Trong những năm gần đây, các thế lực thù địch đặc biệt coi trọng vấn đề lợi dụng tôn giáo, coi đây là biện pháp đột phá, mũi xung kích trong việc thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình”. Chúng tập trung vào việc xuyên tạc chủ trương, đường lối, chính sách tôn giáo của Đảng, vu cáo Nhà nước Việt Nam luôn kiểm soát tôn giáo, đàn áp tôn giáo, cấm tôn giáo hoạt động. Trong thực hiện, chúng rất chú trọng gắn vấn đề tôn giáo với vấn đề dân tộc. Chúng tăng cường truyền đạo trái phép ở các vùng dân tộc miền núi, truyên truyền kích động chia rẽ giữa các tôn giáo, nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân. Mới đây, ngày 22/8/2023, RFA đăng bài: “Việt Nam“quản chặt”các tín đồ tôn giáo độc lập” và bài “Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng: Bạo hành với các nạn nhân vì lý do tự do tôn giáo, tín ngưỡng ở Việt Nam ngày càng tệ đi”. Các bài viết trên, nêu nội dung trả lời RFA, của một số tín đồ Tin lành đấng Christ ở Đăk Lắk và của Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, Chủ tịch, kiêm Giám đốc điều hành của tổ chức Ủy ban cứu trợ Người vượt biển (BPSOS). Một người Thượng là tín đồ của Tin lành đấng Christ ở Đắk Lắk trả lời RFA:“Trong một tháng trở lại đây, chúng tôi không thể liên lạc với anh em vì chính quyền làm rất căng. Từ ngày 8/4 cho đến nay, tất cả các điểm sinh hoạt tôn giáo của tín đồ Tin lành đấng Christ ở Đăk Lắk đều không thể nhóm họp lại với nhau nữa. Tình hình càng bị siết chặt hơn từ sau vụ tấn công hai đồn công an ở tỉnh này vào ngày 11/6 vừa qua”. Còn Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, nói với RFA: “Trong cỡ khoảng hai năm trở lại đây, tình hình bạo hành với các nạn nhân vì lý do tự do tôn giáo, tín ngưỡng ở Việt Nam ngày càng tệ đi, nhưng quốc tế không biết,… những nạn nhân phải cam chịu và càng ngày càng nghiêm trọng với tình trạng bị ép bỏ đạo, bị trục xuất khỏi nhà, khỏi làng, khỏi tỉnh của mình và họ trở thành những người vô gia cư, vô tổ quốc của họ, giấy tờ tùy thân cũng bị tịch thu hết, con cái của họ không được ăn học”.“Rồi người Tây Nguyên, tức là người Thượng, cũng vậy, gần đây có vụ nổ súng ở tại Đăk Lăk thì chính quyền nhân thể gia tăng ép những người Tây Nguyên, những người Thượng theo đạo Tin lành mà gọi là Hội thánh Tư gia, tức họ không trực thuộc bất kỳ một tổ chức tôn giáo nào, đặc biệt là các tổ chức tôn giáo mà do nhà nước cấp phép cho hoạt động, họ bị ép bỏ đạo và có những người đã bị tra tấn, đã bị đánh đập …”. Từ đó, RFA xuyên tạc: “Ở Việt Nam, những người muốn sinh hoạt tôn giáo một cách độc lập luôn đối mặt nguy cơ bị chính quyền ngăn cản, sách nhiễu. Nhiều tín đồ tôn giáo độc lập là người dân bản địa cho biết họ thậm chí bị đàn áp ngày càng nặng nề hơn”.
Thực tế ở Đắk Lắk, đa số các chức sắc, tín đồ tôn giáo được tạo điều kiện sinh hoạt tôn giáo bình thường, kể cả sau vụ tấn công của nhóm đối tượng vào trụ sở UBND hai xã thuộc huyện Cư Kuin, ngày 11/6. Riêng với đạo Tin lành, ngoài 5 tổ chức được Nhà nước công nhận (Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Nam), Hội thánh Tin lành Cơ đốc Phục Lâm, Hội thánh Tin lành Trưởng lão, Hội thánh Truyền giáo Cơ đốc, Hội thánh Tin lành Liên hữu Cơ đốc), vẫn còn nhiều tổ chức, hệ phái Tin lành chưa được công nhận tư cách pháp nhân, chưa được đăng ký hoạt động như: Tin lành truyền giảng phúc âm, Tin lành Liên hữu Báp tít,, Tin lành phúc âm đời đời, … với tổng số hàng chục ngàn tín đồ. Các tổ chức, hệ phái này vẫn được tạo điều kiện để hoạt động ổn định. Không có chuyện chính quyền “ bạo hành người dân vì lý do tôn giáo, tín ngưỡng hay bị ép bỏ đạo, bị trục xuất khỏi nhà và trở thành những người vô gia cư, vô tổ quốc, con cái không được ăn học” như Nguyễn Đình Thắng xuyên tạc, vu khống. Riêng “Hội thánh Tin lành đấng Christ Tây Nguyên” (gọi tắt là CHPC) thì khác, và ý kiến của một tín đồ CHPC nêu trên có phần đúng. Xin được nói kỹ hơn về “Hội thánh Tin lành đấng Christ Tây Nguyên” để mọi người hiểu thêm về tổ chức phản động núp bóng tôn giáo này. Tổ chức “Tin lành đấng Christ ” (gọi tắt là UMCC), là một tổ chức phản động Fulro núp bóng đạo Tin lành hoạt động ở Mỹ, do Y Hin Niê thành lập vào năm 2001 (Y Hin Niê người dân tộc Êđê, gốc ở Đắk Lắk, nguyên là “Đại tá, Bộ trưởng Bộ ngoại giao” FULRO III, xuất cảnh định cư ở Mỹ từ năm 1992). Khi thành lập tổ chức này, ý đồ của đối tượng cầm đầu là quy tụ các chức sắc, tín đồ người dân tộc thiểu số (DTTS) Tây Nguyên ở Mỹ và trong nước để tập hợp lực lượng, đấu tranh “đòi” tự do tôn giáo, dân chủ, nhân quyền, tiến tới thành lập “Tôn giáo riêng”, “Nhà nước riêng” của người DTTS Tây Nguyên. Theo sự chỉ đạo của UMCC, tháng 5/2017, một tổ chức phản động được thành lập trong nước có tên gọi “Giáo hội Tin lành đấng Christ Việt Nam” (gọi tắt là ECCV). Tháng 9/2019, do mâu thuẫn về quyền lợi, A Ga (đối tượng Fulro lưu vong ở Mỹ, một trong 3 đối tượng cầm đầu UMCC, hiện đang bị Công an tỉnh Gia Lai truy nã về tội “Tổ chức người khác trốn đi nước ngoài” đã tách khỏi UMCC, đồng thời chỉ đạo những người từng tham gia ECCV thành lập một tổ chức riêng để tiếp tục hoạt động chống phá. Tháng 9/2020, A Ga chính thức thay đổi logo và tên gọi của “Giáo hội Tin lành đấng Christ Việt Nam” thành “Hội thánh Tin lành đấng Christ Tây Nguyên” (gọi tắt là CHPC). A Ga tự nhận mình làm người đại diện, đồng thời chỉ định nhân sự “Ban đại diện” tạm thời trong nước gồm 5 thành viên, do A Đảo (ở Sa Thầy, Kon Tum) làm “Giáo hội trưởng”. Bản chất của “Hội thánh Tin lành đấng Christ Tây Nguyên” chính là tổ chức phản động đội lốt tôn giáo để tiến hành các hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia. A Ga đã liên kết với các tổ chức phản động khác như: “Ủy ban cứu trợ Người vượt biển (BPSOS) ở Mỹ, do Nguyễn Đình Thắng làm Chủ tịch, kiêm Giám đốc điều hành; nhóm “Người Thượng đứng lên vì công lý” (MSFJ) ở Thái Lan của Y Quynh Bdăp; “Hội những người miền núi” (MFL); “Nhân quyền người Thượng” (MHRO); “Người Thượng thống nhất” (UMP) … để tập hợp tín đồ là người DTTS ở Tây Nguyên liên kết với các nhóm Tin lành khác và số đối tượng phản động người Việt lưu vong, lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền, tự do tôn giáo để chống phá Nhà nước; kích động tư tưởng ly khai, tự trị, “bài Kinh”, đấu tranh đòi thành lập “nhà nước riêng”, “tôn giáo riêng” cho người DTTS ở Tây Nguyên. A Ga cấu kết với các đối tượng bên trong để lôi kéo mọi người tham gia CHPC, đồng thời móc nối, lôi kéo, hướng dẫn các tín đồ theo đạo Tin lành thuần túy trong nước tham gia các buổi tập huấn về nhân quyền mà thực chất là các buổi đào tạo cách thức viết “báo cáo vi phạm” về nhân quyền, tự do tôn giáo, đào tạo kỹ năng hoạt động xã hội dân sự, hướng dẫn phương pháp thu thập, cung cấp thông tin sai lệch về tình hình trong nước để xuyên tạc, vu cáo trên mạng xã hội và các diễn đàn quốc tế. Từ những âm mưu, ý đồ hoạt động và những chứng cứ thu được, cơ quan Công an đã kết luận: “Hội thánh Tin lành đấng Christ Tây Nguyên” là tổ chức phản động đội lốt tôn giáo để tiến hành các hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia. Do vậy, cần xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật. Chính quyền và cơ quan công an các tỉnh Tây Nguyên đã tích cực tuyên truyền, vận động, giáo dục, đấu tranh và chỉ rõ cho các tín đồ thấy được mọi hoạt động liên quan đến tổ chức này đều là hành vi vi phạm pháp luật. Kêu gọi, thuyết phục các tín đồ cảnh giác, không tin, không nghe theo sự lôi kéo của các đối tượng cầm đầu, từ bỏ CHPC, góp phần loại bỏ cái gọi là “Hội thánh Tin lành đấng Christ Tây Nguyên”. Từ đó, nhiều đối tượng tham gia CHPC trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã nhận ra bản chất phản động của CHPC, thừa nhận vi phạm và cam kết từ bỏ CHPC, đặt niềm tin vào Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Nam) với đường hướng “Sống phúc âm, phụng sự Thiên Chúa, phục vụ Tổ quốc và Dân tộc” đã được Nhà nước công nhận, hoạt động hợp pháp.
Không thừa nhận thực tế nêu trên, không chịu từ bỏ âm mưu, thủ đoạn lợi dụng tôn giáo để chống phá Đảng, Nhà nước Việt Nam, Nguyễn Đình Thắng và RFA đang cố gắng bảo vệ và duy trì hoạt động của CHPC. Hai nỗ lực mà Nguyễn Đình Thắng cùng với các tổ chức phản động ở nước ngoài đang cố gắng tiếp tục thực hiện trong thời gian tới là: “một mặt là vận động quốc tế và mặt kia là đào tạo, huấn luyện, hướng dẫn một cách rất đơn giản và thực tiễn để những nạn nhân và cộng đồng của họ biết cách để nhận diện, thu thập chứng cứ và báo cáo các vụ vi phạm về quyền tự do tôn giáo và nhân quyền nói chung cho quốc tế”.
Cần phải khẳng định rằng, Nhà nước Việt Nam luôn tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân. Nhà nước bảo đảm sự đa dạng, hòa hợp và bình đẳng tôn giáo và không phân biệt đối xử vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo. Mọi người dân hoàn toàn tự do lựa chọn theo hoặc không theo tôn giáo nào. Có thể nói rằng, chưa bao giờ đời sống tôn giáo ở Việt Nam nói chung và ở Tây Nguyên nói riêng lại phát triển mạnh mẽ và phong phú như hiện nay. Nhiều hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng diễn ra với quy mô ngày càng lớn, thu hút đông đảo tín đồ và người dân tham gia. Các hoạt động tôn giáo đã đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo của đông đảo tín đồ và quần chúng nhân dân và có những đóng góp tích cực đối với đời sống xã hội. Đồng thời Nhà nước Việt Nam nghiêm cấm mọi tổ chức lợi dụng tôn giáo, đội lốt tôn giáo để tiến hành các hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia, xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét