Thứ Tư, 5 tháng 7, 2023

Sự ngoan cố của Chu Mộng Long!

 

Sự việc nữ sinh Nguyễn Trần Ban Mai ở Hà Tĩnh làm bài thi ngữ văn trong kỳ thi vào lớp 10 dài 21 trang giấy, được chấm 9,75 điểm gây không ít xôn xao thời gian qua.

Càng “nóng” hơn khi ngay sau đó tiến sĩ Chu Mộng Long (tên thật là Châu Minh Hùng) đã đăng tải bài chia sẻ với tiêu đề “Dạy văn dạy bốc phét” để bàn về nữ sinh này. Từ nhận định bài văn 21 trang được viết “nhanh như một cái máy chạy chữ tự động”, vị tiến sĩ này dùng nhiều ngôn từ, suy đoán xúc phạm nữ sinh này như “không có não”, “cái tay nhanh hơn cái não”, “ra đời bốc phét”… đăng kèm hình ảnh cô bé.

Đáng nói, bên dưới bình luận lại xuất hiện khá nhiều ý kiến đồng tình mang tính “góp vui” khi tiếp tục công kích nữ sinh. Quan điểm của Chu Mộng Long gây không ít tranh cãi buộc vị tiến sĩ này phải lên tiếng xin lỗi và khẳng định đây là việc “gây hiểu nhầm”.

Trên trang cá nhân, người này khẳng định bài viết “Dạy văn dạy bốc phét” của mình không hề có ý công kích em học sinh.

Ông Chu Mộng Long cho biết, ở bài viết này, ông viết trong trạng thái hốt hoảng chứ không phải thịnh nộ. Hốt hoảng vì kì thi với yêu cầu quá sức làm cho nhiều trẻ em căng thẳng đến phờ phạc khiến “người có tâm không thể không hốt hoảng”.

Ông cho hay, con ông cũng từng là nạn nhân của lối học hành thi cử quá sức nặng nề như vậy, không thể không đau.

Theo vị tiến sĩ, chưa ai chứng minh được chất lượng bài thi thế nào mà chỉ đưa ra thông tin độ dài 21 trang để minh chứng cho việc chấm điểm 9,75 là khoa trương hình thức và thành tích, rất nguy hại. Lấy độ dài viết văn làm kỉ lục để các cháu bé mỗi kì thi phấn đấu vượt qua là vô cùng có hại.

Theo ông Long, ý định thể hiện là thế nhưng ông không ngờ lời lẽ trong bài viết đã gây hiểu nhầm, khiến nhiều người hiểu sai rằng ông công kích em nữ sinh.

“Dẫu thế nào thì việc để người đọc hiểu nhầm thì vẫn là lỗi của người viết. Thật lòng tôi gửi lời xin lỗi đến em bé, gia đình em bé, và tất cả các bạn đọc”, tiến sĩ Chu Mộng Long viết.

Người này cũng nói thêm, trên 4.000 like (thích) và hàng trăm ý kiến ủng hộ ông trong bài viết ấy, “nếu thấy gây tổn thương cho em bé thì cũng nên xin lỗi cho ra người lớn”. Đồng thời, người này cảm ơn những người đã góp ý, thậm chí mạt sát, nhục mạ. Bởi nhờ những lời công kích gây tổn thương đó mà ông có thêm bài học sâu sắc.

Đáng chú ý, phía cuối bài chia sẻ, tiến sĩ Chu Mộng Long đưa ra một quyết định vô cùng táo bạo đó là: “Sau bài này tôi tự đóng cửa tu một tháng để sám hối”.

Dù đã lên tiếng xin lỗi nhưng nhiều bình luận lại cho rằng “tác giả xin lỗi nhưng không nhận lỗi” khi cho rằng do người đọc hiểu lầm./.

Không có nhận xét nào: