Thứ Hai, 28 tháng 8, 2023

ĐẤU TRANH CHỐNG CÁC LUẬN ĐIỆU XUYÊN TẠC VỀ VẤN ĐỀ DÂN CHỦ, NHÂN QUYỀN Ở VIỆT NAM

 

ĐẤU TRANH CHỐNG CÁC LUẬN ĐIỆU XUYÊN TẠC VỀ VẤN ĐỀ DÂN CHỦ, NHÂN QUYỀN Ở VIỆT NAM

Vấn đề “tự do”, “nhân quyền” luôn là chủ đề các thế lực thù địch sử dụng để xuyên tạc, chống phá Việt Nam. Thời gian gần đây, các thế lực thù địch, phản động luôn triệt để lợi dụng vấn đề nhân quyền để can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam. Chúng phát tán các bài viết, đưa ra các quan điểm xuyên tạc tình hình nhân quyền ở Việt Nam, vu cáo Việt Nam vi phạm “nhân quyền”. Đáng chú ý, ngày 11/8/2023, trên trang blog Việt Nam Thời Báo tán phát bài “Báo cáo thực thi công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị lần 4 của Việt Nam viết gì?”; ngày 14/8/2023, trên trang facebook Việt Tân, đối tượng Hòa Hưng tán phát bài “Hành hương cho nhân quyền Việt Nam”, nội dung xuyên tạc tình hình tự do, dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam; vu cáo chính quyền “ngăn cấm” công dân thực hiện quyền quản lý nhà nước và xã hội, “vi phạm” nghiêm trọng quyền con người trong xét xử các vụ án; đồng thời, kêu gọi quốc tế “ngừng hợp tác” với Việt Nam khi “chưa cải thiện vấn đề nhân quyền”.

Có thể thấy rõ, đây vẫn là những chiêu trò đổi trắng, thay đen, bóp méo xuyên tạc lịch sử của thế lực thù địch, lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền và những hạn chế, yếu kém trong quản lý xã hội để ra sức xuyên tạc, chống phá Đảng, Nhà nước ta; mặc dù không phải là những chiêu trò mới, song cũng hết sức sâu hiểm, thâm độc.

Việt Nam nhận thức sâu sắc quyền con người là giá trị chung của các quốc gia, dân tộc và giá trị đó được cộng đồng quốc tế ghi nhận, được ghi rõ trong Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền năm 1948; vì thế tôn trọng, thực thi, bảo vệ nhân quyền là một chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước Việt Nam. Chúng ta không chỉ ủng hộ những tư tưởng tiến bộ về quyền con người được Liên hợp quốc khẳng định trong Tuyên ngôn và các văn kiện quan trọng khác, mà còn nỗ lực xây dựng, triển khai các chính sách để bảo vệ, thúc đẩy quyền con người phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam và sự quyết tâm, thực thi đó đã đạt được các kết quả nổi bật, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Và không phải ngẫu nhiên mà Việt Nam được bình chọn vào Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023 – 2025, đó là nhờ những thành tựu to lớn mà chúng ta đã đạt được trong thực hiện vấn đề nhân quyền, đúng như nhận định của ông Jean - Pierre Archambault, nguyên Tổng thư ký Hội Hữu nghị Pháp - Việt khi cho rằng: “Bảo đảm tốt quyền con người là một trong những thành tựu của công cuộc Đổi mới ở Việt Nam, những kết quả đạt được trong lĩnh vực bảo đảm quyền con người của Việt Nam là không thể phủ nhận”.

Theo báo cáo năm 2020 của Chương trình Phát triển của Liên Hợp Quốc UNDP, Việt Nam đã vào nhóm các nước có Chỉ số phát triển con người (HDI) ở mức cao trên thế giới, xếp thứ 117/ 189 quốc gia và vùng lãnh thổ. Từ năm 1990 đến 2019, giá trị HDI của Việt Nam đã tăng gần 46%, nằm trong số các nước có tốc độ tăng HDI cao nhất trên thế giới. Chính sách nhất quán của Nhà nước Việt Nam là thúc đẩy quyền con người, trong đó có các quyền tự do cơ bản được quy định cụ thể trong Hiến pháp 2013 cũng như nhiều văn bản pháp luật liên quan.

Thực tiễn lịch sử đã chứng minh, thúc đẩy, bảo vệ, bảo đảm quyền con người là quan điểm nhất quán, xuyên suốt mọi đường lối chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước Việt Nam. Trong những năm qua, vấn đề nhân quyền và bảo vệ quyền con người luôn được Đảng, Nhà nước hết sức quan tâm. Đại hội XIII của Đảng xác định: “Tiếp tục cụ thể hóa, hoàn thiện thể chế thực hành dân chủ…, bảo đảm tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân”, thực hiện phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, đây chính là sự cụ thể hóa các tư tưởng lập hiến đã nêu trong Hiến pháp 2013 và trở thành các mục tiêu, định hướng phát triển đất nước từ năm 2021 đến 2025, 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.

Do đó, những luận điệu cho rằng: Việt Nam “vi phạm” nhân quyền; “giới hạn” quyền chính trị, dân sự; “ngăn cấm” quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội của công dân; “vi phạm” tự do lập hội… chỉ là sự ngụy biện, đánh tráo khái niệm của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị rêu rao nhằm đạt được mưu đồ, thủ đoạn chống phá của chúng. Chúng ta, những công dân chân chính của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, cần nhận thức rõ vấn đề này và kiên quyết đấu tranh loại bỏ những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch để bảo vệ quyền con người, quyền công dân mà chúng ta đang thụ hưởng trên cơ sở hiểu biết và thực thi theo đúng hiến pháp, pháp luật./.

 

Không có nhận xét nào: