai, đều thực tế tham gia quản lý”[3]. Bản chất của nhà nước Xô viết, của chế độ dân chủ XHCN là ở chỗ: “Do đông đảo quần chúng quản lý, do chính những giai cấp trước kia bị CNTB áp bức, quản lý”[4]. Và động lực, phương thức, “phương pháp tuyệt diệu” để xây dựng, hoàn thiện nhà nước và nền dân chủ xã hội chủ nghĩa là “thu hút toàn thể những người lao động, không trừ một ai, tham gia việc quản lý nhà nước”[5]. Nói về việc phát huy vai trò động lực của dân chủ xã hội chủ nghĩa trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội, V.I.Lênin nhấn mạnh mấy điểm cơ bản sau đây:

i) Phải đoạn tuyệt với định kiến rằng, “chỉ có bọn giàu có hay bọn công chức xuất thân từ các gia đình giàu có mới có khả năng quản lý nhà nước”. Đồng thời, “điều căn bản nhất là gây cho những người bị áp bức và những người lao động tin tưởng vào sức mạnh của bản thân họ rằng họ có thể và phải tự mình quản lý công việc nhà nước hằng ngày”[6]. Tất nhiên, để quản lý nhà nước và xã hội, người lao động phải học quản lý và học ngay lập tức. Lênin yêu cầu: “Giáo dục nhân dân, cho đến tận những tầng lớp ở bên dưới nhất, nghệ thuật quản lý nhà nước, không phải chỉ bằng sách vở, mà bằng cách chuyển lập tức ở khắp nơi sang những hoạt động thực tiễn, sang áp dụng kinh nghiệm của quần chúng”. Lênin đặc biệt lưu ý rằng, việc thu hút tất cả những người lao động tham gia quản lý nhà nước sẽ không thể thực hiện được “nếu không lôi cuốn phụ nữ tham gia sinh hoạt chính trị”[7].

ii) Không phải chỉ tuyên truyền về dân chủ, tuyên bố và ra sắc lệnh về dân chủ là đủ, không phải chỉ giao trách nhiệm thực hiện chế độ dân chủ cho “những người đại diện” nhân dân trong những cơ quan đại biểu là đủ mà quan trọng là phải “xây dựng ngay chế độ dân chủ, bắt đầu từ cơ sở, dựa vào sáng kiến của bản thân quần chúng, với sự tham gia thực sự của quần chúng vào tất cả đời sống của nhà nước[8]. Theo đó, mỗi người dân đều được ở trong điều kiện có thể tham gia thảo ra pháp luật của nhà nước, bầu cử, bãi miễn đại biểu của mình cũng như thi hành pháp luật và kiểm tra việc chấp hành pháp luật[9]; và “làm cho hết thảy quần chúng lao động và bị bóc lột, cùng với tất cả mọi tầng lớp tiểu tư sản, đi theo mình vào con đường kiến thiết kinh tế mới, vào con đường tạo ra những quan hệ xã hội mới, một kỷ luật lao động mới, một tổ chức lao động mới có khả năng phối hợp những thành tựu mới nhất của khoa học và kỹ thuật tư bản với sự tập hợp đông đảo những người lao động tự giác, những người tạo ra nền sản xuất lớn XHCN”[10].

iii) Bảo đảm dân chủ đi đôi với tập trung, thống nhất và gắn liền với kỷ luật, pháp luật. Lênin nhấn mạnh: Đảng Cộng sản phải gương mẫu bảo đảm “tự do thảo luận, thống nhất hành động”[11] “tập trung chặt chẽ”, “kỷ luật nghiêm ngặt”[12]Xây dựng bộ máy nhà nước theo tinh thần “thà ít mà tốt”; dân chủ phải đi liền với xử lý, trừng trị những phần tử vô nguyên tắc, vô tổ chức, kỷ luật, quan liêu, tham ô, hối lộ, thoái hóa, biến chất. Vì đó là những thành phần, bộ phận có thể phá hoại tổ chức đảng, vô hiệu hóa kỷ luật, pháp luật Nhà nước và tàn phá dân chủ xã hội.

Quá trình xác lập, vận hành nền dân chủ xã hội chủ nghĩa thực chất là quá trình tạo ra một chế độ xã hội, một kiểu tổ chức lao động xã hội mới với kỷ luật lao động tự giác, tự nguyện và năng suất lao động cao hơn chủ nghĩa tư bản nhằm bảo đảm cho nhân dân “thực sự hưởng được tất cả những phúc lợi của nền văn hoá, văn minh và dân chủ”[13]. Với ý nghĩa đó, dân chủ xã hội chủ nghĩa không chỉ là mục tiêu, nhiệm vụ mà còn là động lực to lớn của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội.

2. Trong thời kỳ đổi mới, từ năm 1986 đến nay, nhờ vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, trong đó có lý luận về dân chủ xã hội chủ nghĩa, Đảng ta đã có những đổi mới mạnh mẽ, sâu sắc trong nhận diện, tạo lập và phát huy các loại động lực của công cuộc đổi mới, xây dựng chủ nghĩa xã hội, trong đó, dân chủ xã hội chủ nghĩa được xác định là một trong những động lực cơ bản không thể thiếu của CNXH ở Việt Nam. Việc mở rộng dân chủ xã hội chủ nghĩa trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, phát huy quyền làm chủ của nhân dân (động lực dân chủ) có vị trí, vai trò đặc biệt trong việc tạo nên động lực tổng hợp để đổi mới thành công và xây dựng CNXH thắng lợi. Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011) của Đảng khẳng định: “Dân chủ xã hội chủ nghĩa là bản chất của chế độ ta, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển đất nước. Xây dựng và từng bước hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm dân chủ được thực hiện trong thực tế cuộc sống ở mỗi cấp, trên tất cả các lĩnh vực. Dân chủ gắn liền với kỷ luật, kỷ cương và phải được thể chế hóa bằng pháp luật, được pháp luật bảo đảm”[14]. Theo đó, trong thời kỳ đổi mới, động lực dân chủ được nhìn nhận, khai thác, thực hiện, thúc đẩy, mở rộng, phát huy từ các cấp độ, các khía cạnh, các lĩnh vực đời sống xã hội như: 

Động lực dân chủ trên lĩnh vực chính trị được thể hiện và thực hiện bằng việc đổi mới, dân chủ hóa tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị. Sức mạnh, động lực của đổi mới, phát triển được tạo ra trước hết từ sự nêu gương thực hành dân chủ gắn liền với kỷ luật, kỷ cương trong tổ chức, hoạt động của Đảng; trong việc xây dựng, hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo nguyên tắc “quyền lực nhà nước là thống nhất, có phân công, phối hợp, kiểm soát hiệu quả giữa các cơ quan nhà nước trong thực thi các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp”; trong việc đổi mới tổ chức, hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội nhằm làm tốt vai trò nòng cốt để nhân dân làm chủtrong việc kết hợp dân chủ đại diện với dân chủ trực tiếp, kết hợp dân chủ từ dưới lên với dân chủ từ trên xuống, dân chủ trong Đảng với dân chủ trong xã hội…

Động lực dân chủ trên lĩnh vực kinh tế được thể hiện và thực hiện bằng việc phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Trong đó, mọi người dân được tự do, tự chủ sản xuất kinh doanh theo pháp luật. Nhà nước khuyến khích làm giàu hợp pháp và tích cực xóa đói, giảm nghèo bền vững. Mọi thành phần kinh tế, các chủ thể tham gia thị trường đều được coi trọng, cùng phát triển lâu dài, hợp tác, cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh và văn minh, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo. Kinh tế tư nhân cũng là động lực quan trọng của nền kinh tế quốc dân… Đây là phương thức, động lực và là con đường tất yếu để phát triển nhanh chóng, mạnh mẽ các lực lượng sản xuất công nghiệp hiện đại xã hội hóa cao và từng bước thiết lập các quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp theo định hướng XHCN.

Động lực dân chủ trên lĩnh vực văn hóa, xã hội được thể hiện và thực hiện bằng việc bảo đảm quyền tự do tư tưởng, tự do ngôn luận trên nền tảng chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc Việt Nam; kết hợp chặt chẽ, hợp lý phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước và từng chính sách; bảo đảm tính bền vững trong các chính sách xã hội, nhất là phúc lợi xã hội, an ninh xã hội, an ninh con người… Theo đó, thực hiện dân chủ trong văn hóa là phương thức cơ bản để văn hóa thực sự là “nền tảng tinh thần, nguồn lực nội sinh và động lực đột phá cho phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế”[15]. Thực hiện chính sách xã hội đúng đắn vì hạnh phúc con người là động lực to lớn phát huy mọi tiềm năng sáng tạo của nhân dân trong đổi mới, xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Từ những phân tích trên cho thấy, rõ ràng, trong đổi mới, Đảng ta nhận thức ngày càng đầy đủ và sâu sắc về vị trí, vai trò đặc biệt của động lực dân chủ XHCN trong hệ động lực của CNXH ở Việt Nam. Trên thực tế, bằng hệ thống chính sách, pháp luật ngày càng đầy đủ, đồng bộ, việc phát huy mạnh mẽ vai trò động lực của dân chủ xã hội chủ nghĩa đã góp phần quan trọng để toàn Đảng, toàn dân ta thu được những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử trên tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội, làm cho cơ đồ, tiềm lực, vị thế, uy tín của đất nước ta không ngừng nâng cao. Đây là minh chứng sinh động khẳng định giá trị, sức sống bền vững của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, trong đó có tư tưởng V.I.Lênin về phát huy vai trò động lực của dân chủ xã hội chủ nghĩa.

3. Bên cạnh những thành tựu to lớn đã đạt được, đến nay, việc phát huy vai trò động lực của dân chủ xã hội chủ nghĩa theo tinh thần của V.I.Lênin vẫn còn không ít hạn chế, bất cập. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng chỉ rõ: “Các nguồn lực, tiềm năng sáng tạo của nhân dân trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc chưa được phát huy tốt. Việc đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội có mặt chưa theo kịp yêu cầu của tình hình mới, chưa thật sâu sát các tầng lớp nhân dân và cơ sở; chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát, phản biện xã hội chưa đều. Một số tổ chức cơ sở đảng, một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức chưa gương mẫu, chưa thực sự tôn trọng ý kiến, kiến nghị của nhân dân và giải quyết kịp thời các quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân. Quyền làm chủ của nhân dân có lúc, có nơi còn bị vi phạm; vẫn còn biểu hiện dân chủ hình thức, tách rời dân chủ với kỷ cương, pháp luật”[16]. Bốn nguy cơ mà Đảng nêu lên từ Đại hội VII không những vẫn tồn tại mà có mặt còn diễn biến phức tạp hơn. Tham nhũng, tiêu cực vẫn diễn biến phức tạp. Gần đây, tình trạng sợ trách nhiệmkhông dám hành động vì lợi ích chung trong một bộ phận cán bộ là rất đáng lo ngại. Thực trạng đó đòi hỏi chúng ta cần phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò động lực của dân chủ xã hội chủ nghĩa theo tinh thần của V.I.Lênin nhằm để tiếp tục đổi mới toàn diện, đồng bộ và đưa đất nước vững bước tiến lên chủ nghĩa xã hội. Theo chúng tôi, cần chú ý mấy giải pháp cơ bản sau:

Thứ nhất, cần tiếp tục nghiên cứu, nhận thức đầy đủ và sâu sắc di sản V.I.Lênin về dân chủ và dân chủ xã hội chủ nghĩa. Thực tế cho thấy, phần lớn di sản tư tưởng của V.I.Lênin về dân chủ và dân chủ xã hội chủ nghĩa vẫn thể hiện tinh thần thời đại sâu sắc. Tất nhiên, nghiên cứu tư tưởng Lênin về phát huy vai trò động lực của dân chủ xã hội chủ nghĩa phải đặt trong chỉnh thể lý luận Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh về dân chủ xã hội chủ nghĩa, về động lực của chủ nghĩa xã hội, về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội để nhằm nhận thức, giải quyết những vấn đề thực tiễn đất nước đang đặt ra. Với bản chất khoa học và cách mạng, tư tưởng, lý luận ấy luôn là “cẩm nang thần kỳ”, là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho mọi hành động cách mạng của Đảng và nhân dân ta trong quá trình đổi mới, xây dựng chủ nghĩa xã hội, xây dựng, phát triển nền dân chủ xã hội chủ nghĩa.

Thứ hai, qua gần 40 năm đổi mới, đến nay, Đảng ta đã hình thành về cơ bản lý luận về đường lối đổi mới, về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, trong đó có hệ thống quan điểm lý luận khá phong phú, sâu sắc về dân chủ xã hội chủ nghĩa và về hệ động lực của đổi mới, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Ví dụ, các quan điểm, luận điểm, chủ trương như: Dân chủ xã hội chủ nghĩa là bản chất của chế độ ta, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển đất nước; Bảo đảm dân chủ được thực hiện trong thực tế cuộc sống ở mỗi cấp, trên tất cả các lĩnh vực; Dân chủ gắn liền với kỷ luật, kỷ cương và phải được thể chế hóa bằng pháp luật, được pháp luật bảo đảm; thực hiện phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”; tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy, xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển bền vững về kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội, môi trường..., tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc; khơi dậy mọi tiềm năng và nguồn lực, tạo động lực mới cho sự phát triển nhanh và bền vững đất nước; “cấp ủy, tổ chức đảng và các tổ chức trong hệ thống chính trị, đội ngũ đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức nêu gương thực hành dân chủ, tuân thủ pháp luật, đề cao đạo đức xã hội”. Tổ chức có hiệu quả, thực chất việc nhân dân tham gia giám sát, đánh giá hiệu quả hoạt động của các tổ chức trong hệ thống chính trị, phẩm chất, năng lực của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Lấy kết quả công việc, sự hài lòng và tín nhiệm của nhân dân làm tiêu chí quan trọng để đánh giá chất lượng tổ chức bộ máy và chất lượng cán bộ, đảng viên. Đây là những luận điểm, quan điểm, chủ trương thấm nhuần sâu sắc tinh thần khoa học, cách mạng của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và phản ánh sâu sắc nhu cầu khách quan của công cuộc đổi mới, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta hiện nay. Do vậy, cần đẩy mạnh việc cụ thể hóa, thể chế hóa những quan điểm, luận điểm, chủ trương đúng đắn trên đây thành các quy định, quy chế của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để triển khai thực thi trong thực tiễn đời sống.


Thứ ba, tổ chức thực hiện nghiêm minh, sáng tạo đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Trong đó, trọng tâm là giải quyết đúng đắn, hài hòa trên thực tế mối quan hệ giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý và nhân dân làm chủ; giữa thực hành dân chủ và tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương trên tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội. Cấp ủy, tổ chức đảng, các tổ chức trong hệ thống chính trị, đội ngũ đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức thực sự nêu gương thực hành dân chủ, tuân thủ pháp luật, đề cao đạo đức xã hội; dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, dám hành động vì lợi ích chung. Ai không dám vì dân, vì nước phải đứng sang một bên. Ai yếu kém, hư hỏng phải được thay thế kịp thời. Dân chủ phải được thực hiện đầy đủ, sâu rộng và thực chất hơn; kỷ cương, phép nước phải được thực hiện nghiêm minh, triệt để, công bằng hơn; các rào cản, vướng mắc, các điểm nghẽn phải được dỡ bỏ; mọi tổ chức cá nhân vi phạm dân chủ, tham ô, tham nhũng, suy thoái về chính trị tư tưởng, đạo đức lối sống, vi phạm pháp luật đều phải xử lý nghiêm minh, kịp thời để không ngừng củng cố sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng và đồng thuận trong xã hội nhằm tạo niềm tin, động lực cho sự phát triển nhanh, lành mạnh và bền vững của đất nước và chế độ xã hội chủ nghĩa./.

Không có nhận xét nào: