Vạch trần hành động đội lốt “nhân quyền” để tung hô, cổ xúy cho đối tượng vi phạm pháp luật của Phil Robertson
Ngày 13/7, Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội đã xét xử và tuyên án phúc thẩm đối với Trương Văn Dũng (sinh năm 1958, trú tại số 69, ngõ 73, Nguyễn Lương Bằng, phường Nam Đồng, quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội) về tội “Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” theo quy định tại Điều 88, Bộ luật Hình sự.
Ngay sau đó, trên VOA Tiếng Việt đăng status trích phát biểu của ông Phil Robertson, Phó Giám đốc Ban châu Á của cái gọi là Tổ chức Theo dõi nhân quyền (HRW – Human Rights Watch) nói rằng: “Ông Trương Văn Dũng đã dũng cảm đứng lên đấu tranh chống suy thoái môi trường, chống chiếm đoạt đất đai và tham nhũng, đáng được tuyên dương chứ không phải bị bỏ tù”! Ngoài ra, trên một số trang web phản động ở nước ngoài, ông Phil Robertson còn có những phát biểu bày tỏ rõ quan điểm bênh vực, bao che, cố xúy hành động sai trái và đòi trả tự do cho Trương Văn Dũng. Trong khi đó trên thực tế, hành vi lợi dụng quyền tự do ngôn luận để tuyên truyền, chống phá Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Trương Văn Dũng là rất rõ ràng.
Về hành vi của Dũng: từ tháng 10/2015 đến tháng 5/2022, thông qua trả lời chương trình “Từ cánh đồng mây” tại một file video và một file audio, Trương Văn Dũng có hành vi tuyên truyền, xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân; tuyên truyền những luận điệu “chiến tranh tâm lý”, phao tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân thông qua các bài phỏng vấn, video, clip đăng tải trên mạng xã hội. Dũngcòn có hành vi tàng trữ tài liệu dạng sách với tiêu đề “Những mảnh đời sau song sắt” và 11 tài liệu dạng sách với tiêu đề “Chính trị bình dân” có nội dung xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân, tuyên truyền thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân, v.v. Cùng với đó, Dũng còn có 31 băng rôn, biểu ngữ in trên vải bạt và 11 tài liệu in trên giấy với nhiều kích thước khác nhau có nội dung chống Nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Sau khi xem xét, đánh giá tài liệu, chứng cứ thu thập được và lời khai tại phiên tòa, Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội đã tuyên Trương Văn Dũng y án sơ thẩm “6 năm tù về tội “Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Mọi tình tiết liên quan đến vụ án đã rõ như ban ngày, thế nhưng thật là nực cười, trong con mắt của ông Phil Robertson, Trương Văn Dũng lại được cổ xúy là: “đã dũng cảm đứng lên đấu tranh chống suy thoái môi trường, chống chiếm đoạt đất đai và tham nhũng, đáng được tuyên dương chứ không phải bị bỏ tù”.
Không chỉ ở Việt Nam mà mọi quốc gia trên thế giới đều tôn trọng quyền tự do dân chủ của công dân trong khuôn khổ luật pháp. Ví dụ như: Điều 18, Hiến pháp Cộng hòa Liên bang Đức ghi rõ: “Ai lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, đặc biệt là tự do báo chí, tự do tuyên truyền… làm công cụ chống lại trật tự của xã hội tự do dân chủ sẽ bị tước bỏ quyền công dân”. Điều 19, Tuyên ngôn Quốc tế về nhân quyền khẳng định: “Mọi người đều có quyền tự do ngôn luận và bày tỏ quan điểm… bày tỏ qua mọi phương tiện truyền thông”. Tuy nhiên, tại Điều 29 của văn bản này cũng khẳng định: “Trong việc hành xử nhân quyền và thụ hưởng tự do, mọi người phải chịu những hạn chế do luật định,… nhằm thỏa mãn những đòi hỏi chính đáng về luân lý, trật tự công cộng và nền an sinh chung”. Nguyên Tổng thư ký Liên hợp quốc, ông Ban Ki-moon cũng từng khẳng định: “Quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí,… chỉ được bảo vệ khi nó được dùng vào các mục đích công lý và phục vụ cộng đồng”. Rõ ràng những hành vi của Trương Văn Dũng vừa trái với Công ước quốc tế, vừa vi phạm pháp luật Việt Nam. Cũng như nhiều quốc gia khác trên thế giới, Việt Nam công nhận, bảo đảm việc thực thi quyền tự do ngôn luận, tự do hội họp, lập hội của công dân nhưng phải theo quy định của pháp luật. Những hành vi lợi dụng các quyền này để chống phá chính quyền nhà nước thì không chỉ ở Việt Nam, mà bất kỳ quốc gia nào khác trên thế giới cũng đều không thể chấp nhận.
Vì thế, những phát biểu của ông Phil Robertson cho thấy rõ sự hồ đồ, xuyên tạc, bằng cách tiếp cận hết sức thiển cận, chủ quan, phiến diện đối với các quy định của Công ước quốc tế và pháp luật Việt Nam về quyền con người. Đây cũng là hành động cố tình đội lốt “nhân quyền”, coi tự do, dân chủ, nhân quyền là tấm bình phong để tung hô, cổ xúy cho đối tượng có hành vi sai trái, vi phạm pháp luật và can thiệp thô bạo vào công việc nội bộ của Việt Nam. Hành động đó cần được lên án và đấu tranh bác bỏ./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét