Công cuộc đổi mới của Việt Nam đã được tiến hành hơn 36 năm (1986 – 2023), tuy còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Một trong những nguyên nhân của những thành tựu đó là sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam với công cuộc đổi mới toàn diện đất nước.
Tuy nhiên, gần đây các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị lại đưa ra những luận điệu xuyên tạc, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, rằng: “Đảng Cộng sản Việt Nam đã hết vai trò lịch sử, không còn đủ khả năng lãnh đạo đất nước”. Do vậy, cần thiết phải nhận diện đúng bản chất của những luận điệu này để tiếp tục khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa.
Phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là một trong những luận điệu thường thấy của các thế lực thù địch nhằm chống phá sự nghiệp cách mạng nước ta. Đây là trọng tâm, là mũi nhọn trong chiến lược “diễn biến hòa bình” với âm mưu cơ bản và lâu dài là tạo ra “khoảng trống” về tư tưởng, chính trị nhằm chia rẽ mối quan hệ gắn bó giữa Đảng với nhân dân. Đây là một âm mưu nguy hiểm, thâm độc liên quan trực tiếp đến uy tín cũng như sự tồn vong của Đảng, của chế độ nên được các thế lực thù địch ráo riết thực hiện với nhiều thủ đoạn tinh vi.
Ở góc độ khác, các thế lực còn khoét sâu vào những hạn chế, khuyết điểm của Việt Nam trong thời gian qua, nhất là tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên để công kích Đảng ta, đòi xóa bỏ điều 4 trong Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về quyền lãnh đạo trưc tiếp, toàn diện của Đảng.
Trong những dịp Đảng, Quốc hội xin ý kiến rộng rãi các tầng lớp nhân dân về dự thảo các văn kiện, nghị quyết, luật…, các hoạt động chống phá lại càng quyết liệt và tinh vi hơn. Dưới hình thức “Thư ngỏ”, nhiều thế lực thù địch bao gồm các lực lượng phản động ở nước ngoài, các phần tử cơ hội chính trị trong nước đã gửi “tâm thư” kêu gọi Đảng ta phải thay đổi để “cứu vớt” đất nước. Những luận điệu này đã lộ rõ bản chất của những kẻ có mưu đồ chống phá – đó là cố tình lờ đi những thành quả không thể phủ nhận của công cuộc đổi mới của Việt Nam và vin vào những hạn chế, khuyết điểm để phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam với công cuộc đổi mới và phát triển đất nước.
Gần đây, vụ việc khủng bố ở Tây Nguyên có bàn tay của các thế lực thù địch. Bởi âm mưu sâu xa của chúng là kêu gọi thành lập “nhà nước Đê Ga tự trị”, “Tây Nguyên là đất của người dân tộc thiểu số”… Chúng ta đều biết, Tây Nguyên là địa bàn có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về an ninh-quốc phòng của đất nước, do đó các thế lực thù địch, phản động từ lâu đã rất quan tâm đến vùng đất này, với mưu đồ chia cắt đất nước ta. Để thực hiện âm mưu thâm độc đó, chúng đã thành lập bộ máy của cái gọi là “Nhà nước Đề Ga độc lập” ở bên ngoài Việt Nam và dùng tổ chức “Tin lành Đề Ga” làm công cụ phát triển lực lượng chống phá trong nước. Việc tước đi sinh mạng của 8 cán bộ chiến sĩ, người dân đã cho thấy sự manh động, tàn bạo, phi nhân tính của nhóm người có tổ chức, vũ trang và mang theo cả cái gọi là “cờ nhà nước Đê Ga” và cũng cho thấy sự đê hèn, thâm độc của các thế lực thù địch.
Hay sự kiện diễn ra ở Liên Xô, một siêu cường với hơn 20 triệu đảng viên trước đây và hơn 4 triệu quân nhân được trang bị vũ khí hiện đại và tinh nhuệ bậc nhất thế giới đã nhanh chóng mất sức chiến đấu, “khoanh tay đứng nhìn”. Nhà nước Xô Viết sụp đổ. Sự kiện này cho thấy, dù là “thành trì vĩ đại” nhưng nếu xa rời, phủ nhận sự lãnh đạo của Đảng Cộng thì cũng dễ dàng bị đánh sập.
Trong những năm tiếp theo, công cuộc đổi mới đất nước sẽ tiếp tục còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng nếu mỗi chúng ta luôn hiểu và vững tin vào sự lãnh đạo của Đảng thì không những góp phần củng cố, gia tăng sức mạnh cho Đảng, giúp Đảng ta tiếp tục lãnh đạo, dẫn dắt cả dân tộc thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, mà còn vạch trần và đấu tranh bác bỏ mọi âm mưu, thủ đoạn phủ nhận, xuyên tạc vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam của các thế lực thù địch, phản động./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét