Chủ nghĩa dân túy đã và đang phát triển mạnh mẽ, tác động trực tiếp đến hệ thống chính trị ở nhiều quốc gia trên thế giới và ảnh hưởng đến quan hệ quốc tế đương đại. Tại Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước, chủ nghĩa dân túy chưa hình thành trào lưu có ảnh hưởng đến đời sống chính trị - xã hội, tuy nhiên đã có những biểu hiện của chủ nghĩa dân túy, nhất là trong cán bộ, đảng viên. Việc kịp thời nhận diện và tổ chức phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với những biểu hiện của chủ nghĩa dân túy trong cán bộ, đảng viên là rất bức thiết để hạn chế những hậu quả tiêu cực, tạo môi trường hoà bình, ổn định phục vụ sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.
Thuật ngữ “chủ nghĩa dân túy” được sử dụng từ những năm 1890 tại Mỹ trong phong trào thúc đẩy người dân nông thôn và Đảng Dân chủ chống lại những người Đảng Cộng hòa thường sống tập trung ở đô thị. Thuật ngữ này cũng được sử dụng để nói đến phong trào của các trí thức ở Nga tự ghét bỏ tầng lớp của mình và đồng cảm với giai cấp nông dân vào thế kỷ XIX. Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, thuật ngữ chủ nghĩa dân túy được sử dụng khá lỏng lẻo để chỉ những phong trào chính trị - xã hội khác nhau, từ chủ nghĩa phát xít đến chủ nghĩa cộng sản... Đến năm 2004, Cas Muddle, giáo sư chính trị học tại Đại học Georgia đã đưa ra một khái niệm ngày càng có ảnh hưởng về chủ nghĩa dân túy, cho rằng đây là một “hệ tư tưởng mỏng”, chỉ đơn thuần xây dựng lên một khuôn khổ: một dân tộc trong sạch chống lại một tầng lớp tinh hoa mục nát[1]. Giải thích xã hội theo cách rất đơn giản rằng xã hội bị phân hóa thành hai tuyến giữa một bên là người dân và bên kia là “giới tinh hoa” - những người có quyền thế nắm giữ quyền lực chính trị, tài sản hoặc đặc quyền, đặc lợi, có trình độ chuyên môn trong xã hội. Những người theo chủ nghĩa dân túy cho rằng người dân thì trong sạch, trong khi giới tinh hoa thì tham nhũng, thường xuyên nói dối, tìm cách kiểm soát và nô dịch nhân dân.
Tuy có rất nhiều cách hiểu và định nghĩa khác nhau về chủ nghĩa dân túy nhưng về bản chất có thể coi chủ nghĩa dân túy là “một trào lưu, phong trào chính trị mang tính chất mị dân, sử dụng tâm lý bất mãn của người dân với các vấn đề bất cập trong xã hội, xung đột lợi ích giữa các nhóm đa số và thiểu số trong xã hội để tác động, kêu gọi, tổ chức phong trào nhằm tập hợp, tranh thủ quần chúng phục vụ mục đích chính trị của cá nhân hay tổ chức”.
Chủ nghĩa dân túy có thể phát triển mạnh mẽ ở các xã hội dân chủ theo kiểu phương Tây, nơi có hệ thống chính trị đa đảng phái, “bầu cử tự do” và “xã hội dân sự” hoạt động mạnh vì phương thức đấu tranh chủ yếu của chủ nghĩa dân túy là thông qua bầu cử và đấu tranh nghị trường gắn liền với những cá nhân đại diện có cá tính mạnh mẽ, sức thu hút cá nhân, có tài hùng biện thuyết phục và truyền cảm hứng cho đám đông. Tuy nhiên, các trào lưu dân túy dù phát triển mạnh mẽ nhưng thường chỉ tồn tại trong thời gian ngắn và không bền vững do không có cơ sở chính trị vững chắc vì thiếu sự ủng hộ của giới tinh hoa, không tận dụng được kinh nghiệm của các lực lượng chính trị, xã hội rộng rãi để quản lý, điều hành đất nước một cách hiệu quả.
Trong thời gian từ năm 2016 đến nay, tình hình chính trị - xã hội thay đổi sâu sắc, ảnh hưởng của dịch bệnh, suy thoái kinh tế, xung đột Nga - Ukraine làm tỷ lệ thất nghiệp gia tăng, khoảng cách giàu - nghèo ngày càng sâu sắc, nguy cơ mất hòa bình, ổn định an ninh… đã thúc đẩy chủ nghĩa dân túy phát triển mạnh mẽ gắn liền với chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa biệt lập, ảnh hưởng sâu sắc đến tình hình chính trị thế giới. Qua đó, làm tăng thêm các mâu thuẫn nội bộ tại các quốc gia, phát triển chủ nghĩa bảo hộ, gia tăng cạnh tranh và nguy cơ xung đột trong quan hệ quốc tế. Những sự kiện điển hình của chủ nghĩa dân túy như: những nhà dân túy ở Anh đã khai thác tâm lý lo ngại làn sóng nhập cư sẽ làm xáo trộn văn hoá, bất ổn an ninh, nguy cơ đánh mất cơ hội việc làm của người bản xứ và sự khó khăn của nước Anh khi phải đóng góp khoản ngân sách lớn cho Liên minh Châu Âu (EU) để thành công trong việc vận động người dân bỏ phiếu ủng hộ việc Anh rời EU vào tháng 01/2020, tạo ra nguy cơ EU lâm vào khủng hoảng và sụp đổ; ứng cử viên Đảng Cộng hoà Donald Trump thắng lợi trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11/2016 với khẩu hiệu tranh cử “Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại” cùng với các chính sách như lên án lỗ hổng về thuế khoá, phản đối hiệp định thương mại tự do, chống người nhập cư và cam kết ưu tiên công ăn việc làm cho người dân thông qua các phát ngôn gây sốc trên truyền thông đã đánh trúng sự phẫn nộ của hàng triệu người Mỹ da trắng thuộc tầng lớp lao động và trung lưu để trở thành tổng thống của nước Mỹ.
Ở Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước, chủ nghĩa dân túy chưa hình thành trào lưu có ảnh hưởng đến đời sống chính trị - xã hội. Tuy nhiên, đã có một số vụ việc có những biểu hiện bước đầu của chủ nghĩa dân túy, bị các thế lực thù địch, phản động bên ngoài lợi dụng để hoạt động chống phá, tiêu biểu như: lợi dụng việc người dân ở tỉnh Bình Thuận phản đối mức độ ô nhiễm nghiêm trọng của Nhà máy nhiệt điện BOT Vĩnh Tân 1 chưa được chính quyền địa phương giải quyết triệt để và nhiều ý kiến trái chiều, quan ngại liên quan yếu tố nước ngoài về dự thảo Luật Đơn vị hành chính đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc và Luật An ninh mạng, các thế lực thù địch trong và ngoài nước, các đối tượng bất mãn, cơ hội chính trị, thoái hoá, biến chất đã nhanh chóng phụ hoạ, bôi nhọ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, xuyên tạc phát biểu của các đại biểu Quốc hội, chuyên gia, trí thức rằng cho thuê đất 99 năm là bán nước, Luật An ninh mạng bóp nghẹt tự do, dân chủ, xâm phạm quyền tự do ngôn luận để kích động một bộ phận người dân thiếu hiểu biết tham gia biểu tình, đập phá trụ sở cơ quan công quyền làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh Bình Thuận nói riêng và cả nước nói chung.
Sự việc trên cho thấy chủ nghĩa dân túy có thể phát triển ở nước ta dưới sự tác động của chủ nghĩa dân túy trên thế giới và những yếu tố bất ổn nội tại như: tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, tham ô, tham nhũng, “lợi ích nhóm” của một bộ phận cán bộ, đảng viên; sự gia tăng phân hóa giàu - nghèo, bất bình đẳng trong xã hội; xung đột xã hội, tranh chấp, khiếu kiện, nhất là liên quan đất đai, ô nhiễm môi trường, dân tộc, tôn giáo chưa được giải quyết triệt để; việc thực hiện quy định dân chủ tại một số nơi còn chưa nghiêm túc dẫn đến bức xúc trong quần chúng nhân dân... Nếu chủ nghĩa dân túy bị bị các thế lực thù địch và phần tử xấu lợi dụng để chống phá Đảng, Nhà nước sẽ đem lại hậu quả xấu cho sự ổn định và phát triển của đất nước.
Hiện nay, chủ nghĩa dân túy cũng đã dần len lỏi, xâm nhập vào đội ngũ cán bộ, đảng viên, thể hiện dưới dạng thủ đoạn chính trị của các cá nhân có những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” để đạt được mục đích chính trị, lợi ích cá nhân, những biểu hiện cụ thể có thể khái quát:
Thứ nhất, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tham ô, tham nhũng, cục bộ, địa phương, thiếu dân chủ trong lãnh đạo, điều hành, thao túng công tác cán bộ, trù dập những người dám đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng, dân chủ hình thức để áp đặt đoàn kết xuôi chiều nhằm phục vụ ý đồ cá nhân, “lợi ích nhóm”. Tuy nhiên, những biểu hiện này lại được “ngụy trang” dưới danh nghĩa hành động quyết liệt, tinh thần “dám nghĩ, dám làm, dám nhận trách nhiệm” vì lợi ích chung của tập thể và nhân dân mà không có động cơ vụ lợi cá nhân, đồng thời lợi dụng truyền thông, mạng xã hội để “đánh bóng tên tuổi”, thu hút sự ủng hộ của quần chúng, tranh thủ phiếu bầu trong các cuộc bầu cử.
Thứ hai, có những phát ngôn “theo đuôi quần chúng”, đặt lợi ích trước mắt của một bộ phận quần chúng lên trên dù không đúng với chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Những cán bộ, đảng viên này thường là những người có chức vụ, quyền hạn ở các cơ quan dân cử, là trí thức, chuyên gia, nhà khoa học lợi dụng các cuộc họp, hội nghị, hội thảo, các buổi tiếp xúc cử tri để đưa ra những quan điểm, thông tin, phát biểu “gây bão” phù hợp với lợi ích cục bộ và tâm lý của một bộ phận quần chúng về các vấn đề đang được dư luận xã hội quan tâm, tập trung khoét sâu vào những tồn tại, hạn chế, khuyết điểm của chính quyền trong công tác quản lý nhà nước nhằm tạo sự chú ý, được truyền thông tung hô, tạo ảnh hưởng lớn đến quần chúng.
Thứ ba, phát ngôn, soạn thảo “hồi ký”, “nhật ký”, cung cấp thông tin tiêu cực, thiếu kiểm chứng liên quan quá trình công tác, vấn đề nội bộ các cơ quan, đơn vị đã hoặc đang công tác để bịa đặt, xuyên tạc, lừa bịp nhân dân về tình hình chính trị nội bộ Đảng; lợi dụng những hạn chế, thiếu sót trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước để gieo rắc sự nghi ngờ trong quần chúng nhân dân về khả năng lãnh đạo, điều hành của Đảng, Nhà nước qua các thời kỳ. Qua đó, phủ định chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh; quy kết thể chế chính trị ở Việt Nam tạo lập vị trí của Đảng đứng trên Hiến pháp, cho rằng Đảng đã và đang tham nhũng quyền lãnh đạo, cai trị đất nước, chuyên quyền, độc đoán; từ đó đòi “đa nguyên chính trị”, “tam quyền phân lập”, phát triển “xã hội dân sự”, xây dựng chế độ theo kiểu “dân chủ phương Tây”.
Thứ tư, một số cán bộ, đảng viên có biểu hiện bất mãn, thể hiện rõ tư tưởng chính trị cấp tiến, đối lập, bị các thế lực thù địch, đối tượng chính trị, phản động lôi kéo, mua chuộc, xúi giục tham gia các hoạt động chống Đảng, Nhà nước. Các thế lực thù địch, phản động sẽ tích cực lợi dụng “cái mác” đã hoặc đang là “cán bộ, đảng viên” của các đối tượng này để ra sức tuyên truyền, tung hô, tổ chức “phỏng vấn”, livestream trên các phương tiện “truyền thông lề trái”, trên không gian mạng... để thu hút sự quan tâm, ủng hộ của quần chúng, từ đó tạo dựng thành “ngọn cờ” trong “phong trào chống Đảng, Nhà nước”.
Sự hình thành và phát triển của chủ nghĩa dân túy trong cán bộ, đảng viên xuất phát từ nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan như: 1- Bản thân một bộ phận cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng, rèn luyện, giảm sút ý chí phấn đấu sa vào chủ nghĩa cá nhân, không đủ bản lĩnh để vượt qua những cám dỗ từ lợi ích vật chất, tham vọng quyền lực, danh vọng, đây là nguyên nhân chủ yếu, mang tính quyết định đến việc mắc phải những biểu hiện của chủ nghĩa dân túy ở cán bộ, đảng viên; 2- Công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, quản lý cán bộ, đảng viên ở một số chi, đảng bộ còn lỏng lẻo, lơ là, chưa được quan tâm đúng mực, chưa tạo được sức “đề kháng” cho cán bộ, đảng viên trước những biểu hiện chủ nghĩa dân túy; 3- Công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng, xử lý các sai phạm của cán bộ, đảng viên liên quan các biểu hiện của chủ nghĩa dân túy chưa được chú trọng và thực hiện nghiêm túc; 4- Công tác thông tin, tuyên truyền về những biểu hiện của chủ nghĩa dân túy còn ít về số lượng và chất lượng chưa cao; 5- Công tác quản lý, điều hành của cấp ủy, chính quyền một số nơi vẫn còn thiếu sót làm suy giảm niềm tin của quần chúng nhân dân, tạo điều kiện để chủ nghĩa dân túy có “đất hoạt động”.
Trong thời gian tới, sự phát triển của chủ nghĩa dân túy trong cán bộ, đảng viên sẽ là một yếu tố tác động tiêu cực đến sự ổn định chính trị - xã hội, an ninh, quốc phòng ở Việt Nam vì bản thân chủ nghĩa dân túy mang tính chất đối kháng về tư tưởng đối với sự lãnh đạo của Đảng, nếu phát triển thành phong trào rộng rãi sẽ gây suy giảm niềm tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa; gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, đoàn kết toàn dân; đào sâu các vấn đề mâu thuẫn xã hội, gây khó khăn cho công tác xử lý, giải quyết của chính quyền; ảnh hưởng đến việc xây dựng môi trường hòa bình, ổn định cho sự phát triển của đất nước và làm giảm uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Để nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh với những biểu hiện của chủ nghĩa dân túy trong cán bộ, đảng viên, cần thực hiện tốt một số nội dung sau:
Một là, tiếp tục nghiên cứu, vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong công cuộc xây dựng đất nước, giữ vững bản chất giai cấp công nhân của Đảng; đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh để củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa. Tập trung cụ thể hoá, thể chế hoá kịp thời các chủ trương của Đảng, hoàn thiện hệ thống pháp luật; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp, các tổ chức chính trị xã hội và quần chúng nhân dân để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Nhà nước, khắc phục những hạn chế, thiếu sót trong công tác quản lý, điều hành đất nước.
Hai là, nắm bắt và giải quyết hiệu quả các vấn đề mâu thuẫn xã hội để triệt tiêu cơ sở phát triển của chủ nghĩa dân túy. Cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là cấp cơ sở phải sâu sát với nhân dân, thực hiện nghiêm túc các quy định, quy chế về phát huy dân chủ ở cơ sở; thực hiện tốt công tác tiếp công dân, đối thoại với nhân dân, giải quyết những kiến nghị, lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhân dân; xử lý kịp thời, dứt điểm các vấn đề bức xúc liên quan đến đời sống nhân dân, các vụ tranh chấp, khiếu kiện đông người, phức tạp, không để các đối tượng dân túy xuyên tạc, lôi kéo người dân tập trung đông người gây rối an ninh, trật tự hình thành các “điểm nóng”.
Ba là, tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác nghiên cứu lý luận và thực tiễn liên quan chủ nghĩa dân túy, kịp thời nhận diện các biểu hiện mới của chủ nghĩa dân túy, nhất là trong cán bộ, đảng viên để thông tin, tuyên truyền rộng rãi bằng nhiều hình thức phù hợp như: tuyên truyền thông qua kênh thông tin nội bộ của Đảng và các cơ quan, ban, ngành; thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, mạng Internet; thông qua việc tổ chức các hội nghị, hội thảo... để đông đảo cán bộ, đảng viên nắm bắt và chủ động nhận diện, phòng ngừa. Tổ chức hiệu quả công tác đấu tranh phản bác, cung cấp thông tin kịp thời, đầy đủ cho quần chúng nhân dân liên quan những luận điệu xuyên tạc, mị dân của các đối tượng dân túy, không để người dân bị lợi dụng tham gia các hoạt động chống phá chính quyền, gây mất an ninh, trật tự.
Bốn là, bản thân mỗi cán bộ, đảng viên phải tự tu dưỡng, rèn luyện bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, tích cực học tập nâng cao trình độ, kiến thức chuyên môn; quán triệt và nhận diện đúng 27 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, gắn với đấu tranh tự phê bình và phê bình để phòng ngừa các biểu hiện của chủ nghĩa dân túy. Đây là yếu tố quan trọng và mấu chốt trong công tác phòng ngừa với những biểu hiện của chủ nghĩa dân túy trong cán bộ, đảng viên vì suy cho cùng thì “cán bộ là cái gốc của mọi công việc”[2], nếu cán bộ, đảng viên tự tạo được “sức đề kháng” mạnh mẽ thì sẽ không sa vào những biểu hiện của chủ nghĩa dân túy.
Năm là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật Đảng của các chi, đảng bộ, kịp thời phát hiện, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp cán bộ, đảng viên có biểu hiện dân túy, không để các thế lực thù địch, phản động có điều kiện lợi dụng móc nối, lôi kéo tiến hành các hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước. Đồng thời, thực hiện tốt công tác nắm tình hình, kịp thời phát hiện, đấu tranh ngăn chặn cũng như có đối sách phù hợp, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật, xâm phạm an ninh quốc gia của những cán bộ, đảng viên có biểu hiện của chủ nghĩa dân túy, trong đó chú trọng công tác cảm hoá, giáo dục để họ có thể nhận thức được những sai lầm, vi phạm của bản thân, thể hiện chính sách nhân đạo, nhân văn của Đảng, Nhà nước ta để họ sửa chữa, khắc phục, đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét