Thứ Hai, 28 tháng 8, 2023

ĐẤU TRANH TRÊN MẠNG XÃ HỘI CẦN THỂ HIỆN ĐÚNG MỰC

 

ĐẤU TRANH TRÊN MẠNG XÃ HỘI CẦN THỂ HIỆN ĐÚNG MỰC


Thời gian qua, việc cư dân mạng có nhiều bài viết, ý kiến đăng tải trên mạng xã hội phê phán luận điệu sai trái, vạch trần thủ đoạn xuyên tạc, bịa đặt, vu cáo của các thế lực thù địch, giúp dư luận ở trong nước và nước ngoài có nhận thức đúng về nhiều vấn đề, sự kiện, hiện tượng,… đã trở thành phong trào rộng khắp và được  hoan nghênh một cách mạnh mẽ. Điều đó cho thấy ý thức chính trị và trách nhiệm xã hội của người dân ngày càng được nâng cao, luôn dõi theo và góp phần xây dựng sự ổn định, phát triển của đất nước. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, vì thiếu bình tĩnh, thiếu sự cẩn trọng cần thiết đã vội vàng bình luận, thậm chí tranh cãi, phê phán, tạo cớ cho các đối tượng chống phá lợi dụng. Từ đó, dẫn đến biến tướng, chệch hướng hoạt động đấu tranh.

Hoạt động đấu tranh trên mạng xã hội hiện nay chủ yếu còn mang tính tự phát và tức thời, một số người thể hiện ý kiến trên mạng xã hội còn chưa chú ý tới việc nâng cao chất lượng bài viết, video, bình luận. Không ít trường hợp trong một số bối cảnh không giữ được "cái đầu lạnh" nên phát ngôn thiếu chuẩn mực, có thể đẩy tới hậu quả ngoài ý muốn. Điều đó có thể tạo cơ hội cho các tổ chức nước ngoài có cớ để xếp Việt Nam trong "nhóm quốc gia ứng xử kém văn minh trên internet". Ðó là điều rất cần cảnh tỉnh, vì trong quá khứ, một số người Việt Nam thể hiện lòng yêu nước một cách thái quá đã đưa tới một số sự cố trên internet và mạng xã hội. Bên cạnh đó, vì muốn nhanh chóng đưa ra trước pháp luật các tổ chức, cá nhân có phát ngôn, hành vi chống phá đất nước, mà một số fanpage, tài khoản cá nhân tỏ ra nóng vội khi đăng tải bài viết, video có những chi tiết, nội dung chưa thật sự chuẩn xác. Bài viết, hình ảnh tuy trước đó nhận được nhiều lượt thích, bình luận ủng hộ từ cộng đồng mạng song giá trị cảnh báo, răn đe cái xấu vì vậy mà bị suy giảm.

Chính vì vậy, người sử dụng mạng xã hội cần hết sức tỉnh táo, cẩn trọng khi phát ngôn, bình luận, không để ý kiến chỉ ra đời từ nhận thức cảm tính, tránh rơi vào cạm bẫy của kẻ xấu, cần khảo sát kỹ lưỡng từ thông tin, tư liệu đã được kiểm chứng. Việc phản biện, phê phán rất cần dựa trên cơ sở luận chứng chặt chẽ để có sức thuyết phục, có khả năng nhận diện, vạch trần bản chất của kẻ xấu. Chúng ta cần thể hiện đúng mực, đúng chỗ tính đấu tranh sẽ góp phần lan tỏa, nhân thêm sức mạnh chân lý, đập tan sự chống phá điên cuồng của các thế lực thù địch./.

KHÔNG THỂ PHỦ NHẬN KẾT QUẢ CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG, TIÊU CỰC CỦA ĐẢNG, NHÀ NƯỚC TA

             Trong những năm qua, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở nước ta được lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ, toàn diện, đi vào chiều sâu, với quyết tâm chính trị rất cao, đạt nhiều kết quả rõ rệt, đột phá, được nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao. Báo cáo tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012-2022 có nêu “10 năm qua, cấp ủy, Ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 2.700 tổ chức đảng, gần 168 nghìn đảng viên, trong đó có hơn 7.390 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng. Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban kiểm tra Trung ương đã kỷ luật hơn 170 cán bộ cấp cao diện Trung ương quản lý, trong đó có Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng và sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang. Công tác thanh tra, kiểm toán đã kiến nghị xử lý trách nhiệm gần 44.700 tập thể, cá nhân sai phạm; kiến nghị thu hồi, xử lý tài chính hơn 975 nghìn tỷ đồng, gần 76 nghìn ha đất; chuyển cơ quan điều tra gần 1.200 vụ việc có dấu hiệu tội phạm để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật…

Tại Phiên họp thứ 23 (ngày 12/1/2023) của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống tham nhũng, tiêu cực đã tổng kết: Trong năm 2022, Ban Chỉ đạo đã xử lý nghiêm minh, kịp thời nhiều vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực, nghiêm trọng, phức tạp mà dư luận xã hội quan tâm. Trong đó, đã thi hành kỷ luật 539 đảng viên do tham nhũng, cố ý làm trái. Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật 47 cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý… Trên cả nước đã khởi tố mới 493 vụ/1.123 bị can về tội tham nhũng (tăng 163 vụ/328 bị can so với năm 2021). Riêng các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo đã khởi tố mới 11 vụ/37 bị can, khởi tố bổ sung 120 bị can trong 22 vụ án.

Đặc biệt, đến ngày 19/6/2023, sau 01 năm hoạt động, các Ban Chỉ đạo về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã kiểm tra, giám sát, thanh tra, đã xử lý, kiến nghị xử lý kỷ luật nhiều tổ chức đảng, đảng viên có hành vi tham nhũng, tiêu cực, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; chuyển 286 vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan điều tra để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật, tăng gấp gần 03 lần so với thời điểm 01 năm trước khi thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh.

Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thời gian qua ở Việt Nam đã được tiến hành rất bài bản, đúng chức năng, nhiệm vụ, thận trọng, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể đó là ai. Với quyết tâm chính trị cao, hành động mạnh mẽ, hiệu quả, công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực ở nước ta được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Theo Báo cáo Chỉ số cảm nhận tham nhũng năm 2022 được Tổ chức Minh bạch Quốc tế công bố ngày 31/01/2023, Việt Nam đã tăng 3 điểm so với năm trước, vươn từ 39 lên 42 trên thang điểm 100 và là 1 trong 6 quốc gia khu vực châu Á – Thái Bình Dương có tiến bộ nổi trội.

            Những kết quả đạt được nêu trên trong công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam thời gian qua là không thể phủ nhận. Kết quả đó đã góp phần củng cố niềm tin, tạo sự đồng thuận trong nhân dân. Đồng thời là minh chứng xác đáng phản bác những luận điệu xuyên tạc, phủ nhận của Quốc Phương và đồng bọn của y về kết quả phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng và Nhà nước ta./.

Không có nhận xét nào: